Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội, nhưng Thủ đô đã có nhiều nỗ lực để đạt được những kết quả nhất định. Đặc biệt đề ra nhiều biện pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 đạt 4,54%.
Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Thủ đô
Tại cuộc họp giao ban công tác quý III và 9 tháng đầu năm 2021, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều chỉ tiêu kinh tế đã giảm, nhưng cũng có những chỉ tiêu tăng trưởng khá.
Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 9 tháng là 176.737 tỉ đồng, đạt 75,0% dự toán Trung ương giao (đạt 70,3% dự toán thành phố giao), bằng 105,4% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 9 tháng là 46.338 tỷ đồng, đạt 42,7% dự toán năm và bằng 95,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 đạt 1.292 triệu USD, tăng 1,5% so với tháng 8 và tăng 2,8% so với cùng kỳ
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 3,0% so với cùng kỳ năm 2020, đây là khu vực ghi nhận tốc độ tăng đồng đều trong 3 quý do ít chịu ảnh hưởng của đại dịch. Bên cạnh đó, trong 9 tháng, khu vực công nghiệp và xây dựng ước tính tăng 1,88%; khu vực dịch vụ ước tăng 0,85% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt. CPI tháng 9 giảm 0,6% so với tháng 8 và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. CPI bình quân 9 tháng đầu năm tăng 1,54% (9 tháng năm 2020 tăng 3,3%). Trong tháng 9, có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước.
Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Thành phố đã hỗ trợ trên 1,625 triệu lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với kinh phí 559,389 tỉ đồng; trợ cấp cho hơn 84 nghìn người có công và thân nhân với số tiền 1.562 tỉ đồng.
Theo Cục thống kê Hà Nội, 8 tháng năm 2021, chỉ số IIP một số ngành công nghiệp đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nổi bật như sản xuất xe có động cơ tăng 21,6%, sản xuất trang phục tăng 18,2%, sản xuất đồ uống tăng 16,1%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 10,9%... Tổng thu nội địa do ngành thuế quản lý (trừ dầu) tăng 9,7% so cùng kỳ, trong đó thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh tăng 28,9% so cùng kỳ.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có nhiều cố gắng duy trì sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng phương án “3 tại chỗ”, cho công nhân làm việc luân phiên, nghỉ giãn cách…
Nỗ lực để tăng trưởng năm 2021 đạt 4,54%
Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh tại kỳ họp thứ 2, HĐND khoá XVI nêu rõ, để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu tăng trưởng năm 2021, cùng với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, thành phố đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường...
Chủ tịch Hà Nội đề nghị các cấp, các ngành tập trung thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021. Trước hết, cần xây dựng các kịch bản cụ thể trên cơ sở rà soát khả năng, nguồn lực phát triển từng lĩnh vực; phân công nhiệm vụ đến từng ngành, đơn vị để triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; phấn đấu thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả.
“UBND Thành phố đã xây dựng Kế hoạch điều hành kinh tế - xã hội theo 2 kịch bản trong quý 3 và quý 4, tuy nhiên, sẽ phấn đấu đạt kịch bản cơ sở là: Quý 4 năm 2021 đạt tăng trưởng 6,98% và cả năm 2021 đạt 4,54%”, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết.
5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thành phố hiện đang giao các ngành tập trung phân tích và tham mưu kế hoạch phục hồi và xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế căn cứ theo lộ trình chuyển trạng thái trong tình hình mới.
Với định hướng phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất chỉ tiêu Kế hoạch năm 2021, UBND thành phố Hà Nội sẽ thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp.
Tiếp tục phát huy sức mạnh trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 với phương châm “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ”; Thiết lập trạng thái bình thường mới để ổn định đời sống nhân dân và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
UBND thành phố Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ, tiếp tục phát huy các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nỗ lực vượt bậc để phát triển kinh tế - xã hội quý 4
Nói về nhiệm vụ trọng tâm tháng 10 và quý IV/2021, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết thành phố sẽ ban hành, thực hiện Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Trong đó, các sở ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương hướng dẫn tiêu chí sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn với dịch bệnh; Xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong ngành, lĩnh vực, khu, cụm công nghiệp; Đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, hoạt động logistics; kích cầu tiêu dùng, quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; đẩy mạnh thương mại điện tử; bình ổn thị trường...
Tạo điều kiện tối đa cho hoạt động lưu thông hàng hóa đảm bảo thông suốt và tuân thủ đúng quy định về kiểm soát dịch. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và thúc đẩy hoạt động sản xuất trong khu gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Thành phố cũng đẩy mạnh hoạt động xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó các Tổ công tác của thành phố định kỳ họp giao ban xây dựng cơ bản hàng tháng để đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trong giải ngân kế hoạch vốn và thực hiện các dự án.
UBND thành phố cũng yêu cầu mỗi chủ đầu tư cần chủ động có giải pháp để tiếp tục tập trung thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 và kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai kế hoạch đầu tư công. Các chủ đầu tư tập trung thực hiện giải ngân để đạt được kết quả như đã cam kết với UBND thành phố (giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao) và tăng cường công tác chuẩn bị dự án để bảo đảm đủ điều kiện bố trí vốn khởi công mới năm 2022.
Xem thêm: odl.592959-et-hnik-gnourt-gnat-od-cot-ioh-cuhp-cul-on-ion-ah/et-hnik/nv.gnodoal