Từ ngày 8-9, TP.HCM đã cho phép các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang đi. Thế nhưng, đã hơn một tuần trôi qua, nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm và đồ uống (F&B) vẫn án binh bất động.
Một quán ăn bán mang về cho người dân ở phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM vào chiều 15-9. Ảnh: HOÀNG GIANG
Mong có thêm shipper
Mới đây, chuỗi cửa hàng thực phẩm và đồ uống Phúc Long đã bắt đầu mở cửa 13 trong tổng số gần 60 cửa hàng theo hình thức đặt mua thông qua ứng dụng Delivery trong khung giờ từ 8 giờ đến 17 giờ hằng ngày. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng mở 19 trên tổng số hơn 40 kiốt trong hệ thống siêu thị Vinmart+ theo hình thức mua mang về từ 8 giờ đến 16 giờ 30 hằng ngày.
Bà Đoàn Thị Anh Thư, Tổng giám đốc hệ thống cửa hàng Vua Cua, cũng cho hay: Sau khi có thông tin lực lượng shipper sẽ được phép hoạt động liên quận từ ngày 16-9, đơn vị đã quyết định ngưng bán nông sản để tập trung mở bán lại hệ thống và phân phối các sản phẩm lõi của công ty.
“Chúng tôi đang gấp rút chuẩn bị để mở bốn cửa hàng Vua Cua Bike từ ngày 18-9 tại bốn quận 7, 10, Tân Bình và Bình Thạnh. Còn những cửa hàng khác vẫn đóng cửa, chờ tình hình những ngày tiếp theo” - bà Thư thông tin.
Tuy nhiên, lãnh đạo hệ thống Vua Cua thừa nhận việc mở lại cửa hàng trong thời điểm hiện tại chủ yếu để hệ thống khởi động trở lại, tạo việc làm cho nhân viên chứ chưa dám tính đến chuyện lời. Nguyên nhân do trong bối cảnh dịch khiến nhiều chi phí tăng cao và phải đáp ứng được các yêu cầu về “ba tại chỗ”, xét nghiệm nhanh cho nhân viên hai ngày/lần với phí 300.000 đồng/lần/người. Thêm vào đó, việc tìm nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho chế biến còn gặp không ít vướng mắc.
Tuy vậy, bà Thư vẫn kỳ vọng nhiều vào chính sách cho phép shipper được hoạt động liên quận. “Tôi chỉ mong có thêm nhiều shipper được tiêm vaccine và hoạt động trở lại để đáp ứng nhu cầu trong việc vận chuyển hàng hóa, khơi thông những ách tắc lâu nay” - bà Thư nhấn mạnh.
Vẫn phải chờ hướng dẫn
Ngoài vài chuỗi ăn uống rục rịch mở cửa trở lại, hiện nay hàng loạt thương hiệu đình đám như The Coffee House, Highland Coffee, Trung Nguyên… vẫn án binh bất động.
Đại diện chuỗi thương hiệu Starbucks giải thích: Mặc dù cơ sở vật chất và nhân lực đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng khó đáp ứng được quy định “ba tại chỗ”. Mặt khác, hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho các cửa hàng kinh doanh đồ ăn, thức uống.
“Lâu nay các hoạt động kinh doanh của hệ thống chịu sự quản lý cấp TP nhưng trong dịch, công tác này được đưa về các quận, huyện. Cụ thể, muốn mở lại dịch vụ ăn uống phải đăng ký với chính quyền địa phương để cơ quan chức năng xuống kiểm tra, rà soát, thẩm định… trước khi hoạt động trở lại. Vì vậy, để mở lại các điểm bán, các chi nhánh của chúng tôi phải làm việc với từng cơ quan quản lý nơi trú đóng và đến nay vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể nên vẫn phải chờ” - đại diện Starbucks thông tin thêm.
Tương tự, ông Mai Trường Giang, Tổng giám đốc hệ thống nhà hàng Otoke Chicken và Chewy Chewy, cho hay đơn vị chỉ thí điểm mở một số nhà hàng ở khu vực vùng xanh như quận 7, quận Phú Nhuận... Lý do là việc mở cửa bán phải chịu rất nhiều chi phí vận hành như chi phí cho nhân viên ở lại “ba tại chỗ”, chi phí xét nghiệm hai ngày/lần và chỉ được phép bán hàng thông qua các ứng dụng công nghệ.
Đặc biệt, lượng shipper của các ứng dụng sụt giảm nghiêm trọng, gây khó trong vấn đề vận chuyển hàng hóa, kéo theo chi phí giao hàng cũng leo thang.
Kiến nghị cho phép doanh nghiệp giao hàng
Trước những vướng mắc trên, mới đây, các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống đã ký vào thư kiến nghị gửi lãnh đạo TP.HCM. Trong thư, đại diện các nhà kinh doanh cho rằng việc TP.HCM cho phép hoạt động ăn uống được mở cửa trở lại theo hình thức bán mang đi là bước đầu tiên để dần mở cửa trở lại hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, khi chính sách được triển khai vào thực tế đã bộc lộ một số khó khăn. Chẳng hạn, hiện đang thiếu nguyên vật liệu do một số hạn chế trong việc giao hàng liên tỉnh, liên quận của các nhà cung cấp. Đặc biệt, quy định thực hiện mô hình “ba tại chỗ” khiến người kinh doanh khó thực hiện...
Từ thực tế trên, các DN kinh doanh dịch vụ ăn uống kiến nghị cần được ưu tiêm tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lao động trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ. Đồng thời không bắt buộc thực hiện “ba tại chỗ” với các nhà hàng, quán ăn đảm bảo tuân thủ ba điều kiện: Tất cả nhân viên phải tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, xét nghiệm định kỳ theo quy định của Nhà nước, nghiêm túc thực hiện 5K.
Bên cạnh đó, quy định thời gian bán hàng từ 6 giờ đến 18 giờ là quá ngắn, không đủ để thực hiện các đơn hàng phục vụ cho khách hàng có nhu cầu cho bữa tối. Đó là chưa kể DN không được phép tự giao hàng, sản phẩm đến người tiêu dùng. Vì vậy, các nhà kinh doanh kiến nghị UBND TP.HCM cho phép nhân sự giao hàng riêng của DN bán lẻ và dịch vụ được đi giao hàng cùng với đội ngũ shipper công nghệ.
“Chúng tôi cũng kiến nghị lãnh đạo TP.HCM và cơ quan chức năng cho phép đơn vị cung ứng hàng hóa được đi giao hàng liên tỉnh, liên quận; tạo điều kiện để các công ty sản xuất có đủ nguồn cung nguyên vật liệu, kể cả các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ như bao bì, tem nhãn...” - đại diện một chuỗi cửa hàng thực phẩm nhấn mạnh.•
Kiến nghị hỗ trợ thuế, phí, lãi suất Các DN ngành ăn uống kiến nghị cơ quan chức năng cho tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội ít nhất đến sáu tháng sau khi công bố hết dịch. Được miễn thuế giá trị gia tăng trong năm 2021, giảm 50% thuế này trong hai năm kế tiếp 2022 và 2023. Được chấp nhận tất cả chi phí phát sinh trong đại dịch mà DN phải chịu như xét nghiệm, chi phí chống dịch và “ba tại chỗ”. Song song đó, các DN ngành dịch vụ ăn uống cũng kiến nghị được cấp nguồn cho vay và hỗ trợ trong vòng 24 tháng trong và sau dịch hoặc hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất tối thiểu 4% trong vòng hai năm kể từ ngày |