Các nghi phạm còn thường đóng vai người hùng, hoặc người cha ấm áp sẵn sàng bảo vệ vợ con, tích cực phối hợp điều tra với cảnh sát...
Tiến sĩ Cliff Lansley cho rằng những manh mối nhỏ bé này lại là căn cứ tố cáo kẻ giết người. "Sự gian dối thể hiện ra khi hành vi không phù hợp với câu chuyện được kể. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu, cử chỉ nào không phù hợp với nội dung lời nói, bối cảnh..., chúng tôi đều quan tâm".
Lấy ví dụ trường hợp Chris Watts, kẻ sát hại vợ và hai con gái vào năm 2018, tiến sĩ Lansley cho biết hắn để lộ qua bốn cử chỉ.
Đầu tiên, sau khi báo vợ và hai con gái mất tích, Watts vào vai người chồng và người cha tận tâm, đăng tải nhiều video kêu gọi tìm kiếm và tích cực phối hợp với cảnh sát Colorado. Khi Watts nói "muốn các con trở lại", khóe môi anh ta nhếch lên, đôi mắt hơi nheo, hai gò má nhướng lên. "Sự kết hợp của hai cơ mặt này là dấu hiệu của niềm vui thực sự", theo tiến sĩ Lansley.
Lúc nhìn xuống máy quay kêu gọi vợ Shanann và hai con về nhà, anh ta đưa tay trái ra, nhún vai xoay ngược chiều kim đồng hồ. Watts còn nhắm mắt lại trong một giây, nhẹ lắc đầu khi nói muốn vợ con quay trở lại. "Những cử chỉ này nói cho chúng tôi rằng không có gì đáng tin trong những lời nói của anh ta, bởi vì nó không đúng sự thật", tiến sĩ Lansely nói trong một phim tài liệu được phát sóng trên Discovery+. Không thể che giấu mãi sự thật, tháng 11/2018, Chris Watts đã nhận tội.
Một kẻ giết vợ khác bị phát hiện dối trá là Babis Anagnostopoulos. Phi công 32 tuổi dựng chuyện ba tên cướp đã sát hại vợ trong khi anh ta bị trói vào ghế trong nhà riêng ở Athens hôm 11/5. Babis ban đầu khẳng định tự cởi trói để đánh nhau với bọn cướp, bảo vệ vợ trên gác mái. Con gái 11 tháng tuổi đang khóc ở gần đó.
Chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Judi James chỉ ra nhiều nghi vấn khi Babis kể lại trải nghiệm kinh hoàng. James cho rằng, thay vì tỏ ra suy sụp, Babis xây dựng hình tượng mạnh mẽ, như "anh hùng" báo thù trong câu chuyện. Nhưng khi tiết lộ thêm thông tin về đêm định mệnh, "anh ta thực hiện nhiều động tác che giấu ánh mắt, nhìn xuống nhiều hơn là nhìn thẳng", James giải thích đây là chiến thuật che giấu điển hình.
Cảnh sát đã mất nhiều tuần để tìm kiếm những tên tội phạm hư cấu người Albania như Babis miêu tả. Anh ta tiếp tục "vở kịch" trong 38 ngày, bao gồm chia sẻ ảnh vĩnh biệt vợ trên trang cá nhân, ôm an ủi mẹ vợ tại lễ tang. Tuy nhiên, đến 17/6, Babis thừa nhận tất cả đều là dối trá khi cảnh sát phát hiện bằng chứng không khớp với câu chuyện. Đồng hồ thông minh của Babis cho thấy anh ta di chuyển quanh nhà chứ không bị trói một chỗ như đã khai.
Một người chồng giết vợ khác cũng thêu dệt những lời dối trá để che đậy tội ác là Justin Barber. Tháng 8/2002, Justin Barber báo cảnh sát vợ bị một tên cướp bắn chết khi cả hai đi dạo trên bãi biển ở Florida. Thực tế, hắn đã sát hại vợ rồi tự bắn bốn phát súng để ngụy trang.
Khi trả lời cảnh sát và truyền thông, Barber tỏ ra sốc và buồn bã, giọng "run rẩy". Anh ta khóc, nói là nạn nhân của vụ cướp của giết người.
Tiến sĩ Lansley nhận xét: "Anh ta không cảm thấy buồn mà chỉ đang giả vờ. Anh ta liên tục lắc đầu phủ nhận những gì chính mình đang nói với cảnh sát và công chúng. Anh ta đè ngón cái và ngón trỏ vào nhãn cầu. Chúng tôi thường xuyên thấy điều này khi ai đó muốn chảy nước mắt".
Nhưng cũng có khả năng những dấu hiệu tội lỗi bình thường không được phát hiện vì những kẻ giết người thích thú với "màn trình diễn" và kiêu ngạo cho rằng có thể đánh lừa cảnh sát và công chúng một cách dễ dàng", chuyên gia Judi James nói.
Theo ông, dấu hiệu bình thường của cảm giác tội lỗi thường là sự căng thẳng, cử động nhanh, ngắt quãng, ánh mắt lảng tránh, hành vi tự trấn an, nhịp thở thay đổi và cơ bắp căng chặt.
Tuệ Anh (Theo The Sun)
Xem thêm: lmth.2675634-uas-ac-tam-coun-gnohc-gno-gnuhn-yat-tal-eht-oc-ugn-nogn/ten.sserpxenv