Sáng 30-9, tại buổi họp báo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP, đã thông tin chủ trương của UBND TP về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.
Không phải mở ồ ạt mà mở từng bước
dự kiến, TP.HCM sẽ tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
“TP.HCM mở lại các hoạt động, ưu tiên phát triển kinh tế, khôi phục sản xuất để đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi sản xuất. Tinh thần là sau ngày 30-9, không phải tất cả hoạt động đều được mở ồ ạt mà thận trọng từng bước, có lộ trình, đảm bảo an toàn, sức khỏe người dân là trên hết” - ông Bình nói và cho biết mong muốn của TP.HCM là đưa cuộc sống của người dân bước sang trạng thái bình thường mới, đảm bảo công ăn việc làm của người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, UBND TP.HCM cho phép mở lại nhiều hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó có 14 ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân; các cơ sở dịch vụ y tế; các cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế...
UBND TP.HCM yêu cầu tất cả cơ quan, đơn vị nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn TP phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn.
Đến ngày 15-10, các cơ quan, đơn vị nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quét mã QR (trên điện thoại thông minh hoặc được in trên giấy) của toàn bộ người đến liên hệ công tác, giao dịch và sử dụng ứng dụng của TP (hoặc ứng dụng PC-COVID) để kiểm soát và tổ chức hoạt động.
Các hoạt động tiếp tục phải tạm dừng gồm: Sự kiện văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít-tinh, lễ phát động (trừ các trường hợp được cho phép); quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; bán hàng rong, vé số dạo. |
Bỏ giấy đi đường, người dân không tự ý qua tỉnh khác
Đối với hoạt động của người dân, ngoài thực hiện 5K, chỉ thị mới cũng yêu cầu người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM. “tp sẽ không cấp giấy đi đường và dùng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân” - ông Bình nói.
UBND TP.HCM đặc biệt yêu cầu người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành khác, trừ trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh thì thực hiện theo quy định của Sở GTVT. Xe cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi TP.HCM mà sẽ không đi qua được các chốt liên tỉnh.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, lưu ý người dân không được tự ý đi bằng xe cá nhân qua các tỉnh, thành. “Với 51 chốt của TP.HCM, nếu người dân cùng kéo về các tỉnh sẽ gây ra ùn tắc, ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông của chuỗi cung ứng hàng hóa. Công an TP sẽ kiểm soát, xử lý nghiêm trường hợp muốn thông chốt, vì trên thực tế có trường hợp bằng cách này, cách kia muốn đi qua chốt. Công an TP.HCM sẽ phối hợp với công an các địa phương để kiểm soát, xử lý. Nếu người nào cố ý, tự ý rời TP làm lây lan dịch bệnh có thể bị xử lý hình sự” - ông Quang nói.
Phối hợp với các tỉnh đón công nhân trở lại làm việc
Đối với hoạt động giao thông vận tải, kiểm soát lưu thông, TP.HCM đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa giữa TP với các địa phương được thuận lợi, đáp ứng phục vụ đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn TP, phù hợp với cấp độ dịch bệnh của từng khu vực, địa phương, theo hướng dẫn của Sở GTVT.
Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ GTVT và quy định của Bộ Y tế.
Việc lưu thông liên tỉnh của các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh); tổ chức vận chuyển người lao động về TP và các trường hợp cấp thiết theo hướng dẫn của Sở GTVT.
TP sẽ tăng cường kiểm soát lưu thông tại các chốt cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. Tại các chốt kiểm soát này tiếp tục kiểm tra xe, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực. Cùng đó là tổ chức các chốt kiểm soát lưu động trong nội thành theo tình hình thực tế, không để xảy ra tình trạng tập trung đông người và tránh ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát.
Liên quan đến vấn đề lưu thông, trả lời câu hỏi của báo chí về trường hợp nhiều người dân TP.HCM đang bị kẹt lại ở quê, trong đó có nhiều trẻ em, TP đã tính toán phối hợp với các tỉnh ra sao, ông Lê Hòa Bình cho biết nếu người dân có nhu cầu về quê, TP.HCM sẽ phối hợp với các tỉnh, thành để tổ chức đưa đón người dân về quê. Thời gian qua, TP đã phối hợp đưa hơn 35.000 người về quê ở các tỉnh, thành trên cả nước.
“Việc đưa người dân trở lại TP.HCM theo hướng dẫn của Sở GTVT. Hiện nay, theo quy trình thực hiện, người dân cần có đơn gửi lên Sở GTVT, chúng tôi sẽ có văn bản gửi các tỉnh để các tỉnh cho đi qua các chốt” - ông Bình nói và cho biết ông cũng thường nhận được tin nhắn của bà con, cô bác về vấn đề này.
Còn đối với việc đón công nhân trở lại TP.HCM làm việc, ông Bình cho biết TP sẵn sàng đón công nhân thời gian qua đã về quê trở lại làm việc. Đặc biệt, tại các tỉnh giáp ranh (Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai), TP sẽ phối hợp quy trình để đưa công nhân về TP.HCM bằng xe chung.
Theo ông Bình, tất cả khu công nghiệp và khu chế xuất đang rất thiếu công nhân lao động, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. “Khi làm chỉ thị này, lãnh đạo TP đã trực tiếp gặp các hiệp hội doanh nghiệp để lấy ý kiến. Các ý kiến này đều mong muốn công nhân quay lại sản xuất, được ưu tiên tiêm hai mũi vaccine để không trở nặng khi bị nhiễm” - ông Bình nói. Ngoài ra, TP.HCM đã có văn bản gửi 62 tỉnh, thành để có quy trình phối hợp đón công nhân trở lại TP.HCM.
Riêng người nước ngoài khi nhập cảnh vào TP.HCM sẽ khai báo y tế tại cửa khẩu và sử dụng mã QR hoặc các giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại TP.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM kêu gọi lực lượng lao động tại TP hãy yên tâm ở lại TP để tham gia lao động, đảm bảo cuộc sống của mình. Khi làm việc với các tỉnh, lãnh đạo đều nhận định không ai chăm lo tốt cho người dân bằng chính họ. Vấn đề là phải tạo công ăn việc làm cho người dân. “Các công trình xây dựng, nhà máy mở cửa lại rất nhiều, rất thiếu hụt lao động. Người dân ở lại TP được ưu tiên tiêm vaccine và đảm bảo cuộc sống của mình” - ông Bình nhấn mạnh.
Khẩn trương triển khai hỗ trợ đợt 3 cho người dân khó khăn Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình cho hay TP.HCM đang khẩn trương triển khai hỗ trợ đợt 3 để trợ cấp cho người có hoàn cảnh thật sự khó khăn hiện đang có mặt tại TP. Đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ cho người già neo đơn và các trẻ mồ côi do dịch COVID-19; phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm An sinh TP.HCM, không ngừng cải thiện chất lượng sinh hoạt đời sống của người dân. TP.HCM triển khai các giải pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện, bồi dưỡng, củng cố lực lượng lao động trở lại sản xuất, kinh doanh, không để thiếu hụt lao động. |
Người dân TP.HCM sẽ sử dụng app nào khi đi lại?
Tại cuộc họp báo sáng 30-9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết TP.HCM yêu cầu người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vaccine cho đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đang thông tin về các chính sách
của TP.HCM sau ngày 30-9. Ảnh: LÂM THOA
Trường hợp người dân không có mã QR thì xuất trình hai loại giấy tờ: Giấy chứng nhận là F0 đã khỏi bệnh thời hạn 180 ngày; giấy xác nhận đã tiêm chủng (ít nhất một mũi đối với loại vaccine tiêm hai mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
Về việc này, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết hiện nay người dân đang dùng app Y tế HCM để khai báo y tế khi giao dịch tại các cơ quan, địa điểm trên địa bàn TP. Trong ứng dụng này cũng có lịch sử tiêm chủng đối với những người đã tiêm vaccine hoặc có thông tin về những F0 đã khỏi bệnh. Từ đó xác định những người này đủ điều kiện tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, TP sẽ chuyển sang dùng chung một ứng dụng duy nhất là PC-COVID khi ứng dụng này chính thức đi vào hoạt động. Hiện TP.HCM đã có lộ trình chuyển hết thông tin của những người sử dụng app Y tế HCM vào PC-COVID, chỉ cần khi người dân cài ứng dụng PC-COVID thì khai đúng số điện thoại, thông tin cá nhân đã được khai trước đó.
Còn ứng dụng Y tế HCM sẽ trở thành một tiện ích của PC-COVID với một số chức năng theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà, cách thức liên lạc với các F0…
Bên cạnh app Y tế HCM, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cũng cho biết trong khi chờ app PC-COVID chính thức hoạt động thì người dân vẫn khai báo di chuyển bằng app VNEID.
Đại tá Quang thông tin TP sẽ không sử dụng giấy đi đường và cũng tạm dỡ bỏ các chốt kiểm soát nội đô, chỉ duy trì 12 chốt kiểm soát chính giáp ranh các tỉnh và 39 chốt phụ của quận, huyện giáp ranh các tỉnh.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn sẽ phải tăng cường kiểm soát đột xuất trên đường một cách ngẫu nhiên 24/24 giờ, nhằm kiểm tra việc khai báo y tế trên app VNEID, Y tế HCM cho đến khi thống nhất dùng chung app PC-COVID.
Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Võ Thị Trung Trinh cho biết từ trưa 30-9, trang http://antoan-covid.tphcm.gov.vn bắt đầu hoạt động để các cơ quan, đơn vị nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn TP sẽ đăng ký trực tuyến để lấy mã QR.
Sau đó, đến ngày 15-10 thì đồng loạt dán mã QR này ở các trụ sở để kiểm tra thông tin của những người đến liên hệ công tác. Từ đó giúp chính quyền giám sát yếu tố dịch tễ của người dân, xem những người này có đủ điều kiện tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh không.