vĐồng tin tức tài chính 365

Hoạt động từ thiện dưới góc nhìn pháp luật và giải pháp minh bạch việc làm từ thiện của cá nhân

2021-10-12 09:01

Tuy nhiên, việc sao kê chỉ giải quyết được một phần của vấn đề minh bạch trong từ thiện. Phía sau những văn bản chi chít những con số biến động số dư được công bố ấy, số tiền được sử dụng thế nào, chi cho ai, chi bao nhiêu tưởng như rõ ràng, công khai lại ẩn chứa nhiều điều cần làm rõ.

Để tránh những sự việc đáng tiếc như thời gian vừa qua, Người Đưa Tin xin giới thiệu bài viết của Thạc sĩ-Luật sư Nguyễn Quang Anh, Giám đốc Công ty Luật Sao Việt (đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích vấn đề này dưới góc độ pháp lý.

Từ những lùm xùm trong hoạt động từ thiện của nghệ sĩ...

Tháng 6/2021, sau sự việc nghệ sĩ H.L chậm giải ngân 14 tỷ đồng tiền quyên góp từ thiện cho đồng bào miền Trung gặp lũ lụt từ nửa năm trước đã làm dấy lên câu hỏi về tính minh bạch trong hoạt động từ thiện của những nghệ sĩ nổi tiếng. Nối tiếp H.L, một loạt cái tên khác đã được cộng đồng mạng nhắc tới như MC T.T, ca sĩ T.T..., yêu cầu những cá nhân này phải minh bạch trong công tác từ thiện bằng cách sao kê, giải trình về số tiền đã kêu gọi ủng hộ được.

Tuy nhiên, đối diện với câu hỏi của cộng đồng mạng, có người ban đầu như thể lờ đi với lý lẽ “không có trách nhiệm phải sao kê với ai”, có người chần chừ, chậm trễ thực hiện. Phải đến ngày 7/9/2021, MC T.T mới công bố 1.000 trang tài liệu sao kê tiền từ thiện. Trước sức ép của dư luận ngày 17/9/2021, vợ chồng ca sĩ T.T-C.V cũng phải đến ngân hàng để trích xuất hơn 18.000 trang sao kê số tiền từ thiện. Sau khi các nghệ sĩ công bố hoạt động sao kê, dư luận liên tiếp chỉ ra nhiều điểm bất cập đồng thời, yêu cầu các nghệ sĩ công khai số tiền nhận được và chứng minh việc điều phối hay giải ngân các khoản chi đối với những số tiền đó như thế nào.

Pháp luật - Hoạt động từ thiện dưới góc nhìn pháp luật và giải pháp minh bạch việc làm từ thiện của cá nhân

Cơ quan điều tra đang xác minh làm rõ việc giải ngân số tiền ca sĩ Thủy Tiên đã kêu gọi từ thiện.

Việc thiếu công khai, minh bạch trong hoạt động thiện nguyện của những người nổi tiếng đến từ nhiều lý do khác nhau. Đó có thể đến từ sự thiếu chuyên nghiệp  việc kêu gọi, huy động, sử dụng các nguồn lực được quyên góp; do sự chủ quan, thiếu giám sát, phối hợp từ chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội; do  thiếu cơ chế quản lý hoạt động tình nguyện tự phát…

Bất kể nguyên nhân là gì, việc thiếu minh bạch, rõ ràng trong các hoạt động thiện nguyện không chỉ làm xói mòn lòng tin của một bộ phận công chúng vào những giá trị chân, thiện, mỹ, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chính bản thân những người đã cố gắng bỏ ra sức lực và thời gian kêu gọi đóng góp từ cộng đồng.

Cá biệt, đã có cá nhân gửi đơn tố giác tội phạm lên cơ quan công an khi nghi ngờ có những khuất tất trong việc giải ngân tiền từ thiện mà ca sĩ T.T kêu gọi cứu trợ người dân miền Trung năm 2020. Hiện sự việc đang được cơ quan công an thu thập chứng cứ, xác minh, điều tra và làm rõ.      

…Đến vấn đề từ thiện của nghệ sĩ dưới góc nhìn pháp luật

Hiện nay, đối với vấn đề vận động, đóng góp cũng như phân phối, sử dụng các khoản tiền từ thiện, các nguồn đóng góp tự nguyện khác để hỗ trợ, cứu giúp nhân dân các vùng khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn…, Nghị định 64/2008/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Thông tư 72/2008/TT–BTC chỉ điều chỉnh đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; các Quỹ xã hội; quỹ từ thiện thành lập theo quy định của pháp luật và của các cơ quan thông tin đại chúng (báo, đài), các tổ chức đơn vị khác mà pháp luật quy định theo Điều 5 Nghị định 64. Những cơ quan, tổ chức nêu trên được kêu gọi, tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ, và phải tuân thủ các nguyên tắc tự nguyện, đúng mục đích, tuân thủ nghiêm ngặt thời gian kêu gọi, vận động, đóng góp, phân phối tiền, hàng cứu trợ. Nghiêm cấm các hành vi cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo; lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi; báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp.

Pháp luật - Hoạt động từ thiện dưới góc nhìn pháp luật và giải pháp minh bạch việc làm từ thiện của cá nhân (Hình 2).

Thạc sĩ-Luật sư Nguyễn Quang Anh.

Như vậy, việc đứng ra kêu gọi tiền cứu trợ với tư cách cá nhân không thuộc sự điều chỉnh của Nghị định 64. Xuất phát từ nguyên tắc công dân được làm những gì pháp luật không cấm, có thể hiểu, việc các nghệ sĩ đứng ra kêu gọi tiền, vật chất từ thiện để ủng hộ người dân bị thiên tai, dịch bệnh là không vi phạm pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, bản chất của việc kêu gọi từ thiện của cá nhân có thể được nhìn nhận là một giao dịch dân sự (hợp đồng ủy quyền) theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015. Trên thực tế, giữa hai bên đại diện - ủy quyền không có hợp đồng bằng văn bản quy định các điều khoản về quyền hạn, nghĩa vụ cụ thể nhưng thỏa thuận về việc thực hiện nghĩa vụ vẫn được xác nhận, dựa trên uy tín của cá nhân người nhận quyên góp và sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên.

Theo đó, cá nhân đứng ra kêu gọi từ thiện có nghĩa vụ mang số tiền, vật chất được quyên góp đến đối tượng, địa điểm mà người nhận uỷ thác, uỷ quyền đã cam kết. Ngay khi việc thực hiện nghĩa vụ chuyển số tiền đã cam kết giao cho bên nhận uỷ quyền, bên uỷ quyền sẽ phát sinh quyền được biết được số tiền, vật chất mà họ đã đóng góp có được sử dụng đúng theo cam kết. Từ đó, đặt ra nghĩa vụ đối với cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp trong việc thực hiện việc sao kê tài khoản, minh bạch trong việc phân phối tiền, vật chất cứu trợ.

Trong trường hợp bên nhận uỷ quyền vi phạm nghĩa vụ thực hiện phân phối tiền, vật chất như đã cam kết, một loạt các dạng trách nhiệm pháp lý sẽ phát sinh gồm dân sự, hành chính và nghiêm khắc nhất là hình sự.

Chế tài xử lý hành vi “ăn chặn tiền từ thiện”  

Dù pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể đối với hoạt động từ thiện của cá nhân, nhưng điều đó không có nghĩa, khi các cá nhân nói chung sử dụng tiền và các vật chất từ thiện không đúng mục đích thì không bị xử lý.

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, tùy theo từng mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, về hình thức xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp quyên góp tiền của người khác với lý do làm từ thiện nhưng lại không dùng khoản tiền đó cho mục đích từ thiện mà nhằm mục đích chiếm đoạt thì bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng. Trong trường hợp cá nhân cố ý dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản thì mức phạt tiền tối đa là 5 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu số tiền đã quyên góp được theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

        Trường hợp giá trị số tiền được sử dụng sai mục đích lớn, đủ mức cấu thành tội phạm, cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Lạm dụng tín nhiệm theo quy định tại Điều 174 và 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Hành vi cố tình sử dụng nguồn tiền, vật chất được kêu gọi sai mục đích sẽ cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong trường hợp người phạm tội đưa thông tin không đúng sự thật ngay từ đầu, khiến công chúng tin rằng hoạt động từ thiện có thật và quyên góp tiền để ủng hộ.

Ví dụ lợi dụng tình trạng khẩn cấp, cụ thể ở đây là bão lũ, thiên tai ở miền Trung để kêu gọi những lòng hảo tâm gửi tiền và sau đó chiếm đoạt số tiền đó vào mục đích cá nhân hoặc mục đích khác. Trong trường hợp số tiền, tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, người có hành vi chiếm đoạt có thể đối mặt với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Trường hợp khi cá nhân đứng ra kêu gọi từ thiện nhưng trong quá trình triển khai hoạt động thiện nguyện đã nảy sinh ý định chiếm đoạt, không sử dụng một phần hay toàn bộ số tiền quyên góp vào mục đích ban đầu mà sử dụng cho mục đích cá nhân của mình, hoặc mục đích khác thì người đứng ra nhận đóng góp, phân phối số tiền này có thể bị truy cứu về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự. Trường hợp cá nhân có hành vi chiếm đoạt số tiền, tài sản có có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, người có hành vi chiếm đoạt có thể đối mặt với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù giam.

Giải pháp nào cho hoạt động từ thiện tự phát của các cá nhân?

Việc từ thiện của các cá nhân có thể đều xuất phát từ tấm lòng và trách nhiệm đối với cộng đồng, tuy nhiên, trong khi pháp luật chưa có quy định hướng dẫn cụ thể thì việc các cá nhân này chủ quan trong vấn đề “minh bạch chuyện từ thiện” có thể trở thành “con dao hai lưỡi” hủy hoại danh tiếng, sự nghiệp, khiến họ vướng vào những rắc rối về mặt pháp luật.

Chính vì vậy, để bảo vệ những người làm công tác từ thiện, tránh những rủi ro về pháp lý trong việc kêu gọi từ thiện, có thể thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, các cá nhân nên kêu gọi, quản lý, sử dụng nguồn tiền từ thiện một cách minh bạch thông qua cơ chế được chuyên nghiệp hoá chẳng hạn như thông qua hoạt động của một quỹ từ thiện. Quỹ từ thiện phải được thành lập theo quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, việc giải ngân số tiền từ thiện cần yêu cầu có sự giám sát, theo dõi của người dân, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan kiểm toán để làm căn cứ khi có vấn đề cần yêu cầu sự minh bạch.

Hai là, bản thân mỗi cá nhân khi đứng ra kêu gọi từ thiện cần phải lưu tâm vấn đề công khai, minh bạch nguồn tiền, vật chất tiếp nhận ngay từ đầu, coi đây là "chìa khóa" để bảo vệ chính bản thân mình. Qua đó, bảo đảm lòng tốt của những người đóng góp sẽ đến được đúng đối tượng, tránh những sai sót không đáng có.

Pháp luật - Hoạt động từ thiện dưới góc nhìn pháp luật và giải pháp minh bạch việc làm từ thiện của cá nhân (Hình 3).

Thông tin sao kê trên trang cá nhân của MC Trấn Thành.

Ba là, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về việc từ thiện được tiến hành bởi các cá nhân không chuyên. Bởi trên thực tế, hoạt động tự phát kêu gọi từ thiện của cá nhân đã diễn ra khá phổ biến nhưng lại không có bất kỳ một cơ chế nào để quản lý và kiểm soát, cũng không có quy định của pháp luật hướng dẫn cụ thể. Điều này dẫn đến việc Nhà nước không có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ việc từ thiện của cá nhân nói chung, nghệ sĩ nói riêng, cũng như không thể phòng ngừa được việc có hay không hành vi phạm tội trong hoạt động từ thiện.

Bốn là, bản thân chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội tại những nơi có các cá nhân tổ chức hoạt động thiện nguyện cần có sự tích cực, chủ động, một mặt hỗ trợ cho các cá nhân, nhà hảo tâm làm tròn trách nhiệm của mình, mặt khác hạn chế những nguy cơ tiền, vật chất từ thiện bị lạm dụng, rơi vào tay những thành phần cơ hội, không xứng đáng.

Năm là, cần có những biện pháp, chương trình tuyên truyền, giáo dục, tập huấn cụ thể cho những cá nhân, tổ chức có mong muốn thực hiện việc thiện nguyện. Việc chuyên nghiệp hoá, bài bản hoá hoạt động kêu gọi từ thiện của các cá nhân sẽ góp phần lan toả lòng tốt, đồng thời phát huy vai trò của những hạt nhân tích cực trong xã hội, giúp họ không ngại, không sợ việc từ thiện. Qua đó, cùng với Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, chung tay giúp những hoàn cảnh còn khó khăn sớm vượt qua được hậu quả mà thiên tai, dịch bệnh... gây ra.

Hoạt động từ thiện, kêu gọi từ thiện là một việc làm có ý nghĩa đối với cộng đồng. Tuy nhiên, việc từ thiện phải đúng mục đích, đúng đối tượng, phải minh bạch, công khai. Trường hợp có hành vi lợi dụng hoạt động từ thiện để chiếm đoạt tài sản vào mục đích riêng thì dù có là ai đi nữa đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thạc sĩ-Luật sư Nguyễn Quang Anh

Có thể thấy, chế tài xử phạt các hành vi trái pháp luật này là vô cùng nghiêm khắc. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người không thể chỉ dựa vào “lời đồn”, hay những thông tin trôi nổi trên mạng, mà cần phải dựa vào những chứng cứ xác thực, mà nội dung sao kê là một trong những chứng cứ đó. Vì vậy, bất cứ ai khi có đầy đủ chứng cứ xác đáng cho thấy những cá nhân đứng ra nhận quyên góp có hành vi “ăn chặn tiền từ thiện”, sử dụng tiền từ thiện không đúng mục đích thì hoàn toàn có quyền làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Xem thêm: lmth.443035a-hcab-hnim-ed-pahp-iaig-av-taul-pahp-nihn-cog-ioud-neiht-ut-gnod-taoh/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hoạt động từ thiện dưới góc nhìn pháp luật và giải pháp minh bạch việc làm từ thiện của cá nhân”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools