Ngành Thuế sẽ đưa toàn bộ các giao dịch của doanh nghiệp thực hiện bằng phương thức điện tử về tập trung ở cơ quan Thuế, phục vụ cho công tác quản lý và quá trình chuyển đổi số của ngành Thuế, ngành Tài chính cũng như của Chính phủ. Việc này giảm chi phí in hóa đơn và chi phí bưu điện gửi, bảo quản, lưu trữ hoá đơn… so với sử dụng hoá đơn giấy, từ đó, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Lợi ích cho doanh nghiệp
Không chỉ rườm rà trong khâu đăng ký mẫu hóa đơn, việc quản lý, tạo lập và xuất hóa đơn giấy đến tay đối tác cũng tốn nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp (DN). Không những vậy, hóa đơn giấy còn có nguy cơ bị làm giả cao gây nên những bất cập trong quá trình sử dụng. Trong khi đó, hóa đơn điện tử có thể khắc phục được hầu hết những nhược điểm kể trên và vô cùng tiết kiệm.
Sau thời gian được đưa vào sử dụng, hóa đơn điện tử đã và đang khẳng định được sự vượt trội của mình so với hóa đơn giấy.
Chính thức chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử thay thế hoàn toàn hóa đơn giấy từ đầu năm 2020, Công ty TNHH Kaiwa Hà Nội (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã tiết kiệm được nhiều chi phí để đặt in hóa đơn và lưu trữ hóa đơn, chứng từ.
Chia sẻ với Lao Động, ông Châu Ngọc Hải - đại diện công ty - cho biết, từ khi sử dụng hóa đơn điện tử, công ty có thể gửi trực tiếp cho khách hàng thông qua email, tin nhắn điện tử cho khách hàng. Do vậy, tiết kiệm được đáng kể chi phí chuyển phát, đồng thời khách hàng cũng sẽ nhanh chóng nhận được hóa đơn mà không cần mất thời gian chờ đợi.
Theo ông Hải, hóa đơn điện tử cũng giảm được các rủi ro do mất mát hóa đơn trong khâu vận chuyển, giao nhận, hạn chế các vụ việc tranh chấp, kiện tụng xảy ra do lỗi thất lạc hoặc giao chậm trễ hóa đơn, tăng tính an toàn, bảo mật, tiện lợi cho DN trong kiểm tra truy xuất nguồn gốc hóa đơn, thông tin về đối tác bán hàng.
Mới đây, Tổng cục Thuế tổ chức tập huấn trực tuyến Thông tư 78 và quy trình áp dụng hóa đơn điện tử với 6 địa phương từ đầu tháng 11.2021...
Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Tổng cục Thuế) - cho biết, Luật Quản lý thuế số 38 đã được Quốc hội thông qua năm 2019, có hiệu lực thi hành từ 1.7.2020. Toàn ngành Thuế và doanh nghiệp có "bước đệm" 2 năm để chuẩn bị kỹ càng trước khi bắt buộc áp dụng hoá đơn điện tử từ 1.7.2022.
"Mục tiêu đến tháng 11.2021 sẽ triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định. Khi đó các đơn vị cung cấp giải pháp sẽ có thể cung cấp các dịch vụ cho người nộp thuế để có thể sử dụng hóa đơn điện tử" - ông Huy nói.
Bước chuyển đổi số quan trọng của ngành thuế
Ông Cao Anh Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) cho biết, theo Thông tư 78, hóa đơn điện tử cũng được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh kể từ ngày 1.7.2022.
Theo đó, thông tư khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử theo hướng dẫn tại thông tư này và của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP trước ngày 1.7.2022.
Riêng trường hợp không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.
Trong khi đó, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, với việc “phủ sóng” rộng rãi như vậy là quy trình chưa từng có tiền lệ của ngành Thuế, do thời gian qua việc triển khai hóa đơn điện tử theo Thông tư 32/2011/TT-BTC mới chỉ dừng ở việc tạo điều kiện và khuyến khích các DN áp dụng, qua đó phục vụ cho chuyển đổi số của chính DN. Còn nay, theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC, việc sử dụng hóa đơn sẽ chuyển sang một bước mới là áp dụng hóa đơn điện tử có sự xác thực, cũng như quản lý của cơ quan thuế. Nói cách khác, chúng ta sẽ có mô hình quản lý hóa đơn điện tử tập trung theo quy định.
Theo quy định của Thông tư 78/2021/TT-BTC, ngành Thuế sẽ chịu trách nhiệm đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hệ thống hóa đơn điện tử để sẵn sàng tiếp nhận đề nghị và kết nối với tất cả các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử. Toàn bộ các giao dịch của các DN trong nền kinh tế sẽ được cơ quan thuế quản lý. Đây là nội dung mới không chỉ với ngành Thuế, mà còn của các nước trên thế giới.
TS Nguyễn Ngọc Tú - Giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - cho rằng, việc triển khai phủ rộng hóa đơn điện tử là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề cơ sở hạ tầng là quan trọng. Phải duy trì, đảm bảo và đặc biệt là có sự kết nối giữa các cơ quan, đơn vị thì lúc đó mới phát huy được hiệu quả.
“Tránh trường hợp đường truyền hay hệ thống liên kết bị lỗi thì các chủ thể có thể gặp phải vấn đề chậm trễ trong xuất hóa đơn, mất thời gian, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh” - ông Tú nói thêm.
Xem thêm: odl.366169-ut-neid-nod-aoh-gnos-uhp/et-hnik/nv.gnodoal