vĐồng tin tức tài chính 365

TP.HCM mở lại chợ truyền thống: Thận trọng từng bước

2021-10-01 07:27

Theo chỉ thị mới của TP, sau ngày 30-9, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; chợ đầu mối, chợ truyền thống được hoạt động trở lại. Trước đó, TP.HCM đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch COVID-19 cho các loại hình trên.

Hiện các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang và sẽ mở bán, đón khách đến mua sắm. Tuy nhiên, riêng chợ truyền thống thì các quận, huyện đang thẩm định phương án mở cửa đảm bảo an toàn phòng chống dịch nên ít nhất phải từ ngày 5-10 mới mở cửa trở lại.

Các tiêu chí an toàn khá cao

Bà Vương Ngọc Trân, Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Tân Phú 1, cho biết trong chiều 30-9, quận Tân Phú đã hoàn tất và gửi phương án mở chợ đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng chống dịch cho Phòng Kinh tế quận xem xét.

TP.HCM mở lại chợ truyền thống: Thận trọng từng bước - ảnh 1
Dự kiến ngày 5-10, chợ Hòa Bình (quận 5, TP.HCM) sẽ mở cửa trở lại.
Ảnh: TÚ UYÊN

Tuy nhiên, theo đánh giá của BQL chợ Tân Phú 1 và các chợ khác cho thấy các tiểu thương đang cân nhắc bởi khó đáp ứng được các tiêu chí trong hướng dẫn.

Thứ nhất, các tiêu chí như các gian hàng cách nhau 2 m không được mặt đối mặt, một tuần tiểu thương xét nghiệm âm tính hai lần (chi phí 360.000 đồng/lần do tiểu thương tự trả). Cạnh đó, quy định nếu tiểu thương đến chợ đầu mối lấy hàng cũng phải có giấy xét nghiệm âm tính khiến họ e ngại trong việc đăng ký bán lại do tốn thêm chi phí.

Thứ hai, diện tích chợ được mở phải 1.000 m2, mỗi sạp cách nhau 2 m, cộng thêm phân luồng một lối ra, một lối vào và không được quá 200 tiểu thương tham gia bán hàng. Điều kiện này khiến BQL các chợ không đủ nguồn thu để đóng thuế cho ngân sách nhà nước.

Thứ ba, trong bộ tiêu chí còn yêu cầu chợ trang bị máy quét mã QR thẻ xanh COVID, điều này cũng là trở ngại vì chi phí mua sắm máy khá lớn. Thậm chí, bản thân tiểu thương và những người lớn tuổi đi chợ cũng không dùng điện thoại thông minh thì việc quét mã QR rất khó.

“Qua khảo sát cho thấy khá nhiều tiểu thương chưa có nhu cầu mở bán ngay lúc này, vì thế chúng tôi dự kiến phải đến tháng 11 mới có thể mở chợ trở lại” - bà Trân nói.

Ông Đinh Hồ Duy Ngọc, Trưởng BQL Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (quận 5), cho biết đang tiến hành khảo sát nhu cầu của các hộ kinh doanh để chuẩn bị mở lại chợ thực phẩm. BQL sẽ nắm lại tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19 của thương nhân, những người nhiễm bệnh đã khỏi và nhu cầu đăng ký của các ngành hàng để sắp xếp khu vực kinh doanh hợp lý.

Qua khảo sát sơ bộ, có 20/100 hộ các ngành hàng thực phẩm tươi sống rau củ quả, gia vị, thịt, cá, gà, heo, bò muốn kinh doanh lại. Khi mở lại chợ thì các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch được triển khai thực hiện.

Đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH Một thành viên (Satra) cho biết từ ngày 1-10, Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, đơn vị quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, sẽ thực hiện theo lộ trình. Theo đó, BQL chợ này sẽ tăng số ô vựa hoạt động hằng đêm tại chợ từ 20 ô vựa lên 40 ô vựa với khả năng cung cấp khoảng 300 tấn hàng hóa hằng ngày cho khu vực TP.HCM.

Các quận, huyện thận trọng mở cửa

Bà Trần Thị Bích Trâm, Phó Chủ tịch UBND quận 11, cho biết trên địa bàn quận có ba chợ thì hiện đã có hai đơn vị là chợ Thiếc và chợ Bình Thới gửi phương án mở cửa đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng chống dịch và quận đang thẩm định.

Dự kiến ít nhất sau ngày 5-10, sau khi công tác rà soát, chuẩn bị kỹ càng, các chợ đáp ứng các điều kiện an toàn phòng chống dịch thì có thể chính thức mở cửa trở lại phục vụ người dân.

Theo bà Trâm, khi các chợ hoạt động trở lại sẽ ưu tiên cho các ngành hàng thiết yếu chứ không mở cùng lúc tất cả ngành hàng. Đối với ngành hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống thì các tiểu thương còn băn khoăn. Lý do là hàng phải bán mang đi qua ứng dụng công nghệ dẫn đến chi phí món ăn cao, số lượng người mua cũng chưa nhiều.

Bà Trâm thông tin: “Qua trao đổi với BQL các chợ cho thấy bà con tiểu thương chưa muốn bán ngay vì lý do khó khăn trong đi lại”.

Trong khi đó, bà Đào Thị Ánh Tuyết, Phó phòng Kinh tế quận 5, cho biết BQL các chợ đang lập phương án chuẩn bị cho mở chợ gửi về Phòng Kinh tế quận để thẩm định. Sau đó, quận sẽ thông báo thời gian mở cửa cho từng chợ, mở thế nào, số lượng thương nhân ra sao…

Hiện BQL các chợ đang trong giai đoạn bàn tính phương án và quận sẽ để cho các chợ chủ động. Những chợ đầu tiên được mở phải đảm bảo tiêu chí có nhà lồng, không gian thoáng đãng. Số lượng tiểu thương đăng ký bán hàng cũng sẽ cân đối lại, bố trí quầy sạp đảm bảo an toàn cho người đến mua bán.

“Dự kiến ngày 5 và 6-10 tới, chợ thực phẩm An Đông và Hòa Bình mở lại và chỉ dành cho các ngành hàng thiết yếu, các ngành hàng khác sẽ có lộ trình. Đối với các chợ còn lại và chợ nằm trong khu dân cư các tuyến đường hẻm thì tiêu chí an toàn cũng cần được tính toán sao cho đảm bảo an toàn nhất” - bà Tuyết nói.

Sở Công Thương triển khai từ phương án của quận, huyện

Tại buổi họp báo ngày 30-9, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết trên cơ sở chỉ thị mới của UBND TP.HCM, các quận, huyện sẽ có kế hoạch để mở lại chợ truyền thống.

Vừa qua, một số quận, huyện đã có chợ hoạt động trở lại như huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, quận Bình Thạnh. Sau ngày 30-9, các quận, huyện sẽ có phương án và tổ chức chợ hoạt động lại, sở sẽ tiếp tục làm việc để nắm điều kiện phương án triển khai.

Hỗ trợ để có máy quét mã QR

Theo bà Đào Thị Ánh Tuyết, Phó phòng Kinh tế quận 5, trong bộ tiêu chí an toàn yêu cầu các chợ phải trang bị thiết bị máy quét mã QR thẻ xanh COVID. Hiện quận đang nghiên cứu để xem có cách nào hỗ trợ tốt nhất cho các chợ để có máy quét mã, bởi các chợ đều tự chủ về kinh phí, có những chợ đã ngưng hoạt động từ tháng 6 đến nay và không có doanh thu nào.

Cạnh đó, hiện nay diện tích quầy sạp ở các chợ nhỏ, khoảng cách từ sạp này qua sạp kia chỉ 1 m. Vì vậy, để đảm bảo khoảng cách 2 m giữa các sạp theo bộ tiêu chí thì các chợ phải tính toán kỹ để đảm bảo công bằng cho thương nhân tham gia buôn bán. Quận sẽ khảo sát ý kiến tiểu thương để nắm bắt những khó khăn, sau đó tổng hợp, báo cáo thường trực quận ủy, thường trực ủy ban để có phương án giải quyết tốt nhất. 

Xem thêm: lmth.8388101-coub-gnut-gnort-naht-gnoht-neyurt-ohc-ial-om-mchpt/et-hnik/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“TP.HCM mở lại chợ truyền thống: Thận trọng từng bước”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools