Sáng 16-9-2021, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, được kết nối tới tất cả các tỉnh, thành trong cả nước - Ảnh: TTXVN
Dự hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng.
Các phó thủ tướng Chính phủ; các bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương cùng dự.
Dự tại đầu cầu các địa phương có các đồng chí bí thư tỉnh, thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan. Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược.
Ngay sau kiện toàn Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp bắt tay ngay vào xây dựng và hoàn thiện thể chế, trong đó giao người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Thời gian qua, kế thừa thành quả của những nhiệm kỳ trước và sự ủng hộ, phối hợp của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức rà soát, hệ thống lại những vấn đề còn vướng mắc, quá trình thực hiện còn có những bất cập để hoàn thiện pháp luật. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn có những hạn chế, chưa thực sự quyết liệt, tập trung đúng với tầm mức, nhiệm vụ.
Hội nghị này nhằm tiếp tục rà soát công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong thời gian qua; thống nhất nhận định, đánh giá, nhất là đánh giá về hạn chế và nguyên nhân; thống nhất mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế không chỉ trong năm nay mà còn cho cả những năm tiếp theo.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về những vướng mắc; chỉ ra những nội dung, yêu cầu cần giải quyết; xác định thẩm quyền giải quyết của cấp nào, cơ quan, đơn vị nào. Đặc biệt, rà soát, tổng kết từ thực tiễn về những điểm nghẽn, nút thắt trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật.
Việc xây dựng thể chế cần bám sát và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp, với các nội dung cốt lõi như: xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hội nhập quốc tế; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu; văn hóa là nền tảng tinh thần; phát triển bền vững, sâu rộng; vấn đề quản lý, sử dụng tài nguyên...
Báo cáo dẫn đề của Bộ Tư pháp tại hội nghị đánh giá, đến nay, hệ thống pháp luật của nước ta đã cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng tổ chức trong hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội.
Tuy nhiên, một số chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp chưa được thể chế hóa đầy đủ, kịp thời. Hệ thống pháp luật còn cồng kềnh. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn. Việc tổ chức thi hành pháp luật còn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu giải pháp đột phá nên hiệu quả thực thi pháp luật còn hạn chế...
Tại hội nghị, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các địa phương đã thảo luận về những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng và hoàn thiện thể chế; đánh giá về những thành tựu, kết quả đạt được; những bài học quý trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật.
Các đại biểu đã nhận diện rõ các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề ra phương hướng, các giải pháp chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác này, nhất là trong việc thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật.
Nhiều nội dung được các đại biểu đề cập như: chính sách pháp luật về đất đai; đầu tư, xây dựng; vấn đề phân cấp, phân quyền; chính sách pháp luật về an sinh xã hội; pháp luật về thuế; pháp luật để khai thác nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, các ý kiến thảo luận tại hội nghị hết sức tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, có chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều kiến nghị, đề xuất có tính xây dựng cao, đề xuất được nhiều giải pháp mang tính đột phá, tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng cho biết, thông qua rà soát của các bộ, ngành, địa phương cho thấy có 70 luật, 188 nghị định, 131 thông tư cần sửa đổi. Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa nhận thức đúng mức, chưa xác định được việc đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển, nên chưa đầu tư đúng tầm cho công tác này.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần điều chỉnh ngay công tác này. Trong đó, thành lập ngay ban chỉ đạo, ban hành quy chế, phân công người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; xác định lộ trình; tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất; đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí… cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể là 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 định hướng lớn mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Theo đó, xây dựng các luật, nghị định, hướng dẫn là để thể chế hóa, đưa chủ trương, đường lối của Đảng thực sự đi vào cuộc sống.
Theo Thủ tướng, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phải đảm bảo thể chế trở thành đòn bẩy, động lực, huy động nguồn lực tổng hợp cho phát triển, gồm nguồn lực con người, nguồn lực tự nhiên, nguồn lực văn hóa, truyền thống lịch sử.
Các bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thể chế phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng đơn giản, nhanh chóng, kịp thời, theo kịp với diễn biến tình hình cuộc sống. Các luật, quy định không nên có phạm vi điều chỉnh quá rộng, đối tượng tác động quá lớn mà phải ngắn gọn, cụ thể, rõ đối tượng, dễ thực hiện, dễ điều chỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện phân cấp, phân quyền đi đôi với chịu trách nhiệm và gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phải chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Trong tổ chức thực thi pháp luật phải quán triệt nội dung đến từng đối tượng, từng phạm vi điều chỉnh; đồng thời tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật. Đặc biệt, việc vận dụng pháp luật phải sáng tạo, linh hoạt phù hợp với điều kiện, lấy lợi ích quốc gia dân tộc là trước hết, trên hết.
TTO - Khoảng 23h ngày 14-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gọi điện thoại kiểm tra ông Phan Văn Tường (bí thư, chủ tịch UBND thị trấn Long Bình) và ông Lê Thanh Phương (phó chủ tịch UBND huyện An Phú, tỉnh An Giang).