Tại phiên họp thứ tư khai mạc hôm nay (11-10), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bằng văn bản về kết quả hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong hai năm 2019-2020.
Thuốc lá thế hệ mới đang khiến cơ quan chức năng và giới chuyên gia lo ngại về các tác hại của nó. Ảnh: PLO
Được thành lập từ năm 2013 đến nay, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá là nguồn kinh phí hỗ trợ chính để tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên toàn quốc.
Nguồn hình thành của Quỹ chủ yếu từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá, lãi tiền gửi và một số ít là nguồn tài trợ từ các dự án viện trợ của nước ngoài.
Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2019 - 2020, số thu của Quỹ là hơn 795 tỉ đồng, tỉ lệ thu khoản đóng góp bắt buộc đạt 107% so với kế hoạch.
Trong khi đó, tỉ lệ giải ngân năm 2019 là 42% và năm 2020 là 53% so với kế hoạch. Một trong những nguyên nhân dẫn đến giải ngân thấp được lý giải do tình hình dịch bệnh COVID-19 xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoạt động và tình hình giải ngân của Quỹ.
Cũng theo báo cáo của Chinh phủ, số dư nguồn của Quỹ đến ngày 31-12-2020 là hơn 1.120 tỉ đồng, hiện đang nằm tại tài khoản giao dịch của Quỹ mở tại ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Tây Hồ. Lãi tự động phát sinh tại tài khoản giao dịch này là 0,5%/năm; kể từ ngày 13-5-2020, mức lãi suất là 0,2%/năm.
Theo cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, số kết dư lớn như vậy do tỉ lệ chi so với kế hoạch năm từ năm 2014 đến năm 2020 đều ở mức thấp. Cao nhất là các năm 2016 và 2015 cũng chỉ đạt tỉ lệ 64% và 63%, các năm còn lại tỉ lệ chi đạt từ 42% đến 53%.
Cơ quan thẩm tra nhận định nguồn thu của Quỹ lớn nhưng việc chi đạt kết quả thấp trên cả ba mặt khi so với kế hoạch, so với số thu và so với phân bổ theo nhiệm vụ.
Tỷ lệ chi cho nhiệm vụ truyền thông hằng năm ở mức cao trong khi 2/3 mục tiêu về tỉ lệ nam giới và nữ giới hút thuốc lá đều không đạt mục tiêu trong Chiến lược Phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020. Điều này cho thấy chi cho công tác truyền thông chưa hợp lý, chưa đạt hiệu quả.
Dẫn chứng, cơ quan thẩm tra cho hay đến 2020, tỉ lệ sử dụng thuốc lá của nam giới là 42,3%, nữ giới là 1,7% trong khi mục tiêu đến năm 2020 cần đạt với các đối tượng trên lần lượt là 39% và dưới 1,4%.
Theo Báo cáo của Chính phủ, ước tính số nam giới trưởng thành hiện đang hút thuốc lá là khoảng 15,2 triệu người; đến năm 2020, ước tính là 14,8 triệu người. Như vậy, có 600.000 nam giới đã bỏ thuốc lá trong năm 2020. Tuy nhiên, số nữ giới hút thuốc mới ước tính là 200.000 người trong năm 2020.
Chính phủ cũng cho biết tỉ lệ thuốc lá điện tử tăng vào năm 2020 cũng là một yếu tố tác động ảnh hưởng đến tỉ lệ sử dụng hút thuốc chung và ở nam giới giảm ít, tỉ lệ nữ giới hút thuốc lá tăng. Tỉ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%), trong đó nam giới tăng 14 lần, nữ giới tăng 10 lần.
Cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá Nhắc lại kiến nghị từ 2019, Uỷ ban Xã hội nêu rõ quan điểm cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Theo cơ quan này, tăng thuế thuốc lá là giải pháp quan trọng hàng đầu để giúp các quốc gia giảm được tỉ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là trong thanh thiếu niên. Uỷ ban này thông tin Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để có phương án đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá vào thời điểm thích hợp. Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng cơ bản thống nhất quan điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá nhưng đề nghị thời điểm tăng, phương pháp tăng cần hợp lý, tính toán thận trọng, phù hợp do hiện nay doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. |