Bên cạnh nhiều lời khen ngợi, phim tài liệu Ranh giới cũng nhận chỉ trích thiếu tôn trọng quyền riêng tư của bệnh nhân - Ảnh: ĐPCC
Ranh giới là bộ phim tài liệu không có lời bình, chỉ sử dụng hình ảnh, lời nói, âm thanh ghi trực tiếp từ hiện trường là khu K1 Bệnh viện Hùng Vương chuyên điều trị các thai phụ mắc COVID-19, đã dựng lên một hiện thực "vô cùng khốc liệt, vô cùng yêu thương" ở nơi mà các y bác sĩ đang phải làm việc 300% sức mình để giành lại sự sống cho các thai phụ.
"Xúc động lòng người"
Sau khi phát sóng vào tối qua trên kênh VTV1, trong chương trình VTV đặc biệt, bộ phim tài liệu Ranh giới của VTV (đạo diễn Tạ Quỳnh Tư) lập tức thành sóng trên mạng xã hội, với vô số lời ngợi khen từ công chúng bình thường tới những người trong nghề và những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội.
Cây viết với nickname Bình Bồng Bột trên mạng xã hội Facebook nói khi anh coi phóng sự Ranh giới, có những giây phút anh nghẹn lại.
"Không một bộ phim drama nào có thể tạo ra sự xúc động mãnh liệt đến thế dù trong phim, các bác sĩ chỉ đang làm công việc hằng ngày của họ", Bình Bồng Bột chia sẻ.
Nhà nghiên cứu trẻ làm việc trong các tổ chức quốc tế Huy Nguyễn bày tỏ ấn tượng với một bộ phim tài liệu không lời bình và có lẽ không có kịch bản trước này nói lên tất cả về sự khốc liệt của cuộc chiến chống COVID-19 ngay ở tuyến đầu.
"Đó là một phóng sự xuất sắc", nhận định của Huy Nguyễn cũng chính là cảm nhận chung của đông đảo khán giả.
Phim được ngợi khen vì lột tả được những vất vả, hy sinh của các y bác sĩ và khắc họa được sự khốc liệt của COVID-19 - Ảnh: ĐPCC
Từ cái nhìn trong nghề, nhà biên kịch dày dạn kinh nghiệm Nguyễn Thị Hồng Ngát bày tỏ sự khâm phục và ngợi khen nhóm làm phim đã khéo léo chọn được bối cảnh và tình huống độc đáo.
"Làm phim tài liệu là phải thế, phải dũng cảm, chịu khó, ghi hình một cách chân thực, sống động thì mới thành công và xúc động lòng người", bà Hồng Ngát chia sẻ.
Còn đạo diễn Việt Tú thì chia sẻ bộ phim tài liệu nghẹt thở này "đặc biệt để chúng ta trân trọng hơn những gì đang có, để cảm ơn và biết ơn những y bác sĩ tuyến đầu".
Thiếu nhân bản hay lựa chọn trân trọng mọi hiện hữu của con người?
Nhưng bên cạnh làn sóng ngợi khen hết lời cho bộ phim tài liệu này thì cũng có một số luồng ý kiến chỉ trích bộ phim đã không che mặt các bệnh nhân khi đưa những hình ảnh bệnh tật ốm yếu của họ.
Một bác sĩ có lượng theo dõi khá đông đảo trên mạng xã hội cho rằng những thai phụ mắc COVID-19 đang đau khổ, hoảng sợ bởi nỗi đơn độc giữa ranh giới sinh tử thì cần được bảo vệ, không nên lợi dụng hoàn cảnh bi kịch của họ chỉ để thỏa mãn sự tò mò và cảm xúc của đám đông.
Vị bác sĩ nói điều này là "không đúng, nên xem lại".
Nhà nghiên cứu Huy Nguyễn dưới bài đăng khen ngợi hết lời cho bộ phim cũng đưa bình luận lưu ý đoàn làm phim nên che mặt các bệnh nhân và không tiết lộ thông tin cá nhân.
"Quyền riêng tư của bệnh nhân và gia đình họ cần được tôn trọng", Huy Nguyễn nêu ý kiến.
Khoảnh khắc các bác sĩ tập trung cấp cứu bệnh nhân thì bệnh nhân bất tỉnh thường không được quay cận - Ảnh: ĐPCC
Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp từ kinh nghiệm của một người làm phim phỏng đoán rằng hẳn là nhóm làm phim đã có được sự đồng thuận của các bệnh nhân thì mới làm được một bộ phim công phu trong nhiều ngày như vậy.
"Tôi không nghi ngờ về nghiệp vụ của các nhà làm phim trong trường hợp này. Họ làm được phim như thế thì phải có sự chuẩn bị và đồng thuận từ các bên", bà Điệp nói.
Bà Điệp phỏng đoán phim không che mặt của bệnh nhân có lẽ không phải các tác giả không từng nghĩ tới, mà ở đây là người làm phim có lựa chọn riêng của họ về hình thức thể hiện.
"Lựa chọn này có thể là do họ muốn trân trọng mọi hiện hữu của những con người ấy, dù trong bất cứ giây phút nào", nữ đạo diễn chia sẻ.
Trailer Ranh giới
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho biết giải pháp che mặt nhóm làm phim đã nghĩ đến ngay từ đầu. Tuy nhiên, êkip làm phim đã có sự trao đổi cùng các y bác sĩ bệnh viện và nhận được ý kiến của đa số là không cần che mặt bệnh nhân.
Bởi các y bác sĩ ở đây đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh đau lòng khi một bệnh nhân COVID-19 qua đời nhưng người nhà không thể vào nhìn mặt lần cuối, chỉ có thể thấy lại khuôn mặt người thân qua những bức ảnh bác sĩ chụp lại giúp.
Vì vậy các y bác sĩ cho rằng quay cận mặt có thể khiến người nhà sẽ khóc, hay ai đó phê bình chuyện quyền riêng tư, nhưng đó có thể là kỷ niệm đẹp cuối cùng về người thân mà họ còn được nhìn lại.
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cũng lưu ý trong phim 4 thai phụ quay cận mặt thì đều là những người còn tỉnh táo, vẫn ngồi được, nói chuyện với bác sĩ và họ đồng thuận với việc làm phim.
Nhiều bệnh nhân thậm chí vẫn tiếp tục giữ liên lạc với đạo diễn - người đã có nửa tháng trời làm việc miệt mài, vất vả bên các bệnh nhân, chia sẻ với họ những khoảnh khắc yếu lòng và cả niềm vui vô bờ.
Còn những bệnh nhân nguy kịch, bất tỉnh thì đoàn không quay mặt, thường chỉ quay phía sau lưng. "Họ đồng thuận chia sẻ câu chuyện của mình. Nhiều người muốn câu chuyện ý nghĩa này được chia sẻ ra với đầy đủ góc độ của nó", đạo diễn Ranh giới nói.
TTO - Người xem không ít lần rớt nước mắt khi thấy khoảnh khắc bất lực của y bác sĩ khi cấp cứu bệnh nhân thất bại, thấy người đàn ông rối trí khi biết tin người thân qua đời, hay khi thấy những em bé được ra đời ngay giữa ranh giới của cái chết…