Sáng 17-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc làm việc của Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện phòng chống dịch COVID-19 về tình hình chống dịch tại tỉnh Tiền Giang.
30% bệnh nhân tử vong liên quan đến công tác tư tưởng
Một trong những điểm hạn chế ở tỉnh Tiền Giang là số bệnh nhân tử vong còn cao. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười, cho biết từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay tỉnh đã ghi nhận 12.468 ca mắc COVID-19, trong đó có 311 ca tử vong (chiếm tỉ lệ 2,5%).
Do vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, Bộ Y tế và ngành y tế tỉnh phân tích, làm rõ nguyên nhân vì sao tỉ lệ tử vong còn cao.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TÁ LÂM
Nói về nguyên nhân tử vong cao, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang thừa nhận giai đoạn đầu đợt dịch, khi số ca mắc nhiều ngành y tế tỉnh có lúng túng.
Cùng với đó, phác đồ điều trị thay đổi liên tục, đặc biệt chưa có hướng dẫn và thuốc điều trị cho F0 không triệu chứng; thiếu hệ thống oxy ngay từ tầng 1, cơ sở thu dung F0 không triệu chứng; phối hợp giữa các tầng điều trị chưa nhuần nhuyễn…
Tuy nhiên, sau khi những vấn đề trên được khắc phục, nhất là bảo đảm thuốc điều trị, hệ thống oxy, phối hợp tốt giữa các tuyến điều trị, thì tỉ lệ tử vong đã giảm mạnh.
Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng tỉ lệ tử vong 2,5% là bằng tỉ lệ chung cả nước, nhưng lại cao hơn tỉ lệ chung tử vong của thế giới.
Ông cho rằng nguyên nhân tử vong là do theo dõi tình hình sức khỏe ở tầng 1 và 2 chưa được chặt chẽ. Cùng đó là chuyển tuyến chậm, thiếu trang thiết bị, chủng Delta diễn biến nhanh…
Theo ông Tuyên, khoảng 40% bệnh nhân COVID-19 tử vong do thiếu nhân lực, trang thiết bị, oxy; 30% liên quan đến công tác tư tưởng, an tâm với người bệnh và 30% còn lại liên quan đến dinh dưỡng.
Tiết kiệm được hơn 100 tỉ đồng nhờ thay đổi cách xét nghiệm
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những nỗ lực cũng như sự vất vả, khó khăn trong phòng chống dịch của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang trong suốt thời gian vừa qua.
Ông đề nghị tỉnh Tiền Giang cần nỗ lực để cố gắng giữ “pháo đài” xã, phường, thị trấn càng quy mô, chi tiết, càng sát tới từng thôn ấp, tổ dân phố, khu phố để đánh giá nguy cơ và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, kể cả xét nghiệm sát với thực tiễn.
“Tiến tới chống dịch là phải quản lý được sức khỏe thực tế của từng cá nhân, từng gia đình, từng đơn vị nhỏ nhất” - ông Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TÁ LÂM
Phó Thủ tướng cũng đánh giá, từ khi có Công điện 1099 của Thủ tướng, cùng với tích cực xét nghiện, do vậy số ca nhiễm những ngày gần đây của tỉnh Tiền Giang đã giảm dần, số huyện "vùng đỏ" thành "vùng xanh" giảm dần (hiện có 3 địa phương được xếp nguy cơ cao là TP Mỹ Tho, huyện Châu Thành và Chợ Gạo, một huyện được xết mức nguy cơ là Gò Công Đông và 7 huyện vùng xanh).
Đặc biệt, tỉnh Tiền Giang thực huyện xét nghiệm không chỉ dừng ở qui mô cấp xã, mà dựa vào kết quả điều tra dịch tễ, tỉnh đã xét nghiệm đến qui mô cấp ấp và khu phố. Nhờ vậy tỉnh đã tiết kiệm được 40% chi phí (tiết kiệm hơn 100 tỉ đồng). Đến lúc này, về cơ bản tỉnh Tiền Giang đã vẻ được bản đồ nguy cơ đến thôn, ấp.
Hiện nay chủ yếu ca nhiễm ở khu cách ly tập trung và khu phong tỏa (khoảng 70%), Phó Thủ tướng đề nghị tới đây cần cách ly tại nhà. Nhưng trong điều kiện hiện nay của Tiền Giang vẫn duy trì được khu cách ly tập trung, do vậy phải đảm bảo giảm số người trong một phòng để giảm tỉ lệ lây nhiễm.
Đối với khu phong tỏa, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Tiền Giang chủ động rà soát lại khu phong tỏa, xét nghiệm mẫu gộp hộ gia đình, chà đi xát lại tần xuất thậm chí là một ngày xét nghiệm một lần.
Liên quan đến tỉ lệ ca tử vong cao, Phó Thủ tướng cho rằng lúc đầu Tiền Giang còn lúng túng vì vượt qua khả năng y tế của địa phương, chưa có đủ thuốc men, oxy, nhân lực hồi sức, nhất là nhân lực hồi sức về hô hấp. Vì thế tỉ lệ tử vong tương đối cao.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 8, khi đã có thuốc, chuẩn bị được oxy, đội ngũ y bác sĩ của tỉnh Tiền Giang đã có kinh nghiệm hơn, điều phối tốt hơn thì tỉ lệ tử vong đã từng bước giảm xuống. Do vậy, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Tiền Giang tiếp tục tập trung để giảm tỉ lệ tử vong.
Để chuẩn bị cho việc quay trở lại trạng thái bình thường mới, Phó Thủ tướng đề nghị việc mở lại các hoạt động sản xuất, sinh hoạt đời sống của người dân phải từng bước chắc chắn, an toàn. “Dứt khoát không được nóng vội, mở lại mà không giữ được an toàn. Nhưng giữ được an toàn mà không mạnh dạn mở ra một cách chắc chắn, khoa học thì lãng phí nguồn lực, công sức chống dịch của nhà nước và nhân dân” - ông Đam nói.
Ông đề nghị tỉnh cần có phương án để các doanh nghiệp trở lại sản xuất an toàn với tinh thần “mỗi doanh nghiệp, nhà máy cũng là một pháo đài”. Trong mỗi doanh nghiệp cần tiếp tục chia nhỏ ra theo khu vực sản xuất, phân xưởng, ca kíp để quản lý sát từng công nhân, chủ động xử lý kịp thời khi có ca nhiễm.
Bởi theo ông Đam, không mở lại sản xuất sớm thì người dân, công nhân sẽ rất khó khăn.
Tỉnh Tiền Giang có khoảng 160.000 công nhân. Hiện có nhiều công nhân đã trở về từ TP.HCM kể từ khi đợt dịch lần thứ tư xảy ra. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Tiền Giang mở kênh phối hợp với TP.HCM để đưa người lao động của tỉnh quay trở lại TP.HCM làm việc an toàn khi TP.HCM mở lại sản xuất kinh doanh.