Những ngày gần đây, lùm xùm liên quan đến việc thuê mặt bằng của Thế giới Di động (MWG) gây chú ý và nhiều tranh cãi từ dư luận. Xét ở góc độ doanh nghiệp, sự cố này như hồi chuông cảnh giác về việc quản trị kinh doanh, đặc biệt ở khía cạnh truyền thông, quan hệ công chúng.
"Bản chất của công văn ngắn gọn, đơn giản và thoạt nhìn có vẻ hơi nặng nề"
Nhận định về quản trị từ trường hợp trên, ông Nguyễn Thế Trung – CEO CTCP Tư vấn và Giáo dục John&Partners, chuyên gia CEC cho biết trước hết cần bóc tách bản chất một công văn. "Công văn thực tế là một thông điệp", vị này nói.
Trong đó, thông thường khi hai bên muốn thương lượng thì ban đầu có thể nhắn tin nói chuyện qua lại cởi mở với nhau. Trong trường hợp không đạt được thoả thuận thì các bên có thể tiến đến gửi email, hoặc gửi thêm thư. Dù vậy, những tình huống cần thiết phải gửi thư, để đảm bảo tính pháp lý (vì thư có thể giả mạo) thì doanh nghiệp thường phát triển giao tiếp thành một công văn, có hiệu lực hẳn hoi.
Và như vậy, công văn dù cũng là truyền đi thông điệp ban đầu nhưng sẽ rất ngắn gọn, và ghi nhận là ‘vui lòng trả lời về mức giá và nếu không đồng ý thì giải quyết hợp đồng’… "Do đó, bản chất của công văn ngắn gọn, đơn giản và thoạt nhìn có vẻ hơi nặng nề", ông Trung nhấn mạnh.
Còn liên quan đến tính vi phạm pháp luật như dư luận tranh cãi thì chưa hẳn đã vi phạm, vì đây là câu chuyện thương lượng giữa hai bên và chưa có thống nhất hành động cuối cùng. Chưa kể, nếu muốn nói là vi phạm pháp luật thì buộc các bên phải mang hết hợp đồng, phụ lục ra đối chiếu, tham luận...
Dưới góc nhìn người kinh doanh, năm 2021 sự vụ tương tự diễn ra khắp mọi nơi. Riêng tại MWG, có thể đây thương hiệu lớn dẫn đến sự quan tâm của dư luận và làm câu chuyện trở nên nghiêm trọng.
Mặt khác, mức độ sự vụ cũng liên quan đến yếu tố thời điểm, giữa bối cảnh Covid-19 nhạy cảm tính chất trở nên khác. "Nhưng theo tôi, việc hai bên người bán người mua trao đổi trả giá qua lại với nhau thực tế là chuyện hết sức bình thường, diễn ra thường xuyên cả trước và trong dịch", ông Trung nói.
Thực tế mối quan hệ giữa bên cho thuê và bên thuê là lose-win, không nên để luật sư vào để xử lý theo hướng win-win
TS Ngô Công Trường – sáng lập CTCP Tư vấn và Giáo dục John&Partners.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Ngô Công Trường – sáng lập CTCP Tư vấn và Giáo dục John&Partners – cho rằng việc trả giá mặt bằng qua lại là chuyện như cơm bữa trong kinh doanh. Bản thân từng trải trên cả vai trò đi thuê và cho thuê, giữa cá nhân - cá nhân hay cả trên danh nghĩa doanh nghiệp - cá nhân, ông Trường cho biết thường xuyên thương lượng về tiền thuê. Cũng theo vị này, có thể vì MWG là thương hiệu lớn nên sự vụ trở nên rầm rộ, căng thẳng.
Chia sẻ về kinh nghiệm của chính mình, sáng lập John&Partners cho rằng bản thân thường cảm thấy rất nhẹ nhàng.
Đơn cử câu chuyện mới đây, trên danh nghĩa là doanh nghiệp đi thuê nhà, bác chủ mặt bằng cũng trao đổi với ông Trường nếu khó khăn thì không trả tiền tháng này cũng được, nhưng bản thân ông nhấn mạnh cảm thấy rất kỳ, và không thoả mái. Do đó, ông Trường đã qua tận nhà để gửi quà cảm ơn, cụ thể là mua hộp yến vì cô chủ nhà đang ốm. "Bất ngờ phía người cho thuê tặng lại tiền thuê", ông Trường chia sẻ. Thậm chí, khi công ty gần như làm online suốt 5 tháng và không có người đi làm thì bác chủ nhà có thương lượng sẵn sàng nhận lại mặt bằng và trả lại cả trăm triệu cho doanh nghiệp của ông Trường.
"Mình thấy mọi thứ bình thường, nhẹ nhàng. Ngược lại, bản thân mình cũng sẵn sàng giảm, thậm chí miễn tiền thuê cho người đang thuê mặt bằng của mình. Và khi bản thân mình dù chia sẻ tiền với người đi thuê, nhưng cũng nhận lại nhiều giá trị, đặc biệt là 5 tấn rau củ sạch đối tác tặng trong mùa dịch và sau đó mình có chia sẻ lại cho cộng đồng", vị này kể lại.
Tựu chung, theo ông Trường quan trọng nhất vẫn là kỹ năng đàm phán thương lượng, và với kinh nghiệm bản thân ông hướng theo cách dĩ hoà vi quý. Bởi, đây là mối quan hệ hai bên, và việc để luật sư vào thực sự không cần thiết, vì lúc này mối quan hệ phải win-win. Nhưng, với bối cảnh chủ nhà cho thuê và bên đi thuê thực tế không có mối quan hệ win-win, thường là lose-win. Trong đó, bên lose ngắn hạn chịu thiệt thời, tuy nhiên sau này cũng sẽ nhận được cái win rất lớn.
Trao đổi thêm về cách thức xử lý, ông Trường bày tỏ: "Ý tại ngôn ngoại, có khi mình không muốn vậy nhưng buột miệng nói ra. Chưa kể cách thức văn viết cực kỳ quan trọng, và trong truyền thông khó khăn nhất vẫn là về việc trao đổi bằng văn bản và email. Thực tế, mỗi người đọc văn bản bản thân cũng suy diễn rất nhiều, không thể nắm bắt được ý đối phương".
Do đó, ông Trường cho rằng việc trao đổi nên gọi điện thoại trực tiếp, và nếu được khuyến khích nhất vẫn là ‘face to face’. Khi làm việc với bên cho thuê thì ông Trường cho biết thường tìm cách để chạy qua gặp, có nhiều người cho thuê nói "Chú đợi con để được găp con thôi đó. Gặp rồi mới thấy sự chân tình".
"Core value" là mấu chốt dẫn đến căng thẳng: Thực tế có những tình huống chủ doanh nghiệp không được đưa ra quyết định mà phải tuân thủ các nguyên tắc định sẵn
Cuối cùng, liên quan đến "core value" – giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Chuyên gia khẳng định, trong lùm xùm vừa qua có thể nói là "core value" mới chính là điều khiến trường hợp tại MWG trở nên nóng. Vì doanh nghiệp có "core value" rõ ràng và quan điểm hướng đến điều đúng đắn nên mới dẫn đến sự căng thẳng như vậy, ông Trường nói.
Thực tế, một doanh nghiệp có nhiều lúc rơi vào tình huống khó khăn thường không thể và cũng không cần thiết tự đưa ra câu trả lời, lúc bấy giờ doanh nghiệp chỉ cần tuân theo quy tắc "core value" để xử lý. Những trường hợp này, thậm chí cả ông chủ doanh nghiệp cũng không thể vi phạm quy tắc, nên nhiều người không ở trong cuộc nhìn vào thì sẽ có những nhận định không sâu, đại diện John&Partners nhấn mạnh.
Nhìn chung, với một công ty quá to và có nhiều công ty nhỏ, thì việc sẽ đàm phán thường phải thông qua người đại diện. Do đó, tại doanh nghiệp lớn chuyên gia khuyến khích nên chú ý trang bị kỹ năng đàm phán cho cả cấp nhân viên thấp nhất. Bởi, "nhất cự li nhì tốc độ.
Riêng về quan hệ thuê nhà, ông Trung cũng đồng tình khi đàm phán ai cũng muốn win-win nhưng thực tế rất khó, thường là phải lose-win. Nói rộng hơn, dù có là lose-win cũng được quyết định bởi quá trình mối quan hệ trước đó, nếu quá khứ hai bên quan hệ tốt với nhau thì quan hệ lose-win diễn ra sẽ dễ dàng hơn.
Tri Túc
Doanh nghiệp và Tiếp thị