Học sinh hệ 9+ Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương TP.HCM trong giờ học văn hóa - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tại hội nghị, TS Nguyễn Thị Thu Dung, hiệu trưởng Trường CĐ Y Thái Bình, chia sẻ dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục và đào tạo ảnh hưởng tới quyền lợi của người học.
Cụ thể, nếu chỉ học chương trình 4 môn, học sinh không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này là một thiệt thòi rất lớn vì khi tuyển dụng nhiều đơn vị vẫn đòi hỏi ứng viên cần tốt nghiệp THPT. Chưa kể, các em được liên thông lên bậc cao đẳng nhưng không thể học đại học.
Nếu muốn thi tốt nghiệp THPT, học sinh 9+ phải học chương trình giáo dục thường xuyên gồm 7 môn. Tuy nhiên, hiện nay các trường nghề không được tự dạy chương trình này mà phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
Theo bà Dung, đây là bất cập trong khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ khả năng dạy chương trình văn hóa 7 môn nhưng lại phải giao cho các trung tâm giáo dục thường xuyên. Nhiều trường nghề phản ánh chất lượng dạy, quản lý của các trung tâm này không tốt bằng khi họ tự chủ, thậm chí có nơi nặng hình thức.
Ông Nguyễn Công Thông, hiệu trưởng Trường CĐ nghề Việt - Hàn Bắc Giang, lại cho rằng dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục và đào tạo vẫn chưa thấy rõ tính liên thông giữa các cấp độ trung cấp, cao đẳng, đại học.
Ông Thông cho rằng cần có thêm hướng học thêm cho các học sinh 9+ hoàn thành chương trình khối lượng kiến thức THPT, tức chương trình 4 môn. Có thể học thêm một số nội dung để được thi tốt nghiệp THPT và học tiếp đại học hơn là chỉ dừng lại ở cao đẳng.
Ông Vũ Xuân Hùng - vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - chia sẻ các môn học văn hóa THPT trong dự thảo cần được thiết kế thống nhất với các môn học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc chương trình giáo dục THPT nhằm tạo cơ hội cho người học thi tốt nghiệp THPT.
Trong đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nếu đủ điều kiện thì được giảng dạy các môn học theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc chương trình giáo dục THPT cho học sinh có nguyện vọng thi tốt nghiệp, thay vì phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên như hiện nay.
Ngoài ra, các học sinh đã hoàn thành chương trình 4 môn nếu có nguyện vọng đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT thì được học bổ sung các môn học còn thiếu theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT và được tham gia thi tốt nghiệp THPT.
Trước đó, Bộ Giáo dục và đào tạo công bố dự thảo thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp.
Theo đó, hai môn học bắt buộc là toán và ngữ văn, mỗi môn có thời lượng 270 tiết. 5 môn lựa chọn là vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, mỗi môn 180 tiết.
Với mỗi ngành, nghề của giáo dục nghề nghiệp, học sinh học ít nhất 4 môn học, gồm 2 môn bắt buộc và ít nhất 2 môn lựa chọn.
TTO - Đó là những thực trạng, đề xuất được trường nghề đưa ra trong cuộc họp trực tuyến do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 20-8.
Xem thêm: mth.73182215180901202-nom-7-aoh-nav-hnirt-gnouhc-yad-coud-noum-ehgn-gnourt/nv.ertiout