Một cây xăng trước thời điểm tăng giá xăng - Ảnh: NGỌC HIỂN
Sẽ tạm đình chỉ công tác với lãnh đạo quản lý thị trường nếu để xảy ra vi phạm về xăng dầu
Bộ Công Thương vừa có công điện yêu cầu giám sát các thương nhân đầu mối, công ty con, chi nhánh thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối có trách nhiệm thực hiện đúng biên bản cam kết đã ký về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo chỉ đạo của Bộ Công Thương trước đó.
Rà soát, kiểm tra việc cung cấp, bán xăng dầu của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với việc ngừng, không cung cấp xăng dầu.
Bộ Công Thương yêu cầu người đứng đầu cơ quan quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng.
Nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn quản lý hoặc không hoàn thành yêu cầu, nhiệm vụ, Bộ Công Thương sẽ tiến hành tạm đình chỉ công tác với người đứng đầu cơ quan quản lý thị trường theo quy định.
Chương trình "Tuần hàng Việt Nam" ở nước ngoài sẽ tổ chức mỗi năm
Trong khuôn khổ "Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2022" đang diễn ra tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2022-2025 nhằm mục tiêu tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hệ thống phân phối nước ngoài và nâng cao năng lực trong lĩnh vực phân phối tại Việt Nam.
Hợp tác cũng hướng đến xây dựng hệ thống các nhà cung cấp bền vững.
Sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ hàng Việt ra nước ngoài thời gian tới - Ảnh: N.BÌNH
Các bên sẽ phối hợp hỗ trợ nhà cung cấp, nhà sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam để đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc gia nhập khẩu và hướng dẫn các thủ tục, pháp luật có liên quan. Phối hợp hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nâng cao chất lượng hàng nông, thủy sản, các nhóm hàng thực phẩm chế biến và tiêu dùng cũng như các sản phẩm Việt Nam khác để có thể xuất khẩu được theo tiêu chuẩn của các hệ thống phân phối nước ngoài…
Hợp tác cũng nhằm thúc đẩy phân phối hàng Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo tỉ lệ hàng Việt Nam theo mã hàng đạt khoảng 90% tại siêu thị trong nước, hỗ trợ tổ chức mỗi năm ít nhất một chương trình "Tuần hàng Việt Nam" tại các trung tâm mua sắm của Central Retail ở nước ngoài…
Hơn 3.600 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường bị phạt trên 20,4 tỉ đồng
Bộ Công an đã có báo cáo sơ kết một tháng triển khai kế hoạch về tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, trong hơn một tháng (từ 7-10 đến 15-11), công an các địa phương đã kiểm tra 482.003 lượt cơ sở thuộc diện quản lý phòng cháy, chữa cháy.
Cảnh sát PCCC mang bình oxy và mặt nạ chuẩn bị vào hiện trường - Ảnh: T.T.D.
Cơ quan công an kiểm tra 95.246 cơ sở được phân cấp quản lý; UBND cấp xã kiểm tra 386.757 lượt cơ sở được phân cấp quản lý.
Đối với cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, đã thực hiện kiểm tra đối với 100% cơ sở.
Trên cơ sở kiểm tra đã phát hiện 113.031 thiếu sót, vi phạm và thực hiện xử lý vi phạm.
Cụ thể, xử phạt 17.714 trường hợp vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy với tổng số tiền trên 141,5 tỉ đồng. Trong đó xử phạt 3.675 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, với tổng số tiền phạt trên 20,4 tỉ đồng.
Tạm đình chỉ hoạt động 1.888 trường hợp (trong đó tạm đình chỉ 1.472 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường). Đình chỉ hoạt động 765 trường hợp (trong đó đình chỉ 573 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường).
Có 6.664 cơ sở ngừng hoạt động để khắc phục tồn tại, vi phạm theo kiến nghị của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy (trong đó có 2.758 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường).
Đặc biệt, đã thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với 1.224 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường đã bị đình chỉ hoạt động, ngừng hoạt động…
Ô tô tăng giá do biến động tỉ giá
Ngoài trừ lý do khan hiếm linh kiện còn một yếu tố khác tác động lên việc tăng giá xe là đồng USD tăng giá.
Ngay tháng 11-2022, nhiều mẫu xe đã bắt đầu tăng giá, chẳng hạn Toyota với mức tăng giá 11-42 triệu đồng cho mẫu SUV Fortuner, các phiên bản lắp ráp trong nước gồm 2.4 MT, 2.4 AT, 2.8AT đã tăng giá 11 triệu đồng trong khi bản 2.7 nhập khẩu tăng giá 42 triệu đồng. Các bản nhập khẩu được tăng trang bị còn bản lắp ráp vẫn giữ nguyên thiết kế, trang bị cũ.
Tỉ giá biến động khiến hãng xe gặp khó trong việc điều chỉnh giá bán - Ảnh: C.TRUNG
Trên trang chủ của Kia Việt Nam, hiện các mẫu xe mang thương hiệu này cũng đã được cập nhật giá bán mới. Với đợt tăng giá mới nhất ngoại trừ mẫu Carens vừa mới ra mắt, tất cả dòng xe của Kia như Morning, K3, K5, Sonet, Seltos, Sportage, Sorento, Carnival đều tăng giá từ 15-30 triệu đồng, có mẫu tăng 70 triệu đồng.
Với Hyundai, 3 mẫu xe được chọn tăng giá là Santa Fe, Tucson và Creta tăng giá 25 triệu đồng, lên 1,1-1,2 tỉ đồng, bản cao cấp tăng 35 triệu đồng, lên 1,3-1,4 tỉ đồng. Đa số các hãng xe không đưa ra lý giải cho động thái tăng giá của mình. Chỉ riêng Hyundai, các đại lý cho biết xe tăng giá là do chi phí linh kiện tăng.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, ngoài trừ lý do khan hiếm linh kiện còn một yếu tố khác tác động lên việc tăng giá xe là đồng USD tăng giá. Bởi hầu như các doanh nghiệp ô tô hiện nay đều dùng đồng USD để nhập khẩu linh kiện cũng như xe nguyên chiếc. Doanh nghiệp phải đổi tiền Việt sang USD để mua.
Trước đây mua 1 linh kiện mất 10 USD, tương ứng khoảng 230.000 đồng. Hiện do USD tăng giá, dù vẫn chỉ mất 10 USD cho linh kiện đó nhưng trên thực tế, tương ứng với giá quy đổi hiện nay là gần 250.000 đồng.
Các hãng xe cho biết sẽ cố gắng điều chỉnh để giá xe bán ra để đạt doanh số và kích cầu khách hàng, tuy nhiên giá giảm sâu sẽ rất khó trong thời điểm hiện tại với các mẫu xe mới.
Hơn 581 biên bản ghi nhớ tại kết nối cung cầu được ký kết
Thông tin từ Sở Công Thương, tính đến chiều 19-11, hội nghị "Kết nối cung cầu TP.HCM và các tỉnh thành năm 2022" đã có 581 biên bản ghi nhớ được ký kết, trong đó phần lớn các ký kết diễn ra giữa đơn vị sản xuất nông sản, thực phẩm ở các tỉnh, thành với các doanh nghiệp phân phối, hệ thống bán lẻ lớn như Saigon Co.op, MM Mega Market...
Đa dạng đặc sản vùng miền được giới thiệu, bày bán tại hội nghị kết nối cung cầu - N.Trí
Năm nay, hội nghị diễn ra tại nhà thi đấu Phú Thọ (Q.11, TP.HCM) từ ngày 17 đến 20-11, với sự tham gia 1.000 doanh nghiệp và hơn 500 gian hàng trưng bán, giới thiệu hàng hóa.
Theo ban tổ chức, đến năm 2021, tổng số hợp đồng ký kết trong các kỳ hội nghị kết nối cung cầu đã chạm ngưỡng 4.347 với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 7.000 tỷ đồng/năm.
TP.HCM giảm kẹt xe nhờ Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị
Theo Sở Giao thông vận tải, TP.HCM Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị với hệ thống ITS hiện đại; Hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt cho phép tự động điều chỉnh các thông số điều khiển như thời gian chu kỳ đèn, thời gian đèn xanh, số pha điều khiển, trình tự pha điều khiển, lệch thời gian đèn xanh để thích ứng với lưu lượng giao thông thay đổi theo từng thời điểm và ưu tiên cho các phương tiện giao thông công cộng đã giúp TP.HCM giảm thiểu được kẹt xe, ùn tắc trong thời gian qua.
Kẹt xe trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh - Ảnh: CHÂU TUẤN
Cụ thể hệ thống này sẽ phân tích và điều khiển tín hiệu giao thông phù hợp tại 216 nút giao thông trọng điểm, nằm trên 36km2 khu vực các tuyến đường trung tâm thành phố.
Nhờ đó các phương tiện lưu thông với vận tốc trung bình 30-35 km/giờ sẽ có thể lưu thông thuận lợi qua nhiều nút giao thông liên tục trên các tuyến đường trong điều kiện lưu thông thông thoáng.
Theo Sở Giao thông vận tải, dự báo từ mô hình mô phỏng, đến năm 2025, nhu cầu giao thông tại thành phố sẽ đạt trên 41 triệu lượt đi lại/ngày.
Sự gia tăng nhanh chóng phương tiện cơ giới cá nhân đã dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng cho mạng lưới đường giao thông đô thị, đặc biệt trong giờ cao điểm.
Cũng nhờ hệ thống giám sát này, tính từ tháng 6-2020 đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (PC08) đã trích xuất 73.256 trường hợp, xử phạt được 19.902 trường hợp với số tiền xử phạt trên 33 tỉ đồng.
Khai mạc chương trình khuyến mại lớn nhất năm kết hợp lễ hội Hàn Quốc
Tối 18-11, TP.HCM chính thức khai mạc chương trình Khuyến mãi tập trung - Mùa mua sắm "Shopping Season" đợt 2 kết hợp "Lễ hội Hàn Quốc" nhằm hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc.
Ngày càng nhiều chương trình khuyến mại diễn ra tại TP.HCM dịp cuối năm - Ảnh: N.TRÍ
Theo Sở Công Thương TP, chương trình khuyến mại năm nay diễn ra từ 15-11 đến 31-12, và hiện đã có 1.198 doanh nghiệp tham gia với 3.937 chương trình khuyến mại.
Mức khuyến mại 50%-70% chiếm đa số, thậm chí ngày càng nhiều doanh nghiệp áp mức 100%, đây được xem là đợt khuyến mại lớn nhất năm.
Trong đó, có những chương trình khuyến mại của các đơn vị uy tín, đạt giải thưởng Thương hiệu Vàng TP,… sẽ giúp người dân trải nghiệm mua sắm với những dịch vụ tốt, giá ưu đãi.
TP.HCM hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Hàn Quốc và 80.000 người Hàn Quốc đang sinh sống. Trong lĩnh vực bán lẻ, doanh nghiệp hai quốc gia đã và đang cùng hợp tác, kết nối để sản xuất, xây dựng chuỗi phân phối hiện đại... Dịp này, TP kêu gọi doanh nghiệp Hàn Quốc tích cực tham gia các chương trình khuyến mại.
10 tháng 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn TP.HCM đạt gần 900 ngàn tỉ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng cao hơn so với thời kỳ trước dịch COVID-19.
Thu hồi sáu lô thuốc Greaxim chưa có kết quả kiểm tra chất lượng
Ngày 18-11, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ban hành thông báo thu hồi thuốc bột pha tiêm Greaxim 2g, VD-33386-19 và thuốc bột pha tiêm Greaxim, VD-18235-13. Các sản phẩm này đưa ra lưu hành trước khi có kết quả kiểm tra chất lượng.
Greaxim có thành phần hoạt chất chính là Cefotaxim, được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng như nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm phổi, áp xe não...
Thông báo thu hồi của Cục Quản lý dược được gửi đến các Sở Y tế và Công ty cổ phần dược phẩm Am Vi (có địa chỉ tại huyện Củ Chi, TP.HCM).
Các lô thuốc do Công ty cổ phần dược phẩm Am Vi sản xuất bị thu hồi gồm:
- 3 lô thuốc bột pha tiêm Greaxim 2g (Cefotaxim (dưới dạng Cefotaxim sodium) 2g), Số giấy đăng ký lưu hành: VD-33386-19. Số lô: 060822, hạn dùng 11-8-2024; Số lô: 070822, hạn dùng: 14-8-2024; Số lô: 080822, hạn dùng: 15-8-2024.
- 3 lô thuốc bột pha tiêm Greaxim (Cefotaxim (dưới dạng cefotaxim natri) 1g), Số giấy đăng ký lưu hành: VD-18235-13. Số lô: 110822, hạn dùng 8-8-2024; Số lô:120822, hạn dùng 9-8-2024; Số lô: 130822, hạn dùng 10-8-2024.
Theo Cục Quản lý dược, 6 lô thuốc trên đã được Công ty cổ phần Am Vi xuất xưởng, đưa ra lưu hành trước khi có kết quả kiểm tra chất lượng nguyên liệu và kết quả kiểm tra chất lượng thành phẩm.
435 ca COVID-19 mới, Tây Ninh có một người tử vong
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.510.919 ca COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.326 ca.
Các bệnh nhân nặng sau quá trình hồi sức, thở máy cần được hỗ trợ điều trị hậu COVID-19 để thích nghi với cuộc sống tốt hơn - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 172 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.606.633 ca. Số bệnh nhân đang thở oxy là 66 ca. Ngày 17-11 ghi nhận 1 ca tử vong tại: Tây Ninh. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.168 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Trong ngày 17-11 có 87.491 liều vắc xin COVID-19 được tiêm. Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 263.040.545 liều.
Các hoạt động đáng chú ý trong 7 ngày tới
- 19-11: Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam; Tổng kết chương trình chống lao quốc gia Việt Nam năm 2022; Hội thảo "Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay"; Khai mạc Hội thi và phát động An toàn giao thông cho học sinh, sinh viên toàn quốc khu vực phía Bắc; Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2022; Tọa đàm "Kinh nghiệm thiết kế phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội"; Tại TP.HCM, họp mặt tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19; Bế mạc Festival Tràng An - kết nối di sản.
- 20-11: Triển lãm thư pháp Thăng Long - Hà Nội "Một mối xa thư"
- Từ ngày 21-27-11: Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới, tổ chức tại Hà Nội và Quảng Ninh
- 21-11: Hội thảo khoa học quốc tế "Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: 30 năm nhìn lại và định hướng phát triển trong bối cảnh mới"
- Từ ngày 21-25-11, Triển lãm "Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh - Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên" năm 2022
- 22-11: Thông tin Diễn đàn quốc tế về kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chính sách phát triển thanh niên
- 23-11: Hội thảo "Thực trạng, thách thức và giải pháp tiêu dùng thuốc lá tại Việt Nam"
- 24-11: Hội thảo và Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022
- 24 - 25-11: Hội nghị khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm 2022
- Từ ngày 25 - 27-11: Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017 - 2022
- 25-11: Hội thảo khoa học quốc tế "Chia sẻ tri thức và kinh nghiệm thực thi chính sách đối với phát triển quốc gia giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN thời kỳ hậu COVID-19"; Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản năm 2012; Hội nghị toàn quốc về thông tin khoa học và công nghệ.
TTO - Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam xin khai thác thêm than để đảm bảo cấp than cho điện; Tỉ lệ hấp thụ căn hộ ở TP.HCM tụt dốc; 3 ngày liền ca COVID-19 mới vượt mốc 500... là những tin đáng chú ý sáng nay.