Tính đến hôm nay, học sinh (HS) bậc trung học tại TP.HCM đã có một tuần học trên môi trường Internet. Việc học đã dần đi vào ổn định, dù vẫn còn một số khó khăn phải khắc phục.
Dần đi vào nề nếp
Chị Phan Thị Hòa, phụ huynh có con học lớp 9 Trường THCS Cát Lái, TP Thủ Đức, cho biết sau một tuần học trực tuyến, lớp con chị đã nề nếp hơn nhưng vẫn còn thất thường. Đường truyền mạng thỉnh thoảng chập chờn, bị đứng khiến việc học của lớp bị gián đoạn. Có những lúc cô giáo giảng bài được một lúc, học trò mới kêu không nghe được gì khiến cô phải nói lại. Chương trình học vừa sức, thời lượng ít nên các con không quá áp lực.
Học sinh bậc trung học trong một giờ học trực tuyến. Ảnh: PHCC
Chị Hòa cho biết thêm, con chị cũng đã vào nếp, biết dậy sớm, chủ động vào lớp đúng giờ. Tuy nhiên, trong lớp có một số bạn còn chưa tuân thủ. “Bạn nào có cha mẹ kèm sát thì học nghiêm túc, còn có bạn vừa học vừa bấm điện thoại chơi game, chưa tập trung nghe giảng. Vì thế, tôi thấy vai trò của cha mẹ rất quan trọng khi con học online nhưng một số bạn vì cha mẹ đi cách ly nên phải tự học là chính” - chị Hòa nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Dung, phụ huynh có con học lớp 8 Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, chia sẻ lớp con chị đã quen với cách học qua phần mềm. Tuy nhiên, điều bất tiện nhất là kết nối mạng thất thường. “Tiết học 45 phút nhưng thực chất chỉ được khoảng 30 phút, vì mất 15 phút đầu ổn định lớp. Đó là những tiết học mạng tốt, còn mạng chập chờn có khi chỉ học được nửa thời gian. Giáo viên (GV) dạy nhưng khó để tất cả HS hiểu được hết, nhất là với lớp đông. Học online tôi nghĩ hiệu quả hơn nếu sĩ số ít HS, chứ đông sẽ cần những bài giảng offline để các em học thêm hoặc tự học” - chị Dung chia sẻ.
Theo cô Võ Kim Hiệp, GV Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, để HS thích thú với giờ học, GV cần có sự đầu tư cho bài giảng. “Tôi sử dụng phần mềm dạy học Google Meet tương đối ổn, HS tương tác thành thạo. Bên cạnh đó, tôi còn tích hợp các phần mềm như ClassPoint + PowerPoint nên có nhiều tính năng tốt như các câu hỏi mở, cửa sổ trắc nghiệm. Hơn nữa, một bài giảng tôi hay sử dụng các video và link bài báo có liên quan để các em hiểu và thích thú với môn học, tránh được tình trạng ngủ trong giờ học” - cô Hiệp nói thêm.
Tuy nhiên, theo cô Hiệp, đường truyền mạng không ổn định đã ảnh hưởng rất lớn đến giờ học. Trung bình một tiết dạy có 2-5 HS bị văng ra khỏi phần mềm.
Trong khi đó, thầy Thiều Quang Thịnh, GV Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, chia sẻ việc học nhiều khi chưa ổn định do phần mềm trường sử dụng K12Online vẫn trục trặc. Bên cạnh đó, một số HS F0 chưa thể tham gia học, vì thế phải tìm cách để gửi bài cho các em.
Từng bước khắc phục khó khăn
“Sau một thời gian triển khai, đến thời điểm này, phụ huynh đã bắt đầu quan tâm đến việc học của con” - ông Dương Hữu Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, quận Gò Vấp, nói.
Ông Đức cho biết ban đầu trường đứng đầu quận về số lượng HS thiếu thiết bị học tập (65 HS). Tuy nhiên, sau một thời gian vận động, phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của việc học trực tuyến nên đã chuyển điện thoại thông minh để con sử dụng và phối hợp với GV kiểm soát việc học của con. Đến nay qua thống kê, toàn trường chỉ còn 18 HS thiếu thiết bị.
Sách giáo khoa cũng đã được Phòng GD&ĐT hỗ trợ, trường chuyển đến các gia đình có nhu cầu. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 16 HS chưa đăng ký nhập học. Nhà trường đang chờ đến ngày 15-9, nếu phụ huynh không liên hệ thì trường sẽ liên lạc trường tiểu học để tìm hiểu.
Liên quan đến vấn đề thiếu sách giáo khoa, ông Lương Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, cho biết nhà trường đã giải quyết xong. Những em nào không có điều kiện mua sách, trường lấy sách từ thư viện cho các em sử dụng. Những em đăng ký mua, trường đều mua giùm và nhờ lực lượng GV trong trường giao tận nơi.
Trước đó, qua thống kê, toàn trường có 15 HS thiếu thiết bị học tập, nhà trường đã kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ. Đến thời điểm này, mỗi HS đã được hỗ trợ một máy tính bảng để đảm bảo cho việc học. Hiện trường cũng đang rà soát các HS sử dụng trang thiết bị cũ, có gì cần thì lên phương án hỗ trợ.
Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8, cho hay qua rà soát, đa phần việc dạy học đều đang đi vào ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn một số em chưa có thiết bị để học. Qua thống kê, toàn quận có 342 em gặp khó khi học trực tuyến. Hiện phòng đang tìm nguồn và cố gắng hỗ trợ những em này.
Tình trạng thiếu thiết bị học cũng xảy ra tại các quận, huyện khác. Hiện ngành GD&ĐT TP đang kêu gọi Ủy ban MTTQ các quận, huyện và các tổ chức chính trị, xã hội cùng chung tay hỗ trợ HS nghèo.•
Giờ học trực tuyến không kéo dài như học trực tiếp Đối với địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và không tổ chức dạy học trực tiếp tại trường, triển khai tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp với dạy học trên truyền hình. Đối với lớp 1, lớp 2, ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này, khi HS đi học trở lại phải tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ. Đối với lớp 3 đến lớp 12, tổ chức dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ, ưu tiên cho các lớp cuối cấp. Hướng dẫn tổ chức tiết học, giờ học trực tuyến không kéo dài thời gian như học trực tiếp trên lớp để đảm bảo sức khỏe, tâm sinh lý của HS khi phải tiếp xúc với máy tính, điện thoại, tivi. |