Tỉnh Gia Lai xác định, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, cuộc sống trong trạng thái bình thường mới, ngành du lịch sẽ hướng đến bản sắc “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, con người hòa hợp với thiên nhiên môi trường.
Với diện tích tự nhiên trên 26.000ha, không gian núi đồi, hồ nước tự nhiên rộng lớn, thoáng đãng, vùng khí hậu lý tưởng, mát mẻ quanh năm, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai có những yếu tố thuận lợi để đáp ứng các tiêu chí của du lịch xanh, phù hợp với xu hướng du lịch hậu đại dịch.
Các homestay, farmstay ngày càng nở rộ ở khu vực nội thành lẫn vùng ngoại ô góp phần mở rộng và đa dạng hóa không gian du lịch phố núi Pleiku. Một đặc trưng khác của thành phố cao nguyên là có những ngôi làng trong phố in đậm văn hóa bản địa như Ia Nueng (xã Biển Hồ), làng Wâu (xã Chư Á), Plei Ốp (phường Hoa Lư), làng Chuét (phường Thắng Lợi). Đây là tài nguyên để thành phố khai thác loại hình du lịch xanh vì cộng đồng.
Cách TP.Pleiku không xa, các thắng cảnh như núi lửa Chư Đăng Ya, Biển Hồ, những đồng cỏ, rừng hoa muồng vàng, đồn điền chè rộng lớn ở huyện Chư Păh đã làm cho du khách ấn tượng về một thành phố cao nguyên hài hòa với thiên nhiên.
Hậu dịch COVID-19, tỉnh Gia Lai tiếp tục ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái gắn với cảnh quan rừng, miệng núi lửa, hồ nước, du lịch xanh thân thiện với môi trường, các sản phẩm du lịch gắn với vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như vườn cây ăn trái, cánh đồng hoa, rau củ quả.
Trước đó, Hội đồng nhân dân TP.Pleiku đã thông qua Nghị quyết phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đưa ra mục tiêu phát triển phố núi trở thành thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” để kích cầu, thu hút du khách.
Từ năm 2018 -2021, chính quyền TP.Pleiku phối hợp mở 4 lớp truyền dạy cồng chiêng và 4 lớp bồi dưỡng kỹ năng du lịch cộng đồng cho người dân các làng, tập huấn nhân lực tham gia các mô hình hợp tác xã du lịch, hướng dẫn các hộ gia đình bản địa tham gia làm du lịch.
Xem thêm: odl.492959-peihgn-gnon-neihn-neiht-ned-gnouh-neyuhc-ial-aig-hcil-ud/et-hnik/nv.gnodoal