Việt Nam đứng thứ 83 trên tổng số 180 quốc gia trên thế giới được đánh giá về chỉ số phục hồi trong đại dịch COVID-19, theo dữ liệu từ The Global COVID-19 Index (GCI). Tại khu vực Đông Nam Á (Asean), Việt Nam ở vị trí thứ 4 về khả năng phục hồi trong đại dịch.
Theo dữ liệu được cập nhật tại ngày 2.10 của The Global COVID-19 Index (GCI), Việt Nam hiện đứng thứ 83/180 quốc gia về khả năng phục hồi trong đại dịch COVID-19.
Trong đó, chỉ số phục hồi có xu hướng tăng ổn định, đạt 55,86/100 điểm. Ngược lại, chỉ số về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh liên tục giảm, về mức 34,93/100 điểm.
Kể từ ngày 22.9, số ca nhiễm được phát hiện và điều trị liên tục giảm cho thấy Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh. Dự báo trong tương lai gần (đến giữa tháng 10), số ca nhiễm sẽ tiếp tục giảm.
Bảng xếp hạng GCI cũng so sánh mức độ phục hồi của Việt Nam với một số quốc gia có sự tương đồng về mật độ dân số. Theo đó, chỉ số phục hồi của Anh hiện là 50,22/100 điểm, thấp hơn Việt Nam. Còn Hàn Quốc là 76,94/100 điểm, cao hơn Việt Nam gần 20 điểm. Hai quốc gia này đều là nước có thu nhập đầu người cao trong khi Việt Nam thuộc nhóm trung bình thấp.
Xét tổng thể, Anh xếp thứ 114/180 quốc gia về khả năng phục hồi, dưới Việt Nam 30 bậc.
Mỹ đứng thứ 138, dưới Việt Nam 54 bậc. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 4 về khả năng phục hồi, sau Singapore, Campuchia và Indonesia.
Các quốc gia đứng đầu về chỉ số phục hồi COVID-19 là Trung Quốc (số 1), Các Tiểu vương quốc Arab, Đan Mạch, Chile, Bhutan...
GCI được phát triển bởi Penmanndu Associates và chính phủ Malaysia, với dữ kiện đầu vào và các tiêu chí đánh giá được xây dựng bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
GCI được thiết kế để thu thập và phân tích dữ liệu từ các nguồn đã được xác minh cho 180 quốc gia thành viên của WHO và được cập nhật hàng ngày. Điều này khiến GCI trở thành chỉ số toàn diện nhất về đại dịch COVID-19 hiện nay.
Trong đó, các thông số về diễn biến dịch bệnh trong 90 ngày đóng góp 70% vào Chỉ số phục hồi, gồm: Tổng số ca nhiễm, tỉ lệ bệnh nhân khỏi bệnh trên tổng số ca nhiễm, tỉ lệ xét nghiệm trên mỗi ca dương tính và các biện pháp truy vết, khoanh vùng dịch bệnh của chính phủ.
Các thông số đóng góp 30% vào Chỉ số phục hồi bao gồm: Tỉ lệ bảo hiểm y tế toàn dân, tỉ lệ người dân được bảo vệ trong các tình huống y tế khẩn cấp, mức độ cải thiện sức khỏe dân số, tính dễ tổn thương về kinh tế - xã hội; điểm số quản trị bao gồm chỉ số hiệu quả của Chính phủ và chỉ số nhận thức tham nhũng; điểm số cơ sở hạ tầng truyền thông liên quan mật thiết tới sự phổ biến của internet và điện thoại di đông; cuối cùng là điểm số đánh giá về cơ sở vật chất như hệ thống giao thông, khả năng tiếp cận nước sạch và các điều kiện vệ sinh của người dân.
WHO nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần nhìn nhận và sử dụng bộ chỉ số GCI vì mục đích vị tha của nó, tức là để xác định các nhóm quốc gia thành viên có các phương pháp ứng phó với dịch bệnh hay nhất để thu thập chứ không phải xem xét xếp hạng tuyệt đối, vì có thể tạo ra sự nhạy cảm tiềm ẩn giữa các quốc gia thành viên.
Như vậy, GCI mới trở thành công cụ mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại COVID-19 trên toàn cầu.
Xem thêm: odl.426959-naesa-4-uht-pex-cut-neil-gnat-man-teiv-auc-91-divoc-ioh-cuhp-os-ihc/et-hnik/nv.gnodoal