Thông tin về tình hình cung ứng hàng hoá thiết yếu trên địa bàn TP HCM, Sở Công Thương TP cho biết TP hiện có 2.714 điểm cung ứng hàng hóa, trong đó có 92 siêu thị, 9 chợ truyền thống và hơn 2.100 cửa hàng tiện ích còn hoạt động.
Với chủ trương mở cửa theo lộ trình, an toàn đến đâu mở đến đó, việc bổ sung các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian tới như nới khung giờ hoạt động của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; cho phép người dân tại các khu vực kiểm soát tốt dịch được đi chợ 1 lần/tuần; mở các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối; đặc biệt là cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang đi… sẽ tiếp tục nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Các siêu thị, cửa hàng đã được phép mở cửa hoạt động đến 21 giờ mỗi ngày
Theo Sở Công Thương, nhằm bảo đảm lưu thông thông suốt, vận chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm, thời gian qua, TP đã phối hợp các tỉnh, thành tổ chức phân luồng xanh, triển khai các phương án giao thông linh hoạt; tổ chức cấp giấy đi đường cho các đối tượng ưu tiên, hỗ trợ khoảng 20.000 shipper triển khai các hoạt động giao nhận hàng hóa trên địa bàn các quận, huyện, TP Thủ Đức...
"Để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực tự cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Y tế, Công an TP và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tiêm vắc-xin, cấp giấy đi đường kịp thời cho các đối tượng đồng thời khẩn trương hoàn thiện xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn" - Sở Công Thương cho biết.
Ngành công thương TP xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là khẩn trương hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp tiêm vắc-xin nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực "xanh" để tái sản xuất.
Song song đó, phối hợp UBND các quận, huyện triển khai phương án đi chợ 1 tuần/lần cho người dân tại địa bàn quận 7 và huyện Củ Chi; tổ chức rà soát, đánh giá tình hình các chợ truyền thống đang hoạt động, nghiên cứu đề xuất phương án mở lại các chợ vào thời điểm phù hợp.
Ngành công thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp Công an TP rà soát bổ sung, tổ chức cấp giấy đi đường cho các đối tượng theo quy định; hỗ trợ gia tăng lực lượng shipper theo lộ trình để bổ sung lực lượng giao nhận hàng hóa ăn, uống mang về.
Về tình hình tổ chức phân phối hàng hoá, thực phẩm cho người dân, theo Sở Công Thương TP, từ ngày 23-8, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức "đi chợ hộ" với sự tham gia của tổ hậu cần địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương cùng các lực lượng công an, quân đội đang được tăng cường tại địa phương.
Từ ngày 23-8 đến 10-9, có 67,31% tổng số hộ dân đang sinh sống tại TP đăng ký đơn hàng "đi chợ hộ" (1.693.834 hộ). Đã có 1.666.772 hộ được cung ứng hàng, đạt 98,4% so với nhu cầu đăng ký. Ngoài phương thức "đi chợ hộ", Sở Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp bổ trợ khác như tổ chức bán hàng lưu động; triển khai Dự án Chợ Nghĩa Tình...
1.483.324 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19 đã được chính quyền địa phương cấp túi an sinh.
Xem thêm: mth.96721810211901202-gnoht-neyurt-ohc-ial-om-na-gnouhp-uuc-neihgn-es-mch-pt/et-hnik/nv.moc.dln