Thủ tướng lâm thời Hassan Akhund có tên trong danh sách trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và từng làm việc trong nội các Taliban giai đoạn 1996-2001 - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi lưu ý danh sách được công bố chỉ có tên của các thành viên Taliban hoặc những cộng sự thân cận của họ và không có phụ nữ. Chúng tôi cũng lo ngại về các mối quan hệ cũng như hồ sơ lý lịch của một số người", một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
"Chúng tôi hiểu Taliban đã thông báo đây chỉ là nội các lâm thời. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đánh giá Taliban qua hành động của họ, không phải lời nói", phát ngôn viên nói thêm.
Washington cho biết họ "không vội vàng" công nhận chính quyền Afghanistan mới dưới thời Taliban.
Theo Hãng tin AFP, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục kêu gọi Taliban cung cấp hành lang di chuyển an toàn cho công dân Mỹ cũng như người Afghanistan muốn rời khỏi đất nước.
Trước đó, tại Qatar ngày 7-9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Taliban đang hợp tác trong vấn đề này, miễn là những người muốn rời đi có giấy thông hành hợp lệ.
Trước đó, Taliban công bố chính quyền lâm thời gồm toàn nhân sự của họ. Trong đó, ông Mohammad Hassan Akhund - một nhân vật từng rất gần gũi với người sáng lập Taliban - sẽ trở thành người đứng đầu chính quyền lâm thời.
Theo AFP, Thủ tướng lâm thời Akhund có tên trong danh sách trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và từng làm việc trong nội các Taliban các năm 1996-2001 - giai đoạn lực lượng này cầm quyền và thực thi luật Hồi giáo hà khắc.
Phó thủ tướng lâm thời Mullah Abdul Ghani Baradar - người đồng sáng lập Taliban - là người đã được Pakistan trả tự do dưới sức ép của Mỹ để tham gia các cuộc đàm phán về việc rút quân của binh lính Mỹ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani là người đứng đầu mạng lưới Haqqani, vốn bị Mỹ coi là nhóm khủng bố. Mỹ cũng treo thưởng hàng triệu USD cho người cung cấp thông tin giúp bắt được ông Haqqani.
"Chúng tôi đã nói rõ kỳ vọng của chúng tôi là người dân Afghanistan xứng đáng có một chính phủ bao gồm tất cả các thành phần", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Cũng trong ngày 7-9, theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông đã chắc về việc Trung Quốc sẽ cố gắng thỏa thuận với Taliban sau khi lực lượng này nắm quyền tại Afghanistan.
Khi được hỏi liệu ông có lo lắng về việc Trung Quốc sẽ tài trợ cho Taliban không, ông Biden nói: "Trung Quốc có vấn đề thật sự với Taliban. Do đó, tôi chắc chắn họ sẽ cố gắng để đạt một số thỏa thuận với Taliban. Pakistan cũng vậy, Nga cũng vậy, Iran cũng vậy. Họ đang cố gắng tìm hiểu xem bây giờ họ nên làm gì".
Ngoài Mỹ, theo AFP, ngày 7-9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng tỏ ra thận trọng trước chính quyền lâm thời của Afghanistan, cho biết ông sẽ theo dõi sát động thái của họ trong tương lai.
"Một nội các lâm thời đã được (Taliban) công bố. Chúng tôi không biết nó sẽ tồn tại trong bao lâu. Nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là thận trọng theo dõi", ông Erdogan nói.
Trước đó, cũng trong ngày 7-9, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cộng đồng quốc tế không nên vội vàng công nhận tính hợp pháp của Taliban.
Trong khi đó, tại Liên Hiệp Quốc, bà Pramila Patten - đứng đầu tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc - nói sự vắng mặt của nữ giới trong chính quyền lâm thời Afghanistan "đặt ra câu hỏi về những cam kết gần đây (của Taliban) để bảo vệ và tôn trọng quyền của phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan".
TTO - Sau khi công bố chính quyền lâm thời, Taliban đứng trước những thách thức to lớn về an ninh khi điều hành Afghanistan, cũng như phải đối mặt với ngày càng nhiều cuộc biểu tình nổ ra trên cả nước.
Xem thêm: mth.47725858080901202-natsinahgfa-ioht-mal-uhp-hnihc-yam-ob-ev-iagn-ol-ym/nv.ertiout