Tính đến tháng 3, Mỹ thống kê bị thiệt hại 382 triệu USD vì nạn lừa đảo trong Covid. Các hình thức phổ biến nhất là lừa đảo việc làm, mua sắm, hẹn hò online và kêu gọi từ thiện.
Các nhà nghiên cứu khẳng định làm từ thiện tăng hạnh phúc và tạo ra những cảm xúc tốt đẹp. Nhưng tài sản trao nhầm chỗ sẽ chỉ làm giàu cho tội phạm, đặc biệt trong những gia đoạn khó khăn, thiên tại, dịch bệnh.
Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia Mỹ nhằm giúp hạn chế bị lừa đảo từ hoạt động từ thiện
1. Xác minh danh tính của tổ chức kêu gọi từ thiện
Kẻ lừa đảo hiện nay có xu hướng dùng địa chỉ email giả, bắt chước tên gọi, màu sắc và logo quen thuộc của các đơn vị từ thiện uy tín khác. Do đó, trước khi đóng góp cho bất kỳ tổ chức từ thiện nào, bạn hãy kiểm tra để xác minh tổ chức đó hợp pháp hay không.
Một nơi tốt để bắt đầu kiểm tra là website của cơ quan nhà nước, địa phương, cơ quan báo chí uy tín. Một tổ chức từ thiện hợp pháp, trước tiên phải có giấy phép, được nhà nước cho phép hoạt động.
Chặt chẽ hơn, bạn có thể thêm các từ khoá "khiếu nại", "lừa đảo" vào tên tổ chức từ thiện đang kiểm tra để nhận được các phản hồi tiêu cực, nếu có.
Ví dụ, giả sử tổ chức từ thiện ABC kêu gọi bạn cứu trợ cho trẻ em vô gia cư. Hãy gõ "ABC cứu trợ trẻ em, lừa đảo" hoặc "ABC, cứu trợ trẻ em, khiếu nại"... lên thanh tìm kiếm.
2. Kiểm soát cảm xúc của bạn
Các tổ chức kêu gọi từ thiện có thể sử dụng những câu chuyện đau lòng, hình ảnh gây sốc để tạo ra cảm giác cấp bách, khơi gợi sự đồng cảm và thôi thúc bạn quyên góp ngay lập tức, hào phóng và nhiều lần. Thay vì đóng góp ngay lập tức, hãy dừng lại và tỉnh táo để thực hiện điều số 3.
3. Nhận thức rõ các dấu hiệu đáng ngờ
Một trang web từ thiện hợp pháp thường dễ dàng tìm thấy thông qua các công cụ tìm kiếm. Bạn tránh các địa chỉ web kết thúc bằng một chuỗi số.
Các trang web giả mạo từ thiện thường yêu cầu bạn điền thông tin chi tiết như an sinh xã hội, ngày sinh, tài khoản ngân hàng và thông tin mã PIN. Bạn cần hết sức cẩn thận vì việc cung cấp thông tin này rất dễ khiến bị đánh cắp danh tính.
Nếu người quyên góp là cá nhân, trình bày hoàn cảnh trên mạng xã hội, bạn hãy vào trang cá nhân của họ để kiểm tra. Nếu tài khoản mới tạo được vài ngày, hoặc vài giờ, đăng nội dung "vô thưởng vô phạt", hầu như không có tương tác, hoặc số bạn bè quá ít...., bạn nên đặt nghi vấn.
Kẻ lừa đảo cũng có xu hướng không để lại địa chỉ cụ thể mà chỉ đưa ra số tài khoản ngân hàng và hối thúc quyên góp ngay. Bạn cần nhớ, các tổ chức từ thiện thực sự sẽ không gây áp lực.
4. Nếu quyên tiền hoặc đồ giá trị, hạn chế đưa qua trung gian
Đôi khi những hoàn cảnh đánh thương có thể là thật nhưng bị kẻ lừa đảo lấy cắp hình ảnh và câu chuyện để lợi dụng, kiếm tiền.
Kẻ lừa đảo sẽ cung cấp một tài khoản ngân hàng lạ với lý do phổ biến là người gặp khó khăn không có số tài khoản, không biết dùng điện thoại, hoặc chúng sẽ tự nhận là người thân để nhận tiền quyên góp.
Nếu có địa chỉ của người cần giúp, bạn có thể liên lạc chính quyền địa phương để xác minh. Nếu địa chỉ này không quá xa, bạn có thể tự đến tìm hiểu và giúp đỡ. Điều này giúp khoản đóng góp của bạn sẽ đến trực tiếp với người cần và hạn chế tối đa việc kẻ lừa đảo bỏ túi riêng khoản đóng góp này.
Nếu bạn vẫn quyết quyên góp cho một cá nhân trung gian, như người nổi tiếng, có ảnh hưởng trong xã hội, hãy đảm bảo rằng bạn đang ở trên trang web hoặc trang mạng xã hội chính thức của người đó. Bạn cũng nên tìm hiểu về hoạt động từ thiện họ từng làm trong quá khứ để đánh giá lần cuối trước khi bấm nút chuyển tiền.
5. Đề phòng các loại lừa đảo khác từ hoạt động từ thiện
Tội phạm đôi khi không chỉ nhắm vào tiền. Thông tin cá nhân của bạn cũng là một tài sản đáng nhòm ngó.
Bạn không nên mở bất kỳ tệp đính kèm, liên kết đáng ngờ hoặc thư của các địa chỉ email lạ vì chúng có thể là virus, khiến thiết bị của bạn dễ bị tấn công trong tương lai.
6. Thận trọng với nút "chia sẻ" trên mạng xã hội
Nếu không chắc chắn hoàn cảnh, hay tổ chức kêu gọi từ thiện đáng tin cậy, bạn không nên lan toả thông tin. Điều này giúp những người thân của bạn tránh trở thành "nạn nhân dây chuyền".
Tệ hơn nữa, nếu bạn là người có ảnh hưởng, các thông tin từ thiện "rác" còn làm giảm uy tín của bạn và có nguy cơ đẩy bạn vào các rủi ro pháp lý không đáng có.
7. Báo cáo dấu hiệu lừa đảo
Nếu bạn là nạn nhân của một vụ lừa đảo từ thiện, điều cần làm ngay lập tức là trình báo cáo sự việc với cơ quan chức năng, cung cấp đầy đủ bằng chứng.
Đừng vì suy nghĩ "số tiền không lớn" và dễ dãi bỏ qua, vì báo cáo của bạn có thể giúp những người khác tránh được vụ lừa đảo tương tự.
Hải Thư (Theo Charity Watch, Kaspersky, Consumer, NYT)
Xem thêm: lmth.0618534-neiht-ut-neit-aul-ib-hnart-puig-mal-nen-ueid-7/ten.sserpxenv