Tập đoàn China Evergrande - Ảnh: REUTERS
Theo trang The National, Tập đoàn China Evergrande là doanh nghiệp bất động sản có doanh thu lớn thứ 2 Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, Evergrande đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản trầm trọng xuất phát từ nợ quá hạn.
Với tổng cộng 300 tỉ USD nợ quá hạn, khả năng sụp đổ của Evergrande cũng đe dọa kích hoạt các chuỗi phản ứng liên tiếp ở Trung Quốc và các thị trường nước ngoài. Khoảng 67% khối nợ của Evergrande là nợ tiền mặt, do khách hàng trả trước cho các dự án bất động sản chưa xây xong.
Hôm 20-9, giá cổ phiếu của Evergrande đã giảm 17% trên chỉ số Hang Seng chuẩn của sàn giao dịch Hong Kong. Giá trị thị trường của tập đoàn này cũng giảm thấp kỷ lục còn 3,54 tỉ USD. Trong ngày 21-9, cổ phiếu của Evergrande tại Hong Kong tiếp tục giảm hơn 2%.
Vào ngày 23-9 tới đây, Evergrande sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu ở nước ngoài.
Theo Đài CNBC, dù lo lắng, một số chuyên gia cũng cho rằng chính quyền Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề này trước khi quá muộn và cuộc khủng hoảng Evergrande sẽ không ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay đối với giới đầu tư là bao giờ Bắc Kinh sẽ can thiệp và can thiệp bằng cách nào, cũng như họ có quyết định tái cấu trúc Tập đoàn Evergrande hay không.
Một số người cũng lo lắng về khả năng Bắc Kinh quyết định để Evergrande sụp đổ, làm tổn thương cổ đông và người mua trái phiếu trong nước.
Ông Jimmy Chang - giám đốc đầu tư của Quỹ Rockefeller Global Family Office - cho biết "mọi người đều chờ đợi chính phủ sẽ có giải pháp nào đó vì Evergrande là một doanh nghiệp quan trọng" trong hệ thống kinh tế.
“Doanh nghiệp này đang có 300 tỉ USD nợ quá hạn. Nếu tình hình của China Evergrande không được giải quyết, cuộc khủng hoảng có thể lan rộng. Tôi cho rằng một số doanh nghiệp quốc doanh có hầu bao rủng rỉnh cuối cùng sẽ tiếp quản lại công ty này”, ông Chang dự đoán.
Những chuyên gia lạc quan không cho rằng Evergrande sẽ kích hoạt cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, nhưng cho rằng sự kiện này sẽ khiến thị trường chịu nhiều biến động hơn.
Theo ông Rick Rieder - giám đốc đầu tư tại hãng đầu tư BlackRock, rất khó để hiểu rõ động thái của Trung Quốc bởi vì hệ thống vận hành kinh tế ở Trung Quốc rất khó giải thích.
"Hệ thống (kinh tế) không rõ ràng của Trung Quốc khiến chúng ta gặp khó khăn khi muốn hiểu rõ về đất nước này. Chúng ta thường không thể đoán được đáp án trước khi nó xuất hiện” - ông Rieder nói.
Ông Rieder cho rằng giới đầu tư sẽ thận trọng hơn trước các công ty bất động sản và các công ty đa ngành của Trung Quốc trong một khoảng thời gian.
Cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương rớt giá vì Evergrande
Theo Đài CNBC, giá cổ phiếu tại châu Á - Thái Bình Dương trong phiên giao dịch buổi sáng ngày 21-9 đã giảm xuống trong bối cảnh giới đầu tư tiếp tục lo lắng về tình hình của Evergrande.
Cụ thể, cổ phiếu tại Nhật Bản đã giảm điểm trong ngày 21-9 với chỉ số Nikkei 225 đã giảm 1,84%, trong khi chỉ số Topix giảm 1,74%.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã giảm thêm 0,79% trong phiên giao dịch sáng 21-9. Ngày 20-9, chỉ số này đã giảm 3,3% vì Evergrande, kết thúc ngày giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 10-2020.
Trong khi đó, chỉ số cổ phiếu bất động sản Hang Seng Properties của Hong Kong cũng giảm 1,26%.
Tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 0,27%.
Chỉ số MSCI cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm 0,5%.
TTO - Khó khăn trong việc tìm chip từ các nguồn cung truyền thống, nhiều công ty điện tử phải tìm nguồn cung mới trên mạng và nhận trái đắng là những con chip giả, tái chế hoặc lẽ ra phải bị thải loại vì kém chất lượng.