Bốn tháng ở nhà vì dịch giã sắp trôi qua. Bốn tháng không có việc làm, thu nhập. Nhiều chính sách nhà nước hỗ trợ và lòng hảo tâm đã đến với họ, nhưng vẫn còn đó bao nỗi lo trĩu nặng. Từ những người lao động tự do với xấp vé số, bao ve chai đến công nhân, những người có tay nghề, buôn bán. Ai cũng mong đợi "cầu vồng sau bão dông"...
Con đường Bến Phú Định (phường 16, quận 8, TP.HCM) loang lổ nước sau cơn mưa đêm. Đi cùng nhóm tặng quà từ thiện, chúng tôi vào khu xóm trọ số 78 Phú Định. Gói quà giản dị gồm gạo, mì, cuộn miến, túi đậu phộng, gói muối, bịch đường, thanh niên nam nữ ra nhận, mỉm cười cảm ơn nhưng không giấu ánh mắt buồn. Chưa kịp hỏi, một anh đã mau miệng: "Thất nghiệp qua tháng này là tháng thứ năm rồi...".
Bên trong những cánh cửa im ỉm
Dãy phòng trọ với 30 căn phòng 12m2 sát nhau, lối đi 1m như bao nhiêu xóm trọ khác. Cánh cửa nhôm mở hé khi khách đến.
Cánh cửa thứ nhất. Chị Lê Thị Ánh Loan rón rén mở cửa, nhẹ tay đặt túi quà vào góc nhà, rồi lại lách ra ngoài. Trong nhà, cô con gái học lớp 11 đang cặm cụi bên chiếc bàn nhựa, chiếc điện thoại, một bóng đèn bàn. Chị thở dài: "Căn phòng chỉ có ngần đó, 4 người ở. Tôi làm bảo mẫu ở trường tiểu học, chồng chạy xe ôm công nghệ, má chồng đi giúp việc nhà theo giờ. Con gái đi học.
Trước đây mọi người đi làm, đi học cả ngày, tối về nấu ăn rồi đi ngủ, chật chút nhưng nhường nhau vẫn vui. Giờ tất cả đều thất nghiệp. Trường học của tôi kết thúc năm học từ ngày 9-5, rồi xe công nghệ nghỉ, má đi làm được thêm một tuần. Con gái học ở nhà. Căn phòng ngột ngạt, chật chội hơn bao giờ hết, không có cả chỗ ngồi...
Hôm tháng 7, tháng 8, trong xóm có mấy ca nhiễm, toàn khu bị phong tỏa, cửa nhà không dám mở. Hồi đi làm, chỉ mong được ở nhà nấu bữa cơm đủ bốn người cùng ăn. Mấy tháng nay mỗi người ngồi một góc, nhìn nhau rầu hết biết. Nói chuyện vài câu chỉ xoay quanh: hôm nay ăn gì, tuần này còn bao nhiêu tiền, ngày mai được đi làm lại chưa?
Tôi không có biên chế, tháng 5 đi làm hơn 1 tuần, trường cho lãnh nửa tháng lương. Qua tháng 6 nhà trường hỗ trợ các cô giáo 10kg gạo, tôi không có trong danh sách. Tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền con đi học, dự trữ bệnh đau... bình thường cả ba người đi làm mới tạm đủ, bốn tháng nay không còn đồng nào nữa.
Tháng 5 đóng tiền nhà 2 triệu bằng lương của tôi; tháng 6 được chủ nhà giảm một nửa, đóng bằng tiền để dành của chồng; tháng 7 mượn tiền dành dụm của má; tháng 8 nhờ vào khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng của phường; tháng 9 đang xin khất...
Từ 16-9, chồng tôi vừa mở điện thoại "nổ" vài đơn hàng, chạy lại được hai ngày chưa hết mừng thì phải ngưng vì chưa được tiêm vắc xin đủ 2 mũi, sáng nay đã lại chạy ra chốt gác, năn nỉ mấy anh công an cho qua. Má chồng sang ngồi nhờ nhà hàng xóm, dành chỗ yên tĩnh để cháu học qua mạng. Tôi có cái điện thoại rẻ tiền đưa cho con học lúc được lúc không. Cũng còn may mắn vì chưa vào trường, chưa phải đóng tiền...".
Cánh cửa thứ hai. Một cậu bé nằm úp mặt trên tấm nệm cũ. Một bàn thờ mới lập đặt trên chiếc bàn nhựa, hũ tro cốt hình bông sen trắng nằm lạnh lùng. Nghe gọi, Châu Huỳnh Khang Nghi, 9 tuổi, nhổm dậy, chạy ra bàn thờ đốt nhang. Rồi thì thầm kể: "Ba mẹ con đi bệnh viện mấy ngày rồi. Ba thở máy, mẹ gọi điện về dặn phải thắp nhang cho ông nội suốt ngày cho đến khi nào đi ngủ. Dì ba lối xóm nấu cơm cho con ăn".
Trước cửa phòng treo hai bao bố to đầy ắp vỏ chai nhựa. Đây là thành quả hai ông cháu Nghi lân la quanh khu nhà trọ nhặt về đã lâu, nhưng mấy tháng nay vựa ve chai đều nghỉ cả. Chưa bán được thì ông nội đã mất ngay tại phòng trọ vào giữa tháng 8, đến đầu tháng 9 thì cha mẹ của Nghi đi viện...
Bé Châu Huỳnh Khang Nghi một mình trong căn trọ, chăm sóc bàn thờ - Ảnh: PHẠM VŨ
Chỉ mong được làm việc
Cánh cửa thứ ba. Anh Nguyễn Bảo Ngọc vừa mang gói quà về. Trong phòng, vợ anh che màn tắm cho con, thằng bé 22 tháng và đang được tập cai bỉm. Ngọc thở ra, kể: "Tôi chạy xe ôm truyền thống ở bến xe Miền Tây. Dịch đến, xe ôm truyền thống phải nghỉ đầu tiên, tới giờ nghe nói xe công nghệ được chạy lại, còn tụi tôi thì không thấy nhắc tới.
Vợ làm công nhân thời vụ, nghỉ nuôi con nhỏ, rồi tiếp đến là nghỉ dịch. Quê ở Đồng Tháp, chúng tôi nấn ná vì về quê không biết làm gì sống. 15 ngày, tiếp 15 ngày rồi lại 15 ngày, dè đâu tới giờ đã qua 120 ngày.
Cách nay hai tuần, tôi và cả xóm trọ này mới nhận được đợt hỗ trợ đầu tiên là 1,5 triệu đồng. Từ tháng 6, chủ trọ giảm tiền nhà. Tháng 7, phường xuống tặng bịch gạo 5kg, bịch muối, chai nước mắm, nước tương. Chỗ trụ sở khu phố, vài ngày lại chạy ra xin được mớ rau, chiếc cải bắp.
Tôi muốn được đi làm để nuôi vợ con, không phải đi xin đồ từ thiện. Yêu cầu "Ai ở đâu, ở yên đó" nhưng chúng tôi không có chỗ dựa nào để yên tâm. Tôi mới được chích một mũi vắc xin được 3 tuần. Mong lắm đến ngày được đi làm".
Những xóm vé số buồn hiu
Gặp chúng tôi, chị Trần Thị Nết, thuê phòng trọ ở hẻm 575/9 tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân, TP.HCM) vừa vui lại buồn ngay. Chị vui vì được gọi chích mũi vắc xin thứ 2 cách đây vài ngày, nhưng buồn vì phải nằm nhà, xa xấp vé số mưu sinh đã gần qua tháng thứ năm rồi.
"Mẹ đơn, con mọn tụi tôi chục năm nay sống nhờ xấp vé số. Dịch bùng, tụi tôi đâu được đi bán nữa, không kiếm ra đồng bạc lẻ nào" - chị Nết kể thêm ngay bà chủ dãy trọ của mình đã mất tháng trước vì bệnh dịch.
Chồng bà cũng mất trước đó, nhà trọ giờ thuộc quyền quản lý của con dâu. Dãy trọ nghèo này có 35 phòng thì 30 phòng dính F0, vài người được đưa đi chữa trị, nhiều người được phát thuốc tự chữa tại nhà. Chị tâm sự: "May trời thương, những người lao động nghèo này nhiễm nhưng ai cũng qua khỏi".
Chị Nết kể mấy tháng nay mẹ con chị không bị đói, nhờ được nhận đủ hai suất hỗ trợ 1,5 triệu đồng và 7 lần được địa phương lẫn nhà hảo tâm tặng thực phẩm này nọ.
"Nhưng tụi tôi không thể nào ngồi ăn đồ cứu trợ mãi được. Mình phải làm ra tiền chứ, gần qua tháng thứ 5 chỉ nằm nhà rồi" - chị Nết kể thêm mình có đứa con trai 10 tuổi vẫn chưa biết đọc, biết viết thạo vì bé cứ bị bệnh suốt, không đi học đều được. Năm học mới này, thằng bé vẫn chưa được học lại vì hai mẹ con không có phương tiện gì để học. Cái điện thoại "cục gạch" vài trăm ngàn của chị không có chức năng gì khác ngoài bấm số.
"Chúng tôi mong được đi làm" - Ảnh: PHẠM VŨ
Các xóm trọ của người bán vé số ở Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh... cuối tháng 9 này vẫn im ỉm khép kín. Nhưng không phải họ đóng cửa đi bán vé số, mà đang co ro trong nhà, trông ngóng dịch qua đi để được ra đường mưu sinh. Bốn tháng không làm ra được đồng tiền nào là 4 tháng cực kỳ khó khăn với họ, từ tiền phòng trọ đến miếng cơm mỗi ngày, rồi phần lo con cái, cha mẹ già.
Ông Trần Văn Bằng, quê Phú Yên, đã bán vé số 5 năm ở Sài Gòn, kể: "Tôi may mắn được nhận đủ hai suất hỗ trợ 1,5 triệu đồng, nhưng có người mới được một suất". Tuy nhiên, số tiền 3 triệu đồng ông được nhận vẫn chưa đủ đóng tiền trọ và điện, nước 3 tháng (đang còn nợ hơn 1,5 tháng tiền trọ) dù chủ nhà đã giảm 20%. Việc bán vé số của ông phải ra đường mới có miếng ăn, giờ ông chỉ trông đợi vào lòng hảo tâm. 4 tháng cầm cự sắp đi qua, ông nặng trĩu nỗi lo chưa biết tháng tới sẽ ra sao...
"Tháng này mẹ lo cho cháu giúp con, cháu sắp đi học rồi, bao giờ có tiền con sẽ gửi về sau".
Kỳ tới: Khi công nhân không thể đến nhà máy
TTO - Qua bao chốt kiểm dịch, chúng tôi về những xóm trọ cạnh các khu công nghiệp tại TP.HCM - nơi ở của hàng ngàn người lao động từ mọi miền đất nước đang gặp khó khăn...
Xem thêm: mth.93484001291901202-ol-ion-gnan-uirt-iahc-ev-os-ev-niso-1-yk-mal-ceiv-oc-gnohk-yagn-021/nv.ertiout