"Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước trước sự thật rằng hiện có hàng triệu người đang sống khổ sống sở. Tôi thật tâm muốn giúp", ngôi sao Angelina Jolie chia sẻ trong ngày được chính thức bổ nhiệm làm đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Câu chuyện của diễn viên nổi tiếng Jolie đã làm cả thế giới phải thán phục trong suốt 20 năm qua và không phải ngẫu nhiên mà cô được Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm làm đại sứ thiện chí.
Trên thực tế, câu chuyện Angelina làm từ thiện là cả một quá trình đấu tranh, thoát ra khỏi vũng lầy quá khứ của bản thân để vươn lên và thực tâm yêu thương những số phận dưới đáy xã hội.
Nguồn ảnh: ABC News
Cuộc đời nghiện ngập
"Tôi thấy rằng mình quá may mắn và nên làm điều gì đó để thế giới này bớt khổ đau hơn", Angelina Jolie đã từng tâm sự những lời như vậy khi được mệnh danh là "nữ hoàng từ thiện" của Hollywood.
Thật vậy, bản thân Jolie sinh ra trong một gia đình "con nhà nòi" khi bố mẹ đều là những diễn viên nổi tiếng. Sống trong môi trường khá giả và có bệ đỡ, Jolie đã bắt đầu đóng phim từ năm lên 7. Ở tuổi 18 khi nhiều diễn viên trẻ còn phải lăn lộn mưu sinh thì cô đã nhận được hợp đồng từ những bộ phim cỡ lớn như "Cyborg 2".
Vậy nhưng cuộc đời Jolie lại chẳng phải màu hồng khi cha mẹ cô phải ly thân. Dù sống với cha nhưng những chuyến đóng phim xa nhà đã khiến cô thiếu thốn tình cảm gia đình và dần rơi vào con đường nghiện ngập.
Từ năm 14 tuổi, Jolie đã sống chung cùng bạn trai. Cô thậm chí không ngần ngại chụp những tấm hình nóng hay thử gần như mọi loại thuốc kích thích khi chưa đến 20 tuổi.
Thậm chí khi bộ phim "Lara Croft: Tomb Raider" được sản xuất và đưa Jolie thành ngôi sao hạng A của thế giới, các nhà làm phim cũng đã phải buộc cô xét nghiệm ma túy mỗi ngày cũng như yêu cầu cai nghiện.
Với nỗ lực để hoàn thành bộ phim theo đúng yêu cầu, Jolie đã làm hết sức mình để từ bỏ ma túy, và có lẽ một trong những yếu tố giúp cô quên đi quãng đời nghiện ngập của mình là từ thiện.
Thực chất và Thật tâm
"Lúc đến Campuchia quay phim Tomb Raider năm 2001, tôi thấy mình còn chưa biết nhiều. Đây là đất nước mà tôi không phải muốn đi đâu cũng được vì nhiều nơi còn đầy rẫy mìn. Sau đó tôi biết Mỹ chưa ký một hiệp ước nào để cấm mìn. Tôi bắt đầu đi và đọc nhiều hơn. Tôi đọc tài liệu về Cao ủy tị nạn của LHQ (UNHCR). Gần 20 triệu người đang được sự quan tâm của tổ chức này. Tôi nghĩ, làm sao mà có chuyện như vậy được nhỉ?", Jolie chia sẻ khi nhớ về quãng thời gian bắt đầu quan tâm đến hoạt động từ thiện ngay trong lúc quay phim và cai ma túy.
Ngày càng đọc nhiều, Jolie càng nhận ra mình đã bỏ quên những phận đời kém may mắn hơn bản thân. Cô nhận ra 1/6 dân số thế giới đang sống với thu nhập chưa đủ 1 USD/ngày. Khoảng 1,1 tỷ người đang thất học trên toàn cầu và hơn 100 triệu trẻ em toàn thế giới thất học.
Chính những phận đời bi thương này đã thôi thúc Jolie cai ma túy thành công kể cả khi đã quay phim xong, đồng thời đưa cô vào con đường từ thiện, mở sang trang mới của một ngôi sao đã từng nghiện ngập.
Cùng năm 2001 khi chứng kiến cảnh bi thương của những phận người khốn khổ trên đất Campuchia, Jolie quyết định làm điều mà mình chưa từng nghĩ đến trước đó: nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi.
Tình yêu thương của một người mẹ đã thôi thúc Jolie từ bỏ hình ảnh quyến rũ, sang trọng ngày nào với những bữa tiệc tùng để bắt đầu rong ruổi thăm khắp các trại tị nạn trên thế giới, trở thành người đại diện và bảo vệ cho những thân phận yếu thế.
Không chỉ trở thành đại sứ thiện chí của Liên hiệp quốc, nữ diễn viên Jolie còn trở thành đại sứ cho nhiều tổ chức hay quỹ từ thiện trên thế giới như UNICEF, ONE...
Thậm chí Jolie còn cùng chồng lập ra quỹ Jolie-Pitt Foundation để tiếp tục hoạt động thiện nguyện. Hầu như các hoạt động từ thiện của Jolie đều được đánh giá là thực tâm và thực chất, chưa hề có phàn nàn nào về sự không rõ ràng tài chính.
Dù bận với nhiều dự án lớn, Jolie vẫn đi lại liên tục như con thoi tới các vùng đất xa xôi. Năm 2002, nữ diễn viên tới trại tị nạn Tham Hin tại Thái Lan; sang Ecuador, đến Kosovo; ghé qua trại tị nạn Kakuma tại Kenya. Năm 2003, cô đến Tanzania, Sri Lanka. Năm 2005, cô tới Pakistan để gặp người tỵ nạn Afghanistan…
Nguồn ảnh: UNHCR, CNN, Time
Liên Hiệp Quốc cho biết kể từ khi trở thành đại sứ thiện chí, Jolie đã thực hiện gần 50 nhiệm vụ tại các điểm nóng trên thế giới, một con số vô cùng đáng nể với một diễn viên chuyển ngang sang mảng này.
Với sự tích cực đó, Jolie đã được nhiều tổ chức vinh danh là "Nữ hoàng từ thiện" và là người đầu tiên trên thế giới được nhận giải thưởng "Công dân quốc tế" do Hiệp hội phóng viên liên hiệp quốc (UNCA) trao tặng.
Từ thiện không phải chỉ nói suông
Đối với Angelina Jolie, việc thiện nguyện không chỉ đơn giản là làm đại diện, đến các cuộc hội thảo phát biểu hay nhận thêm con nuôi. Cô luôn tâm niệm rằng mình phải đích thân đi đến những nơi khó khăn để cảm nhận và hiểu rõ nhất về hoạt động từ thiện mình đang làm. Bản thân Jolie muốn hiểu làm thế nào để hoạt động thiện nguyện của mình hiệu quả hơn nữa, thực chất hơn nữa chứ không chỉ là những lời nói suông hay đi phát tiền vu vơ.
"Lúc ở trại tị nạn, tinh thần tôi thoải mái hơn so với khi ở bất kỳ nơi nào khác vì xung quanh tôi là sự thật, là gia cảnh của những người nghèo khó. Tôi thấy mình thật sự được làm người. Ở những nước đó, người ta không biết tôi là ai. Tôi cảm thấy có ích vì có thể sẵn sàng dành trọn một ngày ở chung với họ trong điều kiện tồi tàn. Tôi có thể giúp đem lại tiếng nói cho những người không thể tự cất tiếng cho bản thân mình", diễn viên Jolie chia sẻ.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II trao tặng danh hiệu "Phu nhân danh dự" (ngang bằng với danh hiệu Hiệp sỹ) cho Angelina Jolie vì những đóng góp cho cộng đồng, một danh hiệu mà rất ít người Mỹ được nhận. Nguồn ảnh: Time
Thật vậy, hoạt động thiện nguyện của Jolie không hề bị gián đoạn ngay cả khi cuộc hôn nhân của cô với chồng Brad Pitt đổ bể. Nữ minh tinh Hollywood vẫn tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động xã hội dưới vai trò đặc phái viên của LHQ về người tị nạn. Thậm chí Jolie còn được bổ nhiệm làm biên tập viên chuyên mục về các vấn đề di cư, xung đột và nhân quyền cho tạp chí Time phiên bản quốc tế.
Trong mùa dịch Covid-19 này, nữ hoàng từ thiện càng trăn trở hơn về những người nghèo, những người tị nạn rơi vào cảnh khó khăn khi kinh tế thế giới bị đình trệ.
"Hệ lụy từ đại dịch Covid-19 lần này có thể gây nên nhiều tác động tiêu cực đối với trẻ nhỏ tại những quốc gia nghèo, như nạn tảo hôn, nạn sử dụng lao động trẻ em, các tội ác tình dục...điều đó rất đáng sợ và chúng ta phải tìm ra giải pháp, phải ra tay hành động", Angelina Jolie cho biết.
*Nguồn tổng hợp: Newsweek, Vogue
Băng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị