Thu hoạch cá tra ở An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
Tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến và xuất khẩu nông thủy sản sau giãn cách ở khu vực Nam Bộ diễn ra ngày 17-9, ông Lê Minh Hoan - bộ trưởng Bộ NN&PTNT - đề nghị lãnh đạo 13 tỉnh thành tại ĐBSCL cần ngồi lại với doanh nghiệp (DN) để kiến tạo không gian vừa an toàn chống dịch vừa sản xuất được.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết chỉ có 30 - 40% DN có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội.
Số DN còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục hoạt động sản xuất bởi chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, DN mất khách hàng do giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng.
Đặc biệt khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vắc xin nên không thể đến cơ sở sản xuất hoặc đã về quê, cách ly, đang điều trị COVID-19…
"Bộ NN&PTNT có ý kiến tới các địa phương sớm phê duyệt phương án hoạt động "3 tại chỗ" để DN hoạt động trở lại và xem xét bỏ quy định cách ly 14 ngày đối với lực lượng đi thu hoạch cá mà thay vào đó là xét nghiệm PCR" - ông Nam đề nghị.
Trong khi đó, ông Lê Văn Quang - giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú - khuyến cáo nguy cơ thiếu nguyên liệu tôm cho sản xuất xuất khẩu vào cuối năm do nhiều nông dân không dám xuống giống vì lo ngại khó tiêu thụ nếu dịch kéo dài.
"Đề nghị các địa phương khuyến khích người dân thả nuôi tôm ngay từ bây giờ để cuối năm có tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu đi các nước châu Á" - ông Quang nói.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn, cũng đề nghị 7 địa phương sản xuất cá tra cần có cuộc họp để tạo điều kiện lưu thông cho nhân công thu hoạch, nhân viên cung ứng giống đến các địa phương...
Người nuôi cá tra "khóc ròng"
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều DN và người dân nuôi cá tra ở ĐBSCL đang "khóc ròng" do hàng chục ngàn tấn cá tra quá lứa không bán được, không có thương lái mua.
Theo ông Nguyễn Văn Học (TP Long Xuyên, An Giang), hai ao nuôi với trên 1.000 tấn cá tra của gia đình ông đã quá lứa, trọng lượng lên tới 1,6kg/con nhưng không có thương lái mua cũng không có nhân công thu hoạch. Do chưa biết lúc nào xuất bán được, cứ 2 ngày ông Học mới cho cá ăn một lần.
"Càng nuôi càng lỗ vì mỗi lần cho ăn tốn cả 100 triệu đồng, nhưng bán cũng không được vì các DN phải lo giải quyết hàng tồn kho. Hy vọng hết giãn cách sẽ bán được cá" - ông Học nói.
Lãnh đạo một DN thủy sản cho biết do áp dụng phương án "
3 tại chỗ", DN chỉ "nuôi" chưa tới 400 người, thay vì hơn 1.400 công nhân như trước. Vì vậy DN chỉ lo tập trung giải phóng hàng tồn kho chứ không mua cá của các hộ nuôi.
B.ĐẤU - C.QUỐC
TTO - Ngành nông, lâm, thủy sản mặc dù có kim ngạch xuất khẩu tích cực trong 8 tháng đầu năm nhưng tác động của dịch COVID-19 đang đặt ra nhiều thách thức để đảm bảo nguồn cung ứng cuối năm và đáp ứng nhu cầu đơn hàng.
Xem thêm: mth.18352233271901202-ueil-neyugn-ueiht-ol-nas-yuht/nv.ertiout