Trung Quốc đang đối diện với cuộc khủng hoảng điện có quy mô lớn chưa từng có trong hơn 1 thập kỷ qua. Nguyên nhân một phần là do những ưu tiên chính sách của Bắc Kinh, trong đó gồm nỗ lực hạn chế lượng khí thải carbon. Tình trạng này có thể sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, vốn đã được định hình lại bởi đại dịch.
Mike Beckham - nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Simple Modern, công ty sản xuất các sản phẩm như bình giữ nhiệt và ba lô, cho biết: "Một chuỗi các sự kiện không tránh khỏi sẽ diễn ra. Khi đang nỗ lực tìm hiểu về tình hình hiện tại, chúng tôi nhận ra rằng mối rủi ro này lớn hơn bất kỳ điều gì từng chứng kiến trong sự nghiệp kinh doanh."
Thế giới chịu hậu quả khi Trung Quốc thiếu điện
Tuần trước, một trong những nhà cung cấp chính của Simple Modern ở thành phố Quzhou (miền đông Trung Quốc) đã được thông báo rằng họ chỉ có thể hoạt động 4 ngày/tuần, trong khi trước đó là 6 ngày. Ngoài ra, họ còn phải tuân thủ quy định về giới hạn sử dụng điện, do đó công suất cũng bị cắt giảm khoảng 1/3.
Beckham dự đoán, giá bán lẻ tại Mỹ đối với nhiều loại sản phẩm có thể tăng tới 15% vào mùa xuân tới, do nhu cầu của nhiều nhà bán lẻ vẫn ở mức cao.
Tình trạng thiếu điện cũng đến từ một số nguyên nhân khác. Giá than tại Trung Quốc. tăng cao do thiếu hụt nguồn cung than trong nước. Tình thế hiện tại còn căng thẳng hơn do việc Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu than từ Úc và Mông Cổ. Theo đó, các nhà máy điện cũng phải giảm sản lượng để tránh thua lỗ, do giá bán của họ bị giới hạn.
Trong khi đó, Bắc Kinh đang nỗ lực tìm cách thực hiện các mục tiêu tiết kiệm năng lượng, khiến một số ngành công nghiệp phải giảm mức tiêu thụ. Đồng thời, nhu cầu đối với điện cũng tăng vọt kể từ cuối tháng 4/2020 - khi Trung Quốc phong tỏa để ứng phó với dịch bệnh.
Hiện tại, cuộc khủng hoảng điện ở Trung Quốc càng khiến tình trạng thiếu hụt năng lượng trên toàn cầu trở nên căng thẳng hơn, có nguy cơ làm đảo lộn quá trình hồi phục sau đại dịch. Nhu cầu tăng cao, thời tiết thay đổi và sản lượng thấp đã khiến giá khí đốt leo thang. Xu hướng này đã ảnh hưởng đến sản lượng của các nhà máy ở châu Âu và số tiền các hộ gia đình chi trả.
Ngoài ra, điều này cũng làm dấy lên mối lo ngại ở châu Âu và Mỹ về việc liệu nguồn cung sụt giảm có đủ để cung cấp năng lượng cho các nền kinh tế trong suốt mùa đông hay không.
Gần đây, chính phủ Anh đã nỗ lực cải thiện bằng cách đưa ra một khoản trợ cấp để mở cửa lại một nhà máy phân bón phải đóng cửa do chi phí năng lượng tăng cao. Nhà máy này cung cấp một phần đáng kể lượng carbon dioxide của Anh - một sản phẩm phụ cần thiết trong chế biến thực phẩm. Trong khi đó, Pháp cho biết sẽ không để hóa đơn tiền điện và khí đốt của các hộ gia đình tăng lên cho đến mùa xuân.
Cuộc khủng hoảng điện ở Trung Quốc còn tạo thêm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu khi giá nguyên liệu và các thành phần thiết yếu tăng cao.
Ting Lu - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura Holdings, cho biết: "Thị trường toàn cầu sẽ chứng kiến sự thiếu hụt nguồn cung từ đồ dệt may, đồ chơi đến linh kiện máy móc." Ông nói thêm, cú sốc nguồn cung có thể đẩy lạm phát lên cao hơn nữa, đặc biệt là ở những nền kinh tế phát triển như Mỹ.
Steve Cooke là CEO của Cre8tive Brand Ideas, công ty phân phối những sản phẩm như túi xách hàng hiệu, quần áo, bút hay phụ kiện máy tính. Cooke cho biết, 80% các nhà cung cấp của họ phụ thuộc vào việc sản xuất các sản phẩm ở Trung Quốc. Năm nay, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao và tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã đẩy chi phí leo tháng và kéo dài thời gia giao hàng cho khách.
Những khó khăn của Trung Quốc
Trong tuần vừa rồi, một số khu dân cư ở đông bắc Trung Quốc bị cắt điện trong nhiều giờ. Đèn giao thông thậm chí cũng bị tắt. Các nhà máy ở nhiều khu vực sản xuất phải giảm giờ hoạt động hoạt động hoặc đóng cửa trong 1 tuần. Tại Quảng Châu và Thâm Quyến, các quan chức đã hủy bỏ những màn trình diễn ánh sáng để kỷ niệm Quốc khánh.
Một số ngân hàng đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay xuống dưới mức 8% từ khoảng 8,5%, do thiếu điện là mối rủi ro khác đối với đà tăng trưởng. Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế dự đoán Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để ổn định nền kinh tế.
Giá than nhiệt Australia tại cảng Newcastle – mức chuẩn cho thị trường châu Á, tuần trước đã phá vỡ kỷ lục ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 lên 201 USD/tấn, tăng 141% so với đầu năm. Giá than luyện kim cao cấp - được dùng để sản xuất thép, tăng 158% so với đầu năm lên mức kỷ lục là 615 USD/tấn ở Trung Quốc.
Tháng 9/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc sẽ nỗ lực đạt mục tiêu đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030, nhằm giảm tiêu thụ năng lượng. Nhiệm vụ này đã tạo áp lực cho hoạt động sản xuất than của Trung Quốc, vốn đã gặp nhiều gián đoạn vì những vụ tai nạn không mong muốn. Trong khi đó, gần 60% điện năng của Trung Quốc được tạo ra từ việc đốt than.
Theo Dan Wang - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Hang Seng, ngoài mâu thuẫn với Úc và thiếu nguồn cung năng lượng tái tạo, tình trạng thiếu điện hiện tại một phần là do quy định khắt khe của chính phủ đối với giá điện. Trung Quốc từ lâu đã đặt giới hạn về mức tăng giá của các công ty - vốn thấp so với toàn cầu. Điều này làm giảm nhu cầu sản xuất của các nhà máy điện khi giá than tiếp tục tăng.
Thomas Broertjes - giám đốc của Foshan Oufeng Furniture Co., cho biết: "Đối với tôi, đây là lần đầu tiên trong 15 năm ở Trung Quốc, tình trạng thiếu điện lại kéo dài đến vậy." 2 tuần trước, chính quyền địa phương bắt đầu gửi thông báo đến các nhà máy để cho biết họ có được phép hoạt động vào ngày hôm đó hay không.
Thiếu điện và tắc nghẽn trong quá trình vận chuyển và những yêu cầu giới hạn trong việc di chuyển đến Trung Quốc đã khiến CEO của Simple Modern cân nhắc chuyển một số hoạt động về Mỹ, khi môi trường kinh doanh của Trung Quốc ngày càng khó lường.
Tham khảo Wall Street Journal