Dù rất nỗ lực nhưng việc giãn cách xã hội nhiều tháng trời đã khiến các nhà bán lẻ, kể cả những đại gia hàng đầu trên thị trường cũng đối diện với việc thua lỗ, thiếu dòng tiền. Đơn cử như Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) lần đầu tiên đối diện với các khoản lỗ hàng chục tỉ đồng. Thế Giới Di Động doanh thu lao dốc. Ông trùm bán lẻ Nhật là Uniqlo cũng mất đi nguồn tiền khổng lồ.
Tuy vậy, những ngày gần đây ngành bán lẻ bắt đầu hồi sinh dù gặp không ít khó khăn.
Kế hoạch của ông trùm bán lẻ Nhật bị đảo lộn
“Chúng tôi chưa dự tính mở bán trực tuyến vì muốn khách hàng đến tận cửa hàng trải nghiệm những gì tốt nhất” - ông Tadashi Yanai, nhà sáng lập thương hiệu Uniqlo của Nhật, nói trong ngày mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 12-2019. Có lẽ ở thời điểm đó, ông Tadashi Yanai chưa hình dung ra sự khốc liệt của dịch bệnh COVID-19 hoành hành trong hai năm qua.
Nhà tỉ phú người Nhật rất chiều lòng khách Việt khi sử dụng vật liệu bằng tre để thiết kế không gian đậm chất Việt cho cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại Đồng Khởi, TP.HCM. Ông Tadashi Yanai đã đúng khi cửa hàng luôn đông khách và níu kéo lượng người mua lớn. Với sức hấp dẫn của thị trường, thương hiệu Uniqlo đã mở rộng khắp Việt Nam, trong đó TP.HCM vẫn là thị trường lớn nhất.
Tuy nhiên, dịch bệnh đã làm đảo lộn mọi kế hoạch của ông trùm bán lẻ Nhật. Nếu như năm 2020, dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên khiến cửa hàng mất đi lượng khách du lịch thì bước sang 2021, với làn sóng dịch bệnh lần thứ tư đã tác động mạnh đến doanh thu của thương hiệu này. Vào tháng 5-2021, cửa hàng Uniqlo Đồng Khởi phải đóng cửa và nằm im đến hôm nay. Không đón được khách cũng không bán hàng trực tuyến, Uniqlo phải gánh khoản chi phí không nhỏ.
Trên toàn cầu, ông chủ Uniqlo cũng đang gặp khó vì dịch COVID-19. Theo Bloomberg, ông Tadashi Yanai vừa phải nhường vị trí người giàu nhất Nhật Bản cho ông Takemitsu Takizaki, nhà sáng lập Keyence, một công ty chuyên sản xuất cảm biến tự động hóa. Lý do: Ông chủ Uniqlo đã mất 9,7 tỉ USD trong đại dịch khiến giá trị tài sản rớt xuống còn 35,5 tỉ USD, trong khi ông Takemitsu Takizaki đang nắm tổng giá trị tài sản 38,2 tỉ USD.
Thử thách cho ông lớn bán lẻ Việt Nam
Đứng đầu thị trường vàng bạc, đá quý, thương hiệu mạnh PNJ cũng không thoát được sức ép của đại dịch. Đã từng kỳ vọng chuyển đổi số cũng như đầu tư nguồn lực rất mạnh nhằm tạo ra một lối đi mới nhưng kinh doanh trực tuyến đã không cứu được PNJ thoát khỏi lỗ.
Việc mở cửa trở lại là tín hiệu tích cực cho ngành bán lẻ. Ảnh: TÚ UYÊN
Trong báo cáo tài chính tháng 8 công bố mới đây, ban lãnh đạo PNJ thừa nhận rằng đây là một tháng đặc biệt ngoại lệ khi PNJ đã phải tạm đóng hơn 270/336 cửa hàng trên toàn hệ thống. Đơn vị này ghi nhận doanh thu giảm gần 90%, chỉ đạt 162 tỉ đồng, lỗ ròng 78 tỉ đồng. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp công ty đối diện với các khoản lỗ vì trước đó vào tháng 7, công ty đã báo lỗ 32 tỉ đồng.
Tương tự, đại gia Thế Giới Di Động cũng cho hay tháng 8 vừa qua là giai đoạn thử thách chưa từng có, khi 70% trong tổng 2.717 điểm bán điện máy và điện thoại trên toàn quốc của công ty phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng. Ngoài ra, 50% trong 1.928 cửa hàng Bách Hóa Xanh của ông trùm này tại TP.HCM cũng phải tạm đóng cửa.
Điều này dẫn đến doanh thu và lợi nhuận tháng 8 của Thế Giới Di Động thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, doanh thu thuần tháng 8 ghi nhận 6.509 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 222 tỉ đồng, lần lượt giảm gần 25% và 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức cũng cho biết thời gian qua lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông khiến các điểm bán của đơn vị từ offline đến online đều quá tải. Tuy nhiên, theo phân tích ngành hàng thì siêu thị đang gồng mình chịu lãi âm. Lý do là người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%), trong khi đây là ngành hàng có tỉ lệ lợi nhuận thấp nhất. Chưa kể với nhóm này siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch…
Chuẩn bị cho sự trở lại
Các nhà bán lẻ đều có chung nhận định trong bối cảnh dịch bệnh, người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm để đối phó với khó khăn trước mắt. Đặc biệt, dịch bệnh khiến nhiều người mất việc làm hoặc giảm thu nhập nên nhu cầu mua sắm hàng hóa xa xỉ cũng giảm.
Thêm vào đó, dù hình thức thương mại điện tử đã lên ngôi nhưng với các mặt hàng giá trị cao như trang sức, điện thoại, điện máy… người tiêu dùng vẫn có xu hướng tìm đến các cửa hàng lựa chọn trước khi ra quyết định mua sắm. Việc đóng các cửa hàng bán lẻ nhằm phòng chống dịch bệnh cũng đồng nghĩa người tiêu dùng tạm hoãn mua sắm.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, giai đoạn bình thường mới đã được tái khởi động. Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... được phép hoạt động và bước đầu thu hút khách mua sắm dù chưa đông. Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ, cho biết thực tế đơn vị vẫn giữ lạc quan về kinh doanh trong tương lai. Bởi dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng lũy kế tám tháng đầu năm nay, công ty vẫn có lợi nhuận do triển khai thành công các mô hình kinh doanh mới và chuyển đổi số.
“Chúng tôi đã nỗ lực đa dạng hóa kênh bán hàng, duy trì hệ thống giao hàng online và vận hành các cửa hàng không bị ảnh hưởng vì giãn cách ở một số địa phương ngoài TP.HCM. Nhờ vậy, tỉ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu được duy trì ở mức ổn định” - ông Thông nói.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động, cũng cho rằng: Dù dịch bệnh nhưng công ty đã cố gắng nắm bắt mọi cơ hội bán hàng trong điều kiện mới. Đồng thời, nhanh chóng áp dụng giải pháp công nghệ để tiếp tục phục vụ khách hàng, tiết giảm nhiều chi phí nhằm bảo vệ dòng tiền.
“Với việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước từ nửa sau tháng 9, các hoạt động kinh doanh dự kiến sẽ khởi sắc hơn. Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều kế hoạch cho sự trở lại này để thúc đẩy doanh số bán hàng trong những tháng cuối năm” - ông Hiểu Em thông tin.
Nhiều nhà bán lẻ khác cũng dự báo khi mà các nhà máy mở cửa, sản xuất phục hồi thì kỳ vọng sức mua gia tăng.
Sẽ phục hồi nhờ thay đổi chiến lược chống dịch Ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, kỳ vọng vào sự phục hồi kinh doanh của các hệ thống bán lẻ khi Chính phủ đã chuyển chiến lược từ zero COVID sang sống chung với COVID-19. Hàng loạt cửa hàng của các nhà bán lẻ sẽ dần mở cửa lại đón khách. “Dòng tiền sẽ quay trở lại, vì nhu cầu dồn nén của người tiêu dùng bị kìm hãm trong thời gian qua. Chẳng hạn, nhiều người trẻ đã trì hoãn đám cưới vì dịch bệnh thì khi mở cửa rõ ràng hơn, họ sẽ gia tăng mua sắm trang sức. Khi đó, PNJ sẽ hưởng lợi và tăng trưởng doanh thu nhiều từ đây” - ông Michael Kokalari nhận định. |