Bệnh nhân FO điều trị tại một bệnh viện đang trong tình trạng quá tải - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông là bệnh nhân suy thận mãn, chạy thận mỗi tuần 3 lần ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Sáng ấy sau khi ra khỏi nhà chừng một tiếng, ông gọi về cho tôi, giọng run run: "Cha đã dương tính, Bệnh viện giữ lại đây điều trị...".
Gọi đi đâu cũng thấy "quá tải"
Tôi choáng váng. Sau bao nhiêu nỗ lực gìn giữ thì nay virus corona đã vào đến nhà tôi. Cố gắng trấn an mình: Cha đã được chích một mũi AstraZeneca cách nay 5 ngày (dù tôi biết mới 5 ngày thì vắc xin chưa có tác dụng), cha đang ở bệnh viện, có bác sĩ và được điều trị.
Đợi mẹ cùng bình tĩnh lại, tôi đi tìm bộ kit test nhanh đã mua sẵn ở nhà. Tôi thực hành trước để mẹ yên tâm.
"Một vạch. Âm tính. Không sao đâu mẹ", tôi mỉm cười, đỡ đầu mẹ ngả ra phía sau, tập trung làm cho đúng thao tác. Mười phút chờ đợi chậm chạp trôi qua và trời đất như sụp trước mắt: hai vạch đỏ hiện lên rất đậm.
Mẹ tôi đã phải chiến đấu với căn bệnh ung thư gan nhiều năm nay, khối u đã di căn, cách đây mấy tháng mẹ còn bị viêm phổi và bác sĩ cho biết phổi trái bị xơ thùy dưới. Mẹ cũng chưa được chích vắc xin. Với những gì đã đọc, đã biết về COVID-19, tôi thực sự tuyệt vọng.
"Bình tĩnh, bình tĩnh" - tôi tự nhắc mình. Ba mẹ đều mang bệnh trọng, là con một, đã nhiều năm tôi trở thành trụ cột trong nhà nhưng sao giờ run quá. Không biết có phải do tác động tâm lý, rất nhanh mẹ tôi bắt đầu ho, cảm thấy nặng ngực và hâm hấp sốt.
Báo với y tế xã, mẹ tôi được ghi tên lên hệ thống đăng ký bệnh nhân để chờ được bệnh viện tiếp nhận, nhưng kèm theo là lời khuyên: "Nên tự chủ động tìm bệnh viện, hệ thống quá tải".
Quá tải là điều tôi đã nghe về các bệnh viện điều trị COVID-19 từ hai tháng nay. Những dòng tin nặng nề nay đã từ trên báo chí, mạng xã hội lao xuống đè nặng lên chính trái tim tôi.
Gọi đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nơi cha đang ở đó, bác sĩ trả lời: "Bệnh nền của mẹ con rất nặng, có nguy cơ trở nặng nhanh, nên vào viện sớm. Tuy nhiên, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đang quá tải".
Lại quá tải. Hoang mang, tôi dò tìm qua những chị em bạn bè. Một tia hy vọng lóe lên khi tôi được cho biết tin ngay trong chiều nay Bệnh viện hồi sức dã chiến số 16 sẽ nhận những bệnh nhân đầu tiên, đây lại là nơi các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đảm nhiệm.
Bệnh viện mới mở cửa sẽ không thể quá tải, nhưng làm sao để mẹ tôi được nhận? Lại một cô bạn bác sĩ khác liên hệ giúp. "Bệnh viện đồng ý nhận, 17h chiều nay đến nhập viện".
Mừng quá. Báo với y tế xã để sắp xếp xe, hai mẹ con vội đi xếp quần áo, đồ dùng, thuốc, chút thức ăn. Đầy một túi xách, mang để sẵn ở cửa, tôi chợt thừ người ra: tôi không muốn mẹ đi viện một mình.
Lại một tin nhắn mới hiện lên điện thoại: có trục trặc nên sáng mai bệnh viện mới nhận bệnh nhân. Lo lắng chồng chất nhưng bất giác tôi thở phào. Tối nay mẹ con tôi còn có nhau.
Mẹ cố gắng bình thản đọc vài trang sách. Tôi cố gắng bình thản đi nấu hai tô mì. Bệnh này phải duy trì ăn uống tốt, bác sĩ đã dặn vậy. Điện thoại lại reo: Bệnh viện 16 nhận bệnh lúc 22h.
Lại vội vã gọi điện xin xe chở F0. Mẹ bỗng cười bảo: "Mẹ đi mấy bữa, khỏi bệnh rồi về dẫn bé đi mua áo đầm".
Tôi lặng đi, chợt ý thức ra rằng đây có thể là lần cuối chúng tôi nhìn thấy nhau, nói chuyện với nhau. Nhưng giữ mẹ ở nhà, đêm nay nếu mẹ trở nặng thì biết phải làm thế nào, sáng mai bệnh viện đã kín chỗ phải làm sao...
Xe đến, xách túi, đưa mẹ vào xe với anh tài xế trong bộ đồ bảo hộ bít bùng, tôi gắng cười: "Mẹ đi chữa bệnh mau khỏe nha". Mẹ cũng cười: "Tất nhiên rồi".
Tin nhắn của mẹ, tin nhắn của anh tài xế tử tế: xe cấp cứu đang xếp hàng dài hàng kilomet trước cổng bệnh viện vừa mở cửa lần đầu. Lòng tôi như lửa đốt. Hai tiếng đồng hồ xếp hàng trong xe cấp cứu, mẹ vào được cổng, gặp được bác sĩ.
Và câu trả lời của bệnh viện: mẹ tôi bệnh nền nặng nhưng tình trạng nhiễm COVID còn nhẹ, chưa thể được nhận vào bệnh viện hồi sức. Rất nhiều bệnh nhân rất nặng còn đang xếp hàng...
Tôi và mẹ chụp một tấm ảnh trước lúc lên xe đến bệnh viện dã chiến - Ảnh: L.P.N. cung cấp
Cơ hội cuối
Xe lại đưa mẹ tôi quay về chung cư lúc nửa đêm. Đón mẹ lên nhà, những cố gắng của ngày hôm nay thế là hết. Cơ hội còn không?
Tôi cố vui. Mẹ tôi chưa trở bệnh nặng, tôi sẽ chăm sóc mẹ. Đi ngủ, tôi nghĩ đến những thứ mai mình sẽ phải tìm mua: vitamin, kháng sinh, thuốc hạ sốt, nhiệt kế, đo oxy, máy tạo oxy...
Sáng, tôi không ngồi dậy nổi, đầu nặng như chì, bắt đầu ho, bắt đầu sốt. Tôi lấy bộ kit test. Hai vạch đỏ thật đậm hiện ra rất nhanh. Thẫn thờ. Suy nghĩ duy nhất trong đầu: làm sao có đủ sức khỏe để chăm sóc mẹ? Tôi cũng chỉ vừa tiêm vắc xin được 5 ngày.
Lại gọi đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, xin cho mẹ vào viện cùng cha và xin cho mình vào viện với mẹ. Tôi muốn đi cùng cha mẹ, chăm sóc cha mẹ và nếu đây là chặng đường cuối cùng thì càng không thể để mẹ cha đi trong cô độc.
Bác sĩ từ chối: dù có nhập viện chung cũng không thể ở chung, nguy cơ lây nhiễm chéo và nhiễm trùng bệnh viện rất cao, nếu triệu chứng nhẹ thì nên ở nhà...
Lại chị bạn gửi cho số điện thoại của một bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến số 8. Tôi gọi, lòng không còn nhiều hy vọng. Thế nhưng giọng nói của bác sĩ đầu dây bên kia lại thật ấm áp, quan tâm.
Bác sĩ phân tích cho tôi: mẹ nhiều bệnh nền nên khả năng trở nặng sẽ cao và sớm, phải vào viện. Các viện đều đang quá tải, người chăm sóc tốt nhất là người nhà. Tôi đã có kết quả dương tính nên không còn sợ bị nhiễm chéo, hãy tìm bệnh viện và cùng vào viện với mẹ.
Nhưng mẹ tôi bệnh nền nặng, và bệnh viện điều trị tầng 4, hồi sức tầng 5 thì đều chưa chịu nhận mẹ, huống chi là tôi. Rối bời. Gọi điện cho chị bạn, nức nở, lộn xộn trình bày. Không nghĩ chị có thể hiểu, nhưng hóa ra chị ấy đã hiểu ngay.
Một câu hỏi thức tỉnh: Bác sĩ đã nói vậy, tại sao không xin ngay vào Bệnh viện dã chiến số 8? Đâu phải có bệnh nền thì không thể đến bệnh viện dã chiến?
Ừ nhỉ, sao tôi lại không nghĩ ra. Cầm điện thoại thử một cơ hội cuối. Và bác sĩ nhanh chóng đồng ý.
Lúc ấy, tôi chưa hề biết rằng mình đã may mắn gặp được ý tưởng "tình nguyện viên F0 chăm sóc F0" sẽ được khởi từ Bệnh viện dã chiến số 8 một thời gian sau đó.
Cuộc chuẩn bị vào viện lại một lần nữa bắt đầu, nhưng lần này tôi đã mạnh mẽ hơn. Dù tôi cũng đã là bệnh nhân, nhưng tôi sẽ được đi cùng mẹ. Ở đó mẹ sẽ có bác sĩ, có oxy, sẽ được chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết...
Mẹ thủ thỉ: "Mẹ biết bệnh của mình, nếu có trở nặng thì hy vọng là rất mong manh. Đừng dùng máy thở, sẽ chỉ làm mẹ đau đớn hơn". Thắt ruột thắt gan, tôi hứa với mẹ điều đó.
"Nếu mẹ không về..."
Mẹ đi bệnh viện. Lên đến nhà, còn lại một mình trong căn phòng, tôi như không đứng vững. Vào phòng mẹ, tôi thấy trên gối một lá thư. Mẹ viết: "Nếu mẹ không về...". Sụp đổ. Chị bạn nhắn tin an ủi: "Bệnh viện Bạch Mai là nơi có những bác sĩ giỏi. Mẹ em vậy là rất may mắn". Vâng, tôi cầu nguyện. Thời gian trôi như đeo đá.
"Không khí chắc đậm đặc virus", ý nghĩ từ những ngày chưa phải là F0 làm run chân tôi khi bước ra khỏi xe để vào bệnh viện dã chiến. Nhưng chỉ một ngày sau thôi, tôi đã có những ý nghĩ hoàn toàn khác về nơi này...
Kỳ tới: 10 ngày sinh - tử ở bệnh viện
TTO - Làm thiện nguyện mùa này rất đặc biệt. Họ chẳng còn được thong dong khắp hang cùng ngõ hẻm nữa mà thay vào đó là khoác lên mình bộ bảo hộ rồi đi 'một lèo' vào tâm dịch.
Xem thêm: mth.98070920180901202-iat-auq-cul-neiv-hneb-mit-gnouc-gnouc-8-yk-of-cac-auc-neihc-couc/nv.ertiout