Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, nhiều chuyên gia đã phân tích những điểm mới trong quyền tác giả, bảo hộ âm nhạc, âm thanh và trách nhiệm của bên trung gian.
Còn thiếu quy định quan trọng
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã khẳng định được tầm quan trọng trong hệ thống pháp luật dân sự của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào quan hệ quốc tế như hiện nay. Tuy nhiên, sau 15 năm được ban hành, luật hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi cần được sửa đổi, bổ sung ở quy mô lớn, PGS.TS Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM (HCMULAW) - nhận định.
Thảo luận tại hội thảo, TS Trần Lê Hồng (HCMULAW) nhấn mạnh tới việc tập trung giải quyết các vấn đề về quyền tác giả trong bối cảnh Việt Nam định hướng phát triển ngành công nghiệp bản quyền nhằm đóng góp 7% vào GDP tính đến năm 2030. Nhiệm vụ tiên quyết là hoàn thiện từng chính sách đặc thù về đối tượng quyền tác giả.
Trong bài phát biểu của mình, PGS.TS Vũ Thị Hải Yến - Trường Đại học Luật Hà Nội - cho biết, một trong những bất cập của vấn đề này là chỉ quy định khái niệm tác giả và đồng tác giả trong văn bản dưới luật, mà lại thiếu vắng các quy định liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
Về định nghĩa đồng tác giả, pháp luật Việt Nam chỉ đưa ra một tiêu chí duy nhất để xác định đồng tác giả là “cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm”, do vậy, bà Yến cho rằng, quy định hiện hành chưa phân định giữa đồng tác giả với tập thể tác giả, cũng như chưa quy định quyền tác giả đối với tác phẩm đồng tác giả được thực hiện như thế nào.
Liên quan đến quyền đối với giống cây trồng, TS Nguyễn Hồ Bích Hằng (HCMULAW) chỉ ra vấn đề mở rộng phạm vi điều chỉnh tại khoản 3 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, trong đó quy định mở rộng đối tượng quyền đối với giống cây trồng tại Dự thảo 2.0 Luật Sở hữu trí tuệ đã bị bỏ hoàn toàn trong Dự thảo 5.0.
Theo quan điểm của TS Hằng, việc loại bỏ hoàn toàn quy định điều chỉnh về đối tượng quyền đối với giống cây trồng trong Dự thảo 5.0 là một sự thiếu sót đáng tiếc khi xét đến tầm quan trọng của giống cây trồng mang lại cho nền kinh tế của Việt Nam.
Cần thêm bảo hộ nhãn hàng nổi tiếng
Đối với vấn đề bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, PGS.TS Lê Thị Nam Giang (HCMULAW) cho hay, hiện nay, chưa có bất kỳ một nhãn hiệu nào được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.
Điều này xuất phát từ các bất cập trong quá trình soạn thảo, ban hành pháp Luật Sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như sự thiếu vắng nhiều quy định về trình tự, thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ chưa phù hợp để áp dụng, về thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng chưa rõ ràng…
Bên cạnh đó, kể từ khi Hiệp định CPTPP được phê chuẩn và có hiệu lực ở Việt Nam, nghĩa vụ bảo hộ nhãn hiệu âm thanh được xác định là một trong những vấn đề mới cần nghiên cứu và sửa đổi các quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ.
Giới thiệu kinh nghiệm lập pháp về nhãn hiệu âm thanh tại một số quốc gia phát triển, TS Nguyễn Thị Hoàng Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ - đưa ra một số dấu hiệu âm thanh được sử dụng, bảo hộ nhãn hiệu như âm nhạc và âm thanh khác không phải là âm nhạc.
Trong đó, một số dấu âm thanh cụ thể (quốc ca, các âm thanh mang tính kích động, bạo lực...) sẽ bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ.
Trách nhiệm của bên trung gian
Khi bàn về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, ThS. Nguyễn Phương Thảo (HCMULAW) đánh giá cao sự quan tâm của các nhà làm luật khi lần đầu tiên quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông trong Luật Sở hữu trí tuệ.
Sau khi phân tích các trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong pháp luật hiện hành cũng như trong Dự thảo 5.0, ThS Thảo nhấn mạnh rằng, phạm vi trách nhiệm và miễn trừ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đối với việc truyền tải tác phẩm để môi trường bảo hộ quyền tác giả của Việt Nam ngày càng lành mạnh hơn, hạn chế hành vi xâm phạm là một vấn đề cần quan tâm sâu sát hơn nữa trong quá trình sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ.