Oxy đến kịp lúc với Chỉ thị 18, cho phép mở lại hoạt động sản xuất trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Các công trình giao thông, xây dựng được khởi động lại. Các hoạt động thương mại, dịch vụ cũng được "hồi sinh" có điều kiện. "Chúng tôi biết sức ép mở cửa rất lớn. Bởi đây là mong muốn của người dân, doanh nghiệp và nói thật chúng tôi cũng mong muốn như thế", Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi từng chia sẻ.
Tuy nhiên, có ít nhất là 2 thử thách lớn cho bước ngoặt này trong lĩnh vực kinh tế. Đầu tiên là quyết định mở cửa trong bối cảnh số ca tử vong xấp xỉ 100, ca nhiễm mới xấp xỉ 3.000-4.000 mỗi ngày. Theo Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, điều này nghĩa là rủi ro vẫn còn. Trong mở cửa, nguyên tắc an toàn là trên hết. Những người tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thiết yếu, công ích... phải được tiêm vaccine đầy đủ.
"Đến cuối năm nay đầu năm sau, nếu ít nhất 80% dân số đủ 2 mũi vaccine, TP HCM có thể trở về bình thường mới một cách đầy đủ, còn giờ phải theo lộ trình. Cách tiếp cận bây giờ là quản trị rủi ro chứ không thể đòi hỏi hoàn toàn không còn F0 nữa", giáo sư Hoài nhận định.
TS Phạm Thị Thanh Xuân, Trường Đại học Kinh tế - Luật cũng đồng thuận rằng, ở giai đoạn bước ngoặt này, chính quyền cần tạo khuôn khổ hợp lý để các doanh nghiệp, người dân dựa vào đó tự tổ chức sản xuất kinh doanh và đời sống hợp lý, hạn chế nguy cơ lây nhiễm là ưu tiên. "Trao quyền tự đảm bảo an toàn trong bối cảnh sống chung với Covid-19, đồng thời gắn với nghĩa vụ và trách nhiệm phải chịu khi bản thân là nguồn lây nhiễm cho cộng đồng", bà Xuân nói.
Thứ hai là hiện trạng của doanh nghiệp. Theo khảo sát của Cục Thống kê TP HCM, mức độ lạc quan là rất thận trọng. Có 48,9% doanh nghiệp đánh giá tình hình quý IV sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý III (26,6% tốt hơn, 22,3% giữ ổn định). Trong khi, tỷ lệ dự báo khó khăn hơn là 51,1%.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Rynan Technologies, cho rằng nguyên liệu đầu vào có thể vẫn là bài toán gian nan. "Nhiều linh kiện điện tử mấy chục tuần mới giao", ông nói. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng khiến ông đánh giá tạo nhiều rủi ro cho sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op nhận định, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất khó khăn, nhiều đơn vị thoi thóp chờ chết. Để vượt qua được cần phải "body scan" bản thân thật nhanh. Lúc này, họ cũng cần chọn lọc các yếu tố nào để chú trọng, duy trì.
Lao động cũng là vấn đề lớn. Số liệu của Sở Y tế TP HCM cho biết, tính đến 3/10, có 60,6% người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng tỷ lệ lao động có đủ 2 mũi sẽ thấp hơn vì giai đoạn đầu thành phố đã ưu tiên tiêm cho người lớn tuổi. Cùng với đó, tại các cửa ngõ đi về miền Tây và miền Đông những ngày đầu tháng 10, lao động vẫn kéo nhau rời khỏi Thành phố trong khi 53% số doanh nghiệp được hỏi dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên trong quý IV.
Thực tế, ngoài dòng người tiếp tục rời đi vẫn có lực lượng lao động muốn trở lại TP HCM làm việc nhưng đang mắc kẹt ở các địa phương khác. Điều cản trở họ là hầu hết chưa được tiếp cận vaccine. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, sắp tới Thành phố nên có chính sách ưu tiên vaccine cho lao động đã làm việc tại TP HCM trước đây để họ có thể quay lại. Đó cũng là bước hỗ trợ cho doanh nghiêp trở lại khôi phục công suất.
Liệu GRDP của TP HCM có thể khởi sắc vào quý IV, thời điểm thường là cao điểm sản xuất kinh doanh cho mùa mua sắm cuối năm, đón Tết Dương lịch và Nguyên Đán hay không? Câu trả lời là có thể. Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài nói rằng, giả sử công suất phục hồi được 70%, GRDP phục hồi là điều có thể hy vọng.
Trong quý này, những ngành như logistics, thiết yếu lương thực thực phẩm, sản xuất trong các khu công nghiệp cùng những ngành rủi ro lây nhiễm thấp dự báo sẽ phục hồi nhanh. Tuy nhiên, cần điều kiện nỗ lực của tự doanh nghiệp cùng với chính quyền trong việc tạo ra thông thoáng di chuyển nội bộ thành phố, kết nối với các nguồn lao động ở Đông Nam Bộ hay Đồng bằng sông Cửu Long.
Tương lai vực dậy kinh tế cho TP HCM nằm trong tay cả 3 phía, chính quyền, doanh nghiệp và người lao động. Theo các chuyên gia, cần xác định nguyên tắc ngân sách không thể cứu trợ toàn diện cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi. Doanh nghiệp nên coi những hỗ trợ từ TP HCM và chính phủ là mang tính bổ trợ, còn việc phục hồi quan trọng nhất là ở bản thân doanh nghiệp có nỗ lực hay không.
Theo Giáo sư Hoài, những hỗ trợ thiết thực mà chính quyền có thể làm được là hỗ trợ đi lại và phân bổ vaccine. Nếu lao động muốn trở về TP HCM làm việc sẽ được tạo điều kiện đi lại thông thoáng hơn; hay doanh nghiệp cần nâng công suất, đáp ứng điều kiện hoạt động thì sẵn sàng cung cấp vaccine. Đó là điều chính quyền làm được.
TS Phạm Thị Thanh Xuân cũng nhận định, trụ lực kinh tế của thành phố là khu vực FDI liên kết chuỗi từ nhập khẩu đến sản xuất và xuất khẩu. Đây là khu vực sử dụng nhiều lao động nhất, trả lương cho công nhân cũng cao hơn mặt bằng chung và cũng là khu vực có sức sinh tồn bền bỉ, vẫn duy trì phần lớn hoạt động trong suốt 3 tháng qua, dù chịu tổn thương lớn.
"Tương lai là có rủi ro nhưng chúng ta nên hết sức lạc quan", Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài bình luận. TP HCM có thể bị một số người xem là nơi "thảm họa" về Covid-19, chưa bao giờ phải giãn cách kéo dài, tổn thương sức khỏe, mất mát nhân mạng nhiều như những tháng qua, nhưng giờ có thể lạc quan vì tỷ lệ phủ vaccine cao nhất cả nước.
Xem thêm: lmth.6927634-mch-pt-et-hnik-iov-neuq-ohk-gnaht-nob/ten.sserpxenv