Ở những năm học trước, thời điểm này, hầu hết trường nghề (CĐ và trung cấp) ở TP.HCM đã “rủng rỉnh” thí sinh (TS) và bắt đầu năm học mới. Thế nhưng năm nay dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các trường nghề vốn không hút người học nay càng chật vật trong tuyển sinh. Số TS đăng ký nhiều nhưng tỉ lệ xác nhận nhập học thực tế lại rất thấp.
Chật vật tìm kiếm thí sinh
Là một trong những trường nghề có quy mô đào tạo và hút người học nhất TP.HCM nhưng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (quận Tân Bình) đến nay vẫn chỉ mới tuyển được khoảng 40% chỉ tiêu.
Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng trường, cho biết tổng chỉ tiêu của trường khoảng 8.000 em, cho cả hệ trung cấp và CĐ. Số đăng ký xét tuyển cũng hơn 10.000 em thông qua hệ thống trực tuyến nhưng nay trường mới tuyển được khoảng 3.000 em. Trong đó, tập trung nhiều ở một số ngành “hot” như công nghệ ô tô, thiết kế đồ họa, cơ khí…
Theo ông Lộc, dịch bệnh COVID-19 kéo dài, ngày càng phức tạp khiến công tác tuyển sinh và nhập học của trường đều thông qua trực tuyến. Những em chọn học nghề thường thuộc diện gia đình khó khăn, ở các tỉnh nên khi dịch bệnh, việc đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến việc làm thủ tục nhập học vì không rành thao tác trực tuyến.
Hơn nữa, kế hoạch tuyển sinh ĐH cũng khá muộn, nhiều TS vẫn chờ kết quả xét tuyển ĐH rồi mới quyết định nhập học trường nghề.
“Chưa năm nào đến tháng 9 mà trường có kết quả tuyển sinh thấp như năm nay. Hiểu được khó khăn của các em, trường cũng đã giảm 50% mức thu học phí học kỳ 1 để tạo điều kiện cho các em xác nhận nhập học nhưng tỉ lệ vẫn thấp” - ông Lộc bày tỏ.
Tương tự, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật TP.HCM cũng khá chật vật trong mùa tuyển sinh năm nay khi chỉ tiêu tuyển sinh của trường khoảng 2.000 em nhưng đến nay chỉ tuyển được 600 em. Trong đó, hệ trung cấp là 200 em, còn lại là hệ CĐ.
Theo Tiến sĩ Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng trường, dịch bệnh kéo dài gây thiệt hại lớn khiến nguồn tuyển TS từ các tỉnh giảm mạnh. Nếu như mọi năm lượng TS của trường đến từ các tỉnh như Tiền Giang, Long An, Bình Thuận, Ninh Thuận… nhiều thì năm nay trường chỉ tuyển được TS chủ yếu ở TP.HCM. “Số lượng TS đăng ký xét tuyển khá cao, gấp 3-4 lần tổng chỉ tiêu nhưng số tuyển được vẫn rất thấp” - ông Khiêm giãi bày.
Còn tại Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, dù trường thực hiện chính sách giảm đến 40%-50% học phí học kỳ 1 đối với hệ CĐ và hệ 9+ CĐ để thu hút TS nhưng đến nay tỉ lệ xác nhận nhập học vẫn rất thấp. Như hệ CĐ chỉ có 10% học sinh, còn hệ 9+ CĐ đã tuyển được gần 50% chỉ tiêu.
Kỹ thuật viên của Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng điều hành thiết bị phòng trực tuyến để chuẩn bị cho các chương trình giáo dục định hướng đầu năm cho sinh viên. Ảnh: HỮU LỘC
Đón năm học mới kiểu cuốn chiếu
Việc khó khăn trong tuyển sinh cộng với dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp khiến kế hoạch năm học mới 2021-2022 của các trường nghề bị ảnh hưởng không nhỏ.
Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật TP.HCM đã hoàn tất kế hoạch cho năm học mới trong tháng 8, trường sẽ học online đến hết học kỳ 1. Với các khóa học cũ sẽ bắt đầu học từ ngày 8-9. Còn khóa mới, đến nay số lớp tuyển đủ quá ít nên trường buộc phải kéo dài thời gian tuyển sinh, có thể đến tháng 10 và sẽ chấp nhận thực hiện tổ chức năm học dạng cuốn chiếu, lớp nào tuyển đủ học trước, số TS xét tuyển sau sẽ vào học sau, dự kiến bắt đầu từ ngày 15-9.
Tương tự, tại Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, trường cũng xác định kéo dài thời gian tuyển sinh đến tháng 10. Theo Hiệu trưởng Phạm Hữu Lộc, trước mắt sẽ cho các khóa trước tựu trường từ ngày 20-9, còn với khóa mới sẽ bắt đầu năm học từ ngày 4-10.
Đến thời điểm này, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cũng đã lần lượt công bố kết quả trúng tuyển của các phương thức xét tuyển gồm điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ và kết quả đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Do đang trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh, trường cho các em làm thủ tục nhập học trực tuyến từ ngày 20-8 đến hết 8-9, tùy từng phương thức. Tuy nhiên, trường dự kiến đến ngày 14-10 mới bắt đầu nhập học chính thức cho tân sinh viên.
Học phí trường nghề không tăng so với năm học trước Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, mức trần học phí dao động từ 780.000 đồng đến hơn 1,14 triệu đồng/tháng/sinh viên, tùy theo nhóm ngành, nghề. Còn với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, mức trần học phí dao động 1,64-4,04 triệu đồng/tháng/sinh viên. Tuy nhiên, từ năm học 2022-2023, mức trần học phí này được điều chỉnh tăng khá cao. Trong đó, đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, mức trần học phí dao động từ hơn 1,2 triệu đến hơn 2,1 triệu đồng/tháng/sinh viên. Các năm học sau, mỗi năm sẽ tăng trung bình khoảng 80.000-120.000 đồng/tháng. Riêng đối với cơ sở tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí tối đa không quá hai lần so với mức học phí của nhóm chưa bảo đảm chi thường xuyên. Đối với cơ sở tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, được chủ động xây dựng và quyết định mức học phí theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản có liên quan. Với các ngành, nghề đào tạo theo hình thức học trực tuyến (online), cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định mức thu học phí trên cơ sở chi phí hợp lý thực tế, tối đa bằng mức học phí của các ngành, nghề đào tạo theo hình thức đào tạo trực tiếp. (Theo Nghị định 81/2021) |