vĐồng tin tức tài chính 365

Đua nhau rao bán homestay ở Đà Lạt

2021-09-16 05:51

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư với diễn biến ngày càng phức tạp, kéo dài đã khiến nhiều chủ đầu tư kiệt sức vì áp lực tài chính. Đặc biệt đối với những chủ homestay (nhà cho thuê du lịch) phải gánh chi phí đầu tư quá lớn, vay ngân hàng buộc phải rao bán để giải tỏa áp lực.

Đua nhau rao bán homestay ở Đà Lạt - ảnh 1
Du lịch Đà Lạt bất động khiến các homestay gặp nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa: QUANG HUY

Homestay lớn, nhỏ đua nhau bán

Thời gian gần đây, từ các homestay quy mô nhỏ, vùng ven TP Đà Lạt đến những homestay cao cấp, trung tâm đều được rao bán ngày càng nhiều.

Một homestay quảng cáo là cao cấp, cực đẹp nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, gần các địa điểm du lịch nổi tiếng như làng hoa Vạn Thành, L’angfarm, thác Cam Ly, cách trung tâm chỉ 3 km, có bãi xe hơi, xe 45 chỗ để thoải mái được rao bán trên một trang mua bán bất động sản với giá 35 tỉ đồng.

Trong vai khách hàng, chúng tôi liên lạc thì được nhân viên môi giới cho biết do kinh doanh khó khăn, du lịch chưa biết bao giờ phục hồi nên chủ đầu tư muốn bán. Diện tích homestay 800 m2, riêng nhà là 200 m2, rộng rãi, có 12 phòng, giá bán còn thương lượng.

Một homestay villa ngay trung tâm Đà Lạt, có view rừng thông và toàn cảnh TP đang rao bán với giá tới 36 tỉ đồng. Theo nhân viên môi giới, homestay này có sổ hồng, cao cấp, trước dịch rất đông khách. Thu nhập của homestay lên tới 130-160 triệu đồng mỗi tháng.

“Homestay villa này nằm trên đồi cao, gồm tám phòng, thiết kế đẹp. Sân vườn rộng với hai pergola (khu vườn ngoài trời), phía trước là nhà gỗ 40 m2 (có lầu) và nhà hobbit, vintage, ao sen… Hết giãn cách, anh có thể lên xem thực tế rồi quyết định thì ký hợp đồng đặt cọc luôn” - nhân viên này nói.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, chủ một homestay cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 2 km, cho biết do ông vay ngân hàng để đầu tư xây dựng quá lớn, lại gặp đúng lúc dịch bùng phát nên không thể kinh doanh được.

“Mỗi tháng trả gốc và lãi vay hơn 50 triệu đồng trong khi dịch bệnh không biết bao giờ hết nên tôi buộc phải bán dù đã đầu tư nhiều tâm huyết vào đây” - ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, homestay của ông bán hơn 15 tỉ đồng là chỉ tính giá trị đất, còn cơ sở vật chất, xây dựng, nội thất coi như không tính. Khu nhà ở xây dựng theo kiểu những căn hộ mini, có 10 căn, mỗi căn có hai phòng ngủ, một phòng khách, một bếp và một nhà vệ sinh, thiết kế đẹp mắt. Tuy nhiên, ông Tuấn rao bán mấy tháng nay mà rất ít người hỏi mua. Khách chỉ hỏi dò giá, hẹn sau giãn cách xem thực tế, coi giấy tờ pháp lý rồi mới quyết định.

Dành cho nhà đầu tư có tài chính

Theo phân tích của TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, việc các homestay ở Đà Lạt cũng như nhiều tỉnh, thành rao bán hàng loạt nhìn qua thì là do khó khăn vì dịch COVID-19 nhưng thực tế lại khác. Theo TS Hiển, việc homestay rao bán là xu thế tất yếu. Cách đây 5-7 năm, phong trào xây homestay cũng rộ lên rồi kinh doanh thất bại nên hàng hoạt chủ đầu tư phải bán tháo, đa số chủ đầu tư này đều có tiền sẵn.

“Có nhiều dạng đầu tư homestay, một là theo kiểu có tiền nghỉ dưỡng, hai là đầu tư để kinh doanh cho thuê. Kiểu nào cũng phải thuê người chăm sóc, trông coi, nếu không sẽ xuống cấp rất nhanh” - TS Hiển nói.

Đặc biệt, hiện nay nhiều nhà đầu tư homestay theo kiểu tay ngang lướt sóng kiếm lời, họ mua đất nông nghiệp được cò đất, môi giới “thổi” giá trên trời. Mua giá cao, tốn thêm chi phí đầu tư xây dựng với hy vọng giá bán ra được. Nhất là những nhà đầu tư phải đi vay, không kiếm lời được buộc phải rao bán.

“Đầu tư homestay là lâu dài, bền vững và phải khai thác đúng tính năng của nó. Như vậy đòi hỏi nhà đầu tư phải có tài chính và có kiến thức về du lịch” - TS Hiển chia sẻ.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hòa, cho biết các homestay ở Nha Trang, Đà Nẵng không có hiện tượng bán giảm giá trong đợt dịch thứ tư này vì ba lần bùng phát dịch trước đây họ đã vượt qua. Những vùng khác như Đà Lạt, Bảo Lộc… thì đợt này lại khá khó khăn. Những nhà đầu tư du lịch bằng vốn vay ngân hàng thì càng khó nên họ buộc phải bán cắt lỗ.

“Khách du lịch là nguồn sống của homestay, nếu ba tháng liền không có khách mà vẫn tốn chi phí thì rất khó duy trì được. Những homestay có quy mô lớn với hàng chục phòng thì có thể giảm giá, còn homestay nhỏ lẻ chỉ vài phòng thì không giảm” - ông Quang nói.

Theo ông Quang, quản lý homestay cần tài chính không hề nhỏ. Nhà đầu tư nên lưu tâm đó là tiềm năng phát triển khai thác du lịch của khu vực đó, khả năng phát triển thành khu dân cư hoặc khu nghỉ dưỡng, pháp lý mảnh đất. Cần nhớ nếu đất rừng thì có nguy cơ bị Nhà nước thu hồi. Ngoài ra, nhà đầu tư cần xác định đúng mục đích đầu tư homestay của mình để khai thác kinh doanh hiệu quả.•

 

Đà Lạt, Nha Trang, Hội An sẽ đón khách du lịch

Bộ VH-TT&DL vừa ban hành kế hoạch triển khai chính sách, biện pháp để kích cầu, phục hồi các hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo kế hoạch, ngành du lịch dự kiến sẽ thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang), trên cơ sở đó chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước bao gồm Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...

Nhiều chuyên gia đánh giá đây là cơ hội cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch phục hồi trở lại. Khi khách du lịch, công ty lữ hành hoàn thành việc tiêm vaccine phòng COVID-19 và tuân theo quy định an toàn, thị trường du lịch sẽ sớm sôi động trở lại.

 

Xem thêm: lmth.7565101-tal-ad-o-yatsemoh-nab-oar-uahn-aud/nas-gnod-tab/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đua nhau rao bán homestay ở Đà Lạt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools