Bộ Tài chính cho biết sau hàng chục năm, Luật Kinh doanh bảo hiểm đang bộc lộ những bất cập. Do đó, các quy định được sửa đổi tới đây sẽ theo hướng doanh nghiệp bảo hiểm phải minh bạch thông tin với khách hàng.
Nhiều rắc rối khi giao kết bảo hiểm
Chia sẻ về một trải nghiệm nhớ đời của mình, chị A.T (Hà Nội) kể về một lần đồng ý nhận tư vấn về gói bảo hiểm nhân thọ có giá trị cao.
Tuy nhiên, khi yêu cầu thiết kế bảng hợp đồng đóng tầm 17-19 triệu đồng mỗi năm, chị T lại được bên bán đưa bảng lãi suất nếu đóng 25 triệu đồng.
Chưa dừng lại, khi đã tham gia, bắt đầu đóng tiền trên ứng dụng của công ty bảo hiểm đó, chị A.T bỗng giật mình phát hiện, giá trị tài khoản hợp đồng sai hoàn toàn với hợp đồng mình giữ. Tại ứng dụng, giá trị tài khoản hợp đồng chỉ có 714.000 đồng, trong khi số tiền chị A.T được nhân viên tư vấn ghi trong hợp đồng bị nâng lên tới 3 triệu đồng.
“Mọi người nên mua gói bảo hiểm chỉ tầm 10-15% thu nhập thôi và hãy chọn nhân viên trung thực. Cái gì cũng rõ ràng thì cũng thoải mái hơn. Lúc chưa mua bảo hiểm thì mình được họ gọi điện mời đi hội nghị, mời đi khám sức khỏe, gọi điện hỏi thăm tới tấp. Giờ khi hợp đồng bảo hiểm có vấn đề thì họ thẳng thừng trả lời đó là phí bảo hiểm dự tính và phí bảo hiểm cơ bản, bảng lãi suất đưa ra ban đầu cho mình chỉ coi tham khảo” - chị T bức xúc nói.
Cũng gặp rắc rối khi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ban đầu không rõ ràng, chị T.T (quận 3, TPHCM) mới đây cho hay khi đóng bảo hiểm 120 triệu đồng, tất toán hợp đồng chỉ nhận được hơn 36 triệu đồng. Giá trị phí bảo hiểm đóng theo năm gần 60,6 triệu đồng và tổng cộng sau 2 năm, số phí chị T.T đã đóng hơn 121 triệu đồng.
Theo chị T.T, hợp đồng này có giá trị trong 10 năm. Vì lý do riêng, chị muốn tất toán hợp đồng sớm nhưng khi liên hệ đơn vị bán bảo hiểm, nhân viên tư vấn đã thông báo số tiền chị sẽ nhận được sau 2 năm tham gia bảo hiểm chỉ có 36 triệu đồng, mất đến 84 triệu đồng so với số tiền đã đóng.
“Hiện tại, tôi chưa biết xoay xở như thế nào. Ngay từ lúc đầu, khi gặp nhân viên tư vấn mua bảo hiểm, tôi đã hỏi rõ là giá trị hoàn lại bao nhiêu nếu tôi kết thúc hợp đồng trước thời hạn.
Khi đó nhân viên này đã khuyên tôi yên tâm, việc hoàn lại sẽ được thực hiện sau khi khách hàng đã đóng đủ phí bảo hiểm 24 tháng đầu tiên. Đã thế, trong hợp đồng, cô nhân viên tư vấn còn tô đậm thông tin đó rồi đưa cho tôi và khẳng định, đây là điểm đặc biệt của chương trình" - chị T.T cho hay.
Nhiều vụ việc rắc rối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm đã cho thấy các quy định liên quan đến lĩnh vực này chưa thực sự chặt chẽ và cần phải được hoàn thiện.
Doanh nghiệp phải giải thích rõ
Mới đây nhất, theo Bộ Tài chính, các cơ quan của Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Nhiều quy định mới được đưa ra theo hướng bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm và khắc phục những bất cập hiện nay.
Theo Bộ Tài chính, sau 20 năm thực thi, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã tạo khuôn khổ pháp lý cơ bản cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt trong việc trở thành kênh huy động vốn quan trọng và dài hạn của nền kinh tế.
Tuy nhiên, hiện nay luật cũng bộc lộ những bất cập như không còn thống nhất, đồng bộ với các quy định tại các luật hiện hành.
“Vẫn còn tình trạng thông tin chưa được minh bạch, chưa có yêu cầu bắt buộc về quản trị rủi ro, các đại lý môi giới bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm dẫn đến việc thanh toán bảo hiểm gây khó khăn cho người dân” - phía Bộ Tài chính đánh giá.
Ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, để giảm thiểu thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm mà vẫn đảm bảo được quyền lợi của khách hàng, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã bổ sung nội dung “Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”.
Như vậy, theo ông Ngô Việt Trung, bằng chứng xác nhận có thể là một văn bản riêng, có thể là chữ ký của bên mua bảo hiểm tại Giấy yêu cầu bảo hiểm xác nhận về việc đã được giải thích về hợp đồng bảo hiểm, bao gồm cả điều khoản loại trừ bảo hiểm hoặc cũng có thể là bằng chứng khác để phù hợp cả trong trường hợp giao kết hợp đồng bảo hiểm điện tử.
Song song với đó, bên mua bảo hiểm cũng phải có nghĩa vụ kê khai đầy đủ, chính xác mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại Luật này để tránh xảy ra tranh chấp trong quá trình giao kết.
Hiện nay, theo thống kê đã có khoảng 11,9 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, tương đương hơn 10% dân số, 4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe ngắn hạn; 12 triệu học sinh được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tai nạn; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không; trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt; 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ.
Xem thêm: odl.966169-gnah-hcahk-iov-nit-gnoht-hcab-hnim-iahp-meih-oab-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal