BS Nguyễn Triệu Vũ, phụ trách điều trị bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 tại Bệnh viện (BV) dã chiến TP Thủ Đức số 1 (chung cư Bình Minh), chia sẻ.
Khoa điều trị COVID-19 cho bệnh nhân ung thư mới đi vào hoạt động chính thức được ba tuần nhưng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng và trên dưới 10 bệnh nhân đã không thể chống chọi nổi với căn bệnh.
Ở BV, sống chết là lẽ thường nhưng những cái chết vì COVID-19 có lẽ là gây ám ảnh nhất khi bệnh nhân không kịp nhìn được người thân, ra đi trong lạnh lẽo, cô quạnh.
Bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 đang điều trị tại Khoa điều trị ung bướu BV dã chiến TP Thủ Đức. Ảnh: BSV
Công việc lo cho người quá cố lẽ ra là người nhà hoặc các cơ sở mai táng, thế nhưng ở BV dã chiến, các y bác sĩ phải tự tay vuốt mặt, gói thân xác của người mất để đưa vào hộc lạnh bảo quản. Để chuẩn bị tâm lý cho người nhà không quá đau buồn trước sự mất mát người thân, BS Vũ cùng các đồng nghiệp thường xuyên cập nhật tin tức, động viên người nhà về những chuyển biến của bệnh nhân.
“Theo phong tục truyền thống ở Việt Nam, người mất thường được đưa về nhà, hiếm hoi lắm mới có bệnh nhân mất ở BV. Thế nhưng, khi điều trị COVID-19, phần lớn bệnh nhân diễn tiến nặng và ra đi khi không có người nhà, cô đơn, lạnh lẽo, không cúng bái. Có người trước khi lâm vào hôn mê có tâm nguyện muốn được về quê mất nhưng vĩnh viễn họ đã không thể về và thi thể phải hỏa táng, không thể di chuyển được” - BS Vũ chia sẻ. Người mất ở khoa nào thì y bác sĩ ở khoa đó lo, bản thân BS Vũ đã tự tay vuốt mặt hai người mất và gói ghém, dán tên, đưa bệnh nhân vào hộc lạnh để chờ hỏa táng.
BS Vũ chia sẻ bản thân anh và các đồng nghiệp không ngại vất vả vì đã chọn nghiệp. Đi chống dịch, có những đồng nghiệp không dám về nhà vì sợ lây bệnh cho con nhỏ, vợ đang mang thai, nhiều y bác sĩ từ miền Bắc, miền Trung chi viện đã mấy tháng nay nhưng tất cả đều không nề hà. Làm việc liên tục không có ngày nghỉ, ngày lễ, cường độ áp lực công việc cao, khó khăn về điều kiện sinh hoạt nhưng chế độ cho nhân viên y tế chưa thật sự tương xứng với công sức bỏ ra.
“Chúng tôi đều xác định chống dịch là trách nhiệm của mỗi nhân viên y tế và cảm kích các mạnh thường quân tiếp sức cơm ăn, nước uống. Thế nhưng, ai làm xong rồi cũng phải về nhà, phía sau phải canh cánh lo cho gia đình. Chính sách đãi ngộ không thể đòi hỏi nhiều quá nhưng chúng tôi cũng mong muốn có chế độ thù lao hợp lý để mỗi nhân viên y tế có động lực, yên tâm làm việc hơn và lo cho gia đình” - BS Vũ trăn trở.