Nhu cầu điện giảm sâu, dẫn tới việc bắt buộc phải giảm công suất huy động từ các nguồn cho hệ thống quốc gia. Tuy nhiên, nhiều tranh luận đang đòi hỏi tính công bằng trong việc điều tiết điện.
Cà Mau lo giảm GRDP vì giảm huy động điện khí
Thực tế trong bối cảnh phụ tải thấp hiện nay, các nhà máy điện khí không được ưu tiên huy động với lượng huy động rất thấp, thậm chí có nhà máy gần như không được huy động. Điều này không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho doanh nghiệp nhiệt điện khí mà còn làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước và địa phương cũng như ảnh hưởng tới việc khai thác dầu khí tại vùng nước sâu, xa bờ trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Đơn cử, Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 và 2 trong 8 tháng đầu năm nay chỉ được huy động 3,495 tỉ kWh. Với tình hình huy động sản lượng như hiện nay, dự kiến tổng sản lượng điện huy động năm 2021 với Cà Mau 1 và 2 là 4,53 tỉ kWh, bằng khoảng 65% so với công suất tính toán. Kéo theo dự kiến nộp ngân sách nhà nước tại địa phương của Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 và 2 chỉ tương đương 32% so với trung bình hằng năm, gây ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ tăng trưởng của Cà Mau trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Trước tình hình đó, trong công văn hỏa tốc gửi Bộ Công Thương, kiến nghị chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cường huy động nguồn điện từ Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 và 2, UBND tỉnh Cà Mau đã cảnh báo việc giảm huy động nguồn điện khí Cà Mau 1 và 2 đã làm giảm chỉ tiêu ngành công nghiệp, xây dựng 6 tháng đầu năm 2021 xuống 5,54% so với năm trước, GRDP của tỉnh chỉ đạt 45,82% kế hoạch.
Không riêng Cà Mau, nhiều địa phương khác cũng trực tiếp bị ảnh hưởng nguồn thu ngân sách cùng với đà giảm sâu huy động nguồn điện khí như hiện nay. Trong trường hợp sản lượng khí không tăng huy động, với tổng sản lượng khí năm 2021 dự kiến khai thác được khoảng 7,9 tỉ m3 (thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch khai thác khí được Chính phủ giao là 9,7 tỉ m3 và khả năng khai thác của mỏ), thì của ngân sách Nhà nước thất thu của năm 2021 vào khoảng 8.420 tỉ đồng.
Thu ngân sách sẽ giảm từ nguồn điện khí
Năm 2022, với dự báo việc huy động khí cho điện tiếp tục giảm mạnh, khi đó lượng khí khai thác dự kiến khoảng 6,52 tỉ m3/năm (thấp hơn so với khả năng khai thác của mỏ là 9,1 tỉ m3), phần thu của Nhà nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng rất lớn khoảng 15.470 tỉ đồng.
Trong đó, bao gồm phần giảm thu từ doanh thu bán khí và condensate trong các dự án thượng nguồn ước tính giảm khoảng 113 triệu USD (tương đương khoảng 2.600 tỉ đồng); doanh thu cước phí vận chuyển, chênh lệch giá bán khí ước tính giảm khoảng 225 triệu USD (tương đương khoảng 5180 tỉ đồng); phần thu thuế TNDN sẽ giảm khoảng hơn 1.450 tỉ đồng; đồng thời các khoản phát sinh nghĩa vụ khí trả trước với các chủ mỏ dự kiến khoảng 284 triệu USD (tương đương khoảng 6.240 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, để có thể đạt được các thỏa thuận mua khí với phía chủ mỏ và các nhà đầu tư khai thác nguồn khí, Việt Nam phải chấp nhận nghĩa vụ bao tiêu trong các hợp đồng mua khí từ thượng nguồn và hạ nguồn nhằm có được các cam kết cấp khí ổn định cho vận hành các nhà máy điện.
Trong tình hình huy động điện khí thấp, các nhà máy điện không thể thực hiện nghĩa vụ bao tiêu khí đối với chủ các mỏ khí, phát sinh nghĩa vụ “khí trả trước” của bên mua khí với các chủ mỏ khí với số tiền không nhỏ. Trong trường hợp huy động khí tiếp tục thấp như 8 tháng đầu năm, dự kiến mức phạt khí trả trước trong năm 2021 lên tới khoảng 128 triệu USD, tương đương khoảng 2.950 tỉ đồng (bao gồm khu vực Đông Nam Bộ khoảng 68 triệu USD và khu vực Tây Nam Bộ khoảng 60 triệu USD).
Thêm vào đó, với tình trạng hiện nay thì việc thu hồi lượng “Khí Trả Trước” sẽ rất khó khăn và có khả năng không thu hồi hết trong năm 2022 và các năm tiếp sau.
Sáng 29.9.2021, Tổng cục Thống kê tổ chức công bố tình hình kinh tế - xã hội, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết: "Do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh".
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%. Ngược lại, khai khoáng giảm 7,17% do sản lượng dầu thô khai thác giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%. Tình hình dịch bệnh và giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng nặng nề đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Hiện nay, các nhà máy điện là khách hàng tiêu thụ khí chính, chiếm tới xấp xỉ 80% tổng sản lượng khí. Việc giảm huy động khí cho phát điện sẽ kéo theo việc giảm lượng khí tiêu thụ, giảm khai thác khí ngoài các mỏ dầu khí ngoài khơi, giảm nguồn thu của Nhà nước trong hoạt động khai thác dầu khí thượng nguồn; đồng thời ảnh hưởng đến công tác đầu tư đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí trong nước nói chung và các đặc biệt tại vùng nước sâu, xa bờ, nhạy cảm nói riêng.
Đặc biệt, hiệu quả thấp của điện khí cũng sẽ tác động đến việc thu hút đầu tư phát triển các dự án nhập khẩu LNG phục vụ phát triển nhiệt điện khí sử dụng LNG. Các doanh nghiệp kinh doanh khí và điện khí cho rằng, điều này không phù hợp với Nghị Quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11.02.2020 với định hướng “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG”, đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.
Xem thêm: odl.873069-hcas-nagn-uht-tuh-ol-hnit-gnor-cohk-gnad-ihk-neid/et-hnik/nv.gnodoal