HLV Branko Ivankovic của tuyển Oman - Ảnh: Tehran Times
Lượt trận đầu vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, tuyển Oman đang tạo nên bất ngờ lớn sau hai màn trình diễn ấn tượng trước Nhật Bản (thắng 1-0) và Saudi Arabia (thua 0-1).
Duyên nợ của ông Park
Nhân tố nổi bật nhất của tuyển Oman được AFC và cả báo chí Oman ngợi khen chính là HLV trưởng Branko Ivankovic, sinh năm 1954, người Croatia, từng dẫn dắt tuyển Iran giành vé dự World Cup 2006.
"HLV Branko Ivankovic đã xây dựng thành công lối chơi có tính gắn kết cao cho tuyển Oman, dựa trên hai yếu tố phòng ngự kỷ luật, tấn công hiệu quả. Dưới sự dẫn dắt của Ivankovic, tuyển Oman như một gã khổng lồ thức giấc và có thể vượt qua vòng loại thứ 3 World Cup 2022", AFC (LĐBĐ châu Á) nhận định.
Chắc hẳn HLV Park Hang Seo của tuyển Việt Nam không xa lạ ông Branko Ivankovic. Ở bán kết môn bóng đá nam Asiad 2002, HLV Ivankovic cùng U23 Iran đã đánh bại U23 Hàn Quốc dưới trướng ông Park.
Đó là trận đấu cả hai đội đã hòa 0-0 trong 120 phút thi đấu và U23 Iran thắng chung cuộc 5-3 trên loạt sút luân lưu. Sau đó U23 Iran giành huy chương vàng sau trận thắng 2-1 trước U23 Nhật Bản.
Tan vỡ giấc mộng HCV ngay trên sân nhà, HLV Park Hang Seo bị sa thải, nhận muôn vàn chỉ trích từ dư luận.
Thậm chí, ông còn bị một số quan chức bóng đá Hàn Quốc chê bai năng lực bất chấp việc ông vừa mới nổi danh sau khi làm trợ lý cho HLV Guus Hiddink, góp công giúp đội tuyển Hàn Quốc vào đến bán kết VCK World Cup 2002. Kết quả, ông Park thất nghiệp trong 3 năm sau đó.
HLV Park Hang Seo từng được người hâm mộ Việt Nam đặt biệt danh "Thánh sa thải" bởi dưới tay ông là những bại tướng như HLV Antoine Hey (Myanmar), Sven Goran Eriksson (Philippines), Guus Hiddink (U22 Trung Quốc) và Sirisak Yodyardthai (Thái Lan).
Cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Oman vào ngày 12-10 sẽ rất thú vị khi "thánh sa thải" sẽ gặp lại người từng khiến mình bị sa thải.
Tuyển Oman đang xếp thứ 4/12 đội về hiệu quả tấn công và xếp thứ 3/12 đội về hiệu quả hạn chế bàn thua - Ảnh: AFC
Tuyển Oman thực lực đáng gờm
Trở lại với tuyển Oman, ở trận ra quân họ đã tạo nên bất ngờ khi chiến thắng 1-0 trước Nhật Bản. Càng bất ngờ hơn nếu nhìn vào các con số thống kê, tuyển Oman chơi tấn công hiệu quả hơn đội bóng số một châu Á Nhật Bản.
Cụ thể, theo fotmob, tuyển Oman đã có tổng cộng 12 cú sút với tỉ lệ chính xác 50%, 12 cơ hội có thể ghi bàn và một trong số đó là bàn thắng quyết định trận đấu. Trong khi tuyển Nhật Bản có 10 cú sút, tỉ lệ chính xác 40% và 8 tình huống tấn công nguy hiểm.
Không những thế, ở một số thống kê phòng ngự, tuyển Oman cũng lấn lướt Nhật Bản. Ví dụ như số lần tranh chấp thành công (47 lần so với 32 lần), số lần cắt bóng thành công (18 - 10). Tuyển Nhật Bản chỉ vượt trội ở mặt kiểm soát bóng với 65% cùng các thống kê về đường chuyền.
Bước sang trận thứ 2, tuyển Oman dù thua 0-1 trước Saudi Arabia nhưng họ tạo ra thế trận khiến tờ Shabiba tiếc nuối "vẫn có thể thắng nếu may mắn hơn". Ngay cả Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cũng ưu ái dành lời khen "hoàn toàn có thể lật đổ các ông lớn" cho tuyển Oman.
Tương tự như ở trận đầu, tuyển Oman vẫn tiếp tục lấn lướt đối thủ ở các thống kê số lần dứt điểm (10 - 7), tỉ lệ sút chính xác (3 - 1) và số cơ hội có thể ghi bàn (10 - 8).
Tổng kết lại theo thống kê từ AFC, tuyển Oman đang có hàng công tốt thứ 4 trong tổng số 12 đội, sau lượt trận đầu tiên vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
Chưa dừng lại ở đó, đoàn quân dưới trướng HLV Branko Ivankovic đang đạt hiệu suất bàn thua dự kiến là 0,77. Con số chỉ kém Hàn Quốc (0,39) và Iran (0,43).
Với những thống kê trên, AFC nhận định tổng quát về tuyển Oman: "Họ đã không cho các đối thủ hàng đầu châu Á nhiều cơ hội để ghi bàn và thậm chí còn có thể giành được 3 điểm".
Trong top 10 cầu thủ thi đấu tốt nhất lượt trận đầu do AFC đánh giá, tuyển Oman đóng góp gương mặt Salaah Al Yahyaei. Tiền vệ tấn công sinh năm 1998 đạt hiệu suất 1 kiến tạo thành bàn, 4 lần kiến tạo tình huống dứt điểm cho đồng đội.
Tình hình bảng B vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á sau lượt trận tháng 9
Theo thông báo từ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), tuyển Việt Nam sẽ gặp Trung Quốc tại sân vận động Shajah (UAE) vào ngày 7-10 và sau đó tiếp tục làm khách trên sân của Oman vào ngày 12-10.
Xem thêm: mth.8120401011901202-krap-gno-ohc-uas-oeig-gnut-neiv-neyul-nauh-oc-namo-neyut/nv.ertiout