Công nhân một nhà máy ở Sóc Trăng chế biến tôm xuất khẩu - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Lê Văn Quang - giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú - kể về tình hình tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo chỉ thị 16 của Thủ tướng ở khu vực Nam Bộ, do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 17-9.
Giúp nông dân nuôi thả trở lại
Theo ông Quang, do giãn cách nên chuỗi cung ứng tôm gần như bị đổ vỡ. Nguy cơ những tháng cuối năm thiếu trầm trọng nguyên liệu.
"Công ty chủ động tăng giá tôm để nông dân tăng nuôi, thả tôm. Tuy nhiên, nhiều người dân lo lắng dịch bệnh bùng phát doanh nghiệp không mua, giá giảm. Chúng tôi lo tháng 10-11 tới không có nguyên liệu để trả các đơn hàng cho đối tác nước ngoài.
Đề nghị triển khai gấp và khuyến khích người dân thả nuôi tôm ngay từ bây giờ để cuối tháng 11, tháng 12 có tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu đi các nước châu Á, còn các nước ở xa như châu Âu, châu Mỹ thì không kịp" - ông Quang nêu ý kiến.
Ông Quang cũng cho biết hiện tại đơn hàng của doanh nghiệp đang nợ rất nhiều, do đó doanh nghiệp mong muốn làm sao giao được hết đơn hàng "là tốt", chứ chưa cần ký thêm hợp đồng mới.
"Khách hàng suốt ngày họp, khóc lóc, năn nỉ giờ làm sao công ty giao hàng được cho họ" - ông Quang nói.
Xem xét lại quy định cách ly 14 ngày
Ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết thời điểm giữa tháng 7, nhiều doanh nghiệp chỉ tính toán dịch kéo dài 2-3 tuần chứ không ai đánh giá, ước lượng được dịch kéo dài đến 2 tháng hoặc hơn.
"Rất nhiều doanh nghiệp bị động khi dịch kéo dài sang tháng thứ 2. Với áp lực đó, công suất chế biến ngành chỉ đạt 30%, nhiều đơn hàng không đáp ứng được" - ông Nam nói.
Về khả năng phục hồi sau ngày 15-9, ông Nam cho biết qua khảo sát theo dịch tễ, tiêm vắc xin, số ca mắc…, VASEP chia làm 3 vùng.
Vùng 1, tỉ lệ nhiễm thấp có 6 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Vĩnh Long, chủ yếu doanh nghiệp tôm. Nếu sau ngày 15-9 nới lỏng theo từng phần để doanh nghiệp sản xuất thì sang tháng 10 khả năng phục hồi khoảng 60%, đến cuối năm 80%.
Vùng 2, bước đầu kiểm soát được dịch gồm An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp, sang tháng 10 khoảng 50%, cuối năm khoảng 70%.
Vùng 3, tỉ lệ nhiễm cao gồm Tiền Giang, Long An, TP.HCM, Bình Dương, đây là vùng có nhiều doanh nghiệp nhất. Theo tính toán, đến cuối tháng 9 vẫn chỉ 20-30%, sang tháng 10 tăng lên 40%, đến cuối năm chỉ đạt 60%.
Theo ông Nam, vấn đề về xét nghiệm để đảm bảo duy trì sản xuất "3 tại chỗ" ở các tỉnh rất khác nhau và bất cập, có tỉnh 2 ngày, có tỉnh 3 ngày, có tỉnh 1 tuần, trong khi chi phí xét nghiệm rất lớn.
"Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy Bộ Y tế chưa có hướng dẫn rõ ràng đối với nhà máy sản xuất thì xét nghiệm theo quy tắc nào. Đề nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 trong chỉ đạo hướng dẫn thì cập nhật các quy định về việc xét nghiệm", ông Nam nêu thẳng thắn.
Theo ông, các địa phương có thẩm quyền mở cửa sản xuất, trong khi doanh nghiệp phải tự lo xây dựng phương án "3 tại chỗ" và trình tỉnh phê duyệt.
"Chúng tôi mong muốn Bộ NN&PTNT có ý kiến tới các địa phương sớm phê duyệt phương án hoạt động 3 tại chỗ để doanh nghiệp hoạt động trở lại và xem xét bỏ quy định cách ly 14 ngày đối với lực lượng đi thu hoạch cá tại các tỉnh bằng việc xét nghiệm PCR", vị phó tổng thư ký VASEP yêu cầu.
TTO - Thời điểm này, nhiều người nuôi tôm tại một số tỉnh miền Tây đang "rầu thúi ruột" vì tôm rớt giá trong khi chi phí tăng vọt do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Xem thêm: mth.51850340171901202-ort-oh-nac-gnouh-gnuhn-ar-ihc-yat-neim-mot-ac-peihgn-hnaod/nv.ertiout