Nằm trên "đảo thủy tinh" Murano tại Venice, xưởng sản xuất của gia đình ông Simone bắt đầu làm việc từ 5h30 mỗi ngày. Tại đây, thủy tinh được nung trong lò trước khí thổi vào khuôn, tạo thành các món đồ trang trí bắt mắt.
Xưởng sản xuất của ông đang gấp rút hoàn thành một đơn hàng đồ trang trí Giáng Sinh lớn từ Thụy Sĩ. Tuy nhiên càng gần ngày giao hàng, thách thức cũng càng lớn. Bởi trước đây, ông Simone chỉ phải trả khoảng 13.000 Euro tiền khí gas mỗi tháng theo hợp đồng đã ký trước. Tuy nhiên, từ tháng này, sau khi hợp đồng cũ hết hạn, giá gas có thể tăng tới hơn 5 lần, lên mức gần 60.000 Euro.
"Các đơn hàng hiện nay của chúng tôi đã ký từ ít nhất 2 tháng trước và không thể thay đổi mức giá. Do đó, trong vòng vài tháng tới, chúng tôi sẽ phải chịu thua lỗ. Tôi đang tính phải tắt một số lò nung để giảm chi phí", ông Simone Cenedese - chủ xưởng đồ thủy tinh tại Venice, Italy nói.
Doanh nghiệp thủy tinh tại Italy đang chật vật do giá khí đốt tăng cao.
Tuy nhiên tắt bớt lò nung cũng đồng nghĩa với giảm công suất và các đơn hàng sẽ bị chậm lại. Không chỉ xưởng của ông Simone, mà cả ngành thủy tinh thủ công tại Murano, vốn có tuổi đời nhiều thế kỷ, đang phải chịu sức ép nặng nề từ khi cơn bão giá khí đốt tăng cao quét qua toàn châu Âu
Ông Gianni De Checci - Chủ tịch Hiệp hội ngành nghề thủ công Venice cho hay: "Nếu tình hình hiện này còn tiếp tục kéo dài mà không có giải pháp khắc phục, ngành thủy tinh tại Venice sẽ đứng trước những rủi ro lớn. Một số doanh nghiệp đã phải tạm thời dừng hoạt động, nhưng những doanh nghiệp nhỏ hơn có thể phải đóng cửa vĩnh viễn".
Giới chức Italy hiện đã đề xuất hỗ trợ người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, các hiệp hội nghề thủ công đang kêu gọi tung ra các gói hỗ trợ đặc biệt, nhằm bảo vệ những ngành nghề có tuổi đời hơn 1.000 năm này.
VTV.vn - Trong phiên giao dịch 6/10, giá khí đốt tại Vương quốc Anh và châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!