Ngày 6-10, Bộ Y tế đã phát đi công văn hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ một số tỉnh, thành có dịch như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... Đáng chú ý là quy định: người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc là F0 đã khỏi bệnh có thể tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm ngày đầu.
Thực tế trước đó (21-8), Bộ Y tế cũng đã có Quyết định số 4038 về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà”. Theo đó, người dù đang nhiễm bệnh vẫn có thể được cách ly, điều trị tại nhà nếu đảm bảo các tiêu chí như: Không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; không có dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy; đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc 1 mũi sau 14 ngày hoặc nếu chưa tiêm thì phải là người dưới 50 tuổi và không có bệnh nền theo quy định…
Cần nhớ rằng các hướng dẫn của Bộ Y tế đưa ra vào giữa tháng 8 là kết quả của việc đúc kết từ kinh nghiệm và các bằng chứng khoa học về dịch tễ, điều trị, vaccine… sau khi Việt Nam đã đối mặt với các đợt bùng dịch tại nhiều tỉnh, thành phố từ Bắc chí Nam. Những hướng dẫn này được xây dựng phù hợp với việc Chính phủ và các địa phương thống nhất chuyển từ tư duy “zero covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. Những hướng dẫn này cũng đã lấy ý kiến từ các địa phương nhằm đảm bảo tính đặc thù, điều kiện khác nhau của từng nơi trong thực hiện chính sách.
Tuy nhiên, trong bối cảnh người dân từ TP.HCM và một số tỉnh lân cận về quê sau nhiều tháng giãn cách, vẫn có nơi chưa thực hiện chính sách cách ly phù hợp với hướng dẫn chung của Bộ Y tế. Có nơi vẫn yêu cầu cách ly tập trung 14 ngày với người đã tiêm vaccine, F0 đã khỏi bệnh hay F0 đảm bảo các tiêu chí có thể cách ly tại nhà theo quy định. Điều này đã (và sẽ) có thể dẫn tới nhiều hệ lụy đối với chính sách chống dịch. Nơi lại yêu cầu cách ly tại nhà 14 ngày.
Trước hết, nguồn lực vaccine hiện nay rất khan hiếm và mục đích tiêm là bảo vệ tính mạng của người dân và tạo cho họ không gian sinh hoạt, làm việc thông thoáng hơn. Thứ hai, người được tiêm đều là nhóm ưu tiên. Ngoại trừ phần thiểu số người trên 50 tuổi, thì nhóm từ 18 tuổi trở lên đều là lực lượng lao động chủ đạo (trong đó có cả các nhóm chuyên gia). Quan trọng không kém, vaccine cho đến nay đều là ngân sách nhà nước hoặc tiền của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp.
Vì vậy, việc cách ly tập trung người đã tiêm đủ vaccine (hoặc 1 mũi vaccine đủ 14 ngày) sẽ vô hiệu hóa toàn bộ những mục tiêu mà Nhà nước đã đặt ra; làm tốn kém tiền bạc, nguồn lực đã chi cho hoạt động xét nghiệm và tiêm chủng; gây lãng phí nguồn lực mà các địa phương phải đầu tư vào các khu cách ly tập trung.
Chưa kể, với đặc tính lây lan mạnh của chủng Delta, việc tập trung đông người ở các khu cách ly (để chờ xét nghiệm, nhận phòng; sinh hoạt chung, dùng chung toilet, tiếp xúc nhiều ngày…) sẽ làm tăng rủi ro lây nhiễm chéo. Với tình hình người dân ồ ạt về quê, nếu không phân luồng mà dồn hết vào cách ly tập trung sẽ gây ùn ứ, quá tải cục bộ hoặc diện rộng. Đây là vấn đề mà rất nhiều chuyên gia dịch tễ đã cảnh báo, Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo các địa phương phải nghiêm túc quán triệt trong quản lý.
Người dân từ TP.HCM ồ ạt về các tỉnh miền Tây hôm 30-9. Ảnh: NGUYỆT NHI
Bên cạnh hệ lụy về chống dịch, tình trạng Trung ương hướng dẫn một đằng, địa phương lại làm một nẻo sẽ đặt ra “bài toán” về cơ chế quản lý thực thi chính sách. Cần phải nhắc lại: Chính phủ và các địa phương, ít nhất là từ 25-9, đã thống nhất tư duy sống chung an toàn với SARS-CoV-2, vừa bảo vệ sinh mạng người dân, vừa phục hồi kinh tế. Tiêu chí cách ly người về từ vùng dịch cũng được xây dựng theo tư duy ấy. Khi đó, địa phương có thể linh hoạt về giải pháp huy động nguồn lực, mô hình thực hiện chính sách,… nhưng phải đảm bảo thống nhất các tiêu chí, các chỉ số đo lường hiệu quả phòng, chống dịch (KPIs) mà Bộ Y tế - cơ quan chuyên trách về vấn đề sức khỏe cộng đồng của Chính phủ – ban hành.
Tình trạng “phép vua thua lệ làng” không chỉ vô hiệu hóa vai trò của cơ quan chuyên trách y tế, mà còn đặt mệnh lệnh hành chính địa phương lên trên chính sách chung của trung ương đề ra. Sự thiếu thống nhất đó sẽ gây lúng túng, khó khăn và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân; vừa làm suy giảm niềm tin của người dân với hệ thống xây dựng và thực thi chính sách từ trung ương đến địa phương.
Việc xây dựng và thực thi chính sách, bao gồm cả chính sách cách ly người về từ vùng dịch, trước hết phải dựa vào “ánh sáng khoa học” vốn được quan sát và đúc kết từ yêu cầu thực tiễn; sau đó là sự thống nhất hai chiều giữa trung ương với địa phương. Vì vậy, Chính phủ cần sớm có cơ chế giám sát việc triển khai chính sách vào thực tế của từng địa phương để đảm bảo sự thống nhất trong thực thi và hiệu quả chống dịch chung, bởi chống dịch COVID-19 không thể bị “chia nhỏ” theo địa giới hành chính.