Em Nguyễn Vũ Yến Nhi - học sinh lớp 11 Trường THPT Năng khiếu thể dục thể thao, Q.1, TP.HCM - học online tại nhà bằng điện thoại sáng 13-9 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Bộ Tài chính đã tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sơ bộ về gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến.
Theo đó, người được vay vốn là học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, là con trong gia đình có bố hoặc mẹ mất do dịch COVID-19 và chưa có máy tính để học trực tuyến.
Mức vay được đề xuất tối đa là 7 triệu đồng một người, thời hạn cho vay dưới 1 năm, lãi suất 0%/năm, lãi suất nợ quá hạn là 6,6%/năm (bằng lãi suất cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay).
Với mức cho vay này, Bộ Tài chính dự kiến tổng nguồn vốn cần khoảng 3.500 tỉ đồng.
Theo Bộ Tài chính, hiện Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai gói tín dụng 7.500 tỉ đồng từ nguồn vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo nghị quyết số 68 của Chính phủ để cho vay trả lương cho người lao động.
Tuy nhiên, đến nay số hồ sơ đề xuất vay vốn từ người sử dụng lao động chưa lớn. Do đó, để kịp thời triển khai hỗ trợ cho học sinh, sinh viên tham gia học trực tuyến, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và một số bộ, ngành đã đề xuất, trước mắt xem xét trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ này để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến.
TTO - Đằng sau câu chuyện người cha gom góp tiền lẻ, vay mượn xóm làng chở con vượt 20km đường núi xuống thị trấn Ba Tơ (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) mua điện thoại cho con là bản làng nghèo khó, sự học vẫn còn đầy gian truân.