Theo hãng tin CNBC, Ấn Độ là quốc gia thứ 2 tại Châu Á sau Trung Quốc đang gặp khủng hoảng về điện năng. Hiện phần lớn nhà máy nhiệt điện của nước này đang thiếu than trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng trở lại.
Xin được nhắc là than vẫn chiếm tới 70% hoạt động sản xuất điện năng của Ấn Độ.
Hãng tin CNN nhận định một cuộc khủng hoảng điện năng sẽ ngay lập tức tác động đến nền kinh tế Ấn Độ, vốn phụ thuộc vào các ngành sản xuất hơn là dịch vụ. Số liệu của chính phủ cho thấy tính đến ngày 6/10, khoảng 80% nhà máy nhiệt điện của nước này chỉ còn trữ lượng than cho chưa đến 8 ngày. Thậm chí nhiều nơi còn chẳng đủ than cho 1-2 ngày tới.
Điều này trái ngược với số liệu bình quân 4 năm qua khi trữ lượng than cho các nhà máy nhiệt điện luôn ở mức 18 ngày.
"Như bạn có thể thấy, trữ lượng than cho các nhà máy nhiệt điện ở Ấn Độ cũng chỉ vào khoảng 8-10 ngày trong tháng 12/2020 và chưa bao giờ vượt quá 18 ngày tính đến tháng 3/2021", giám đốc nghiên cứu Hetal Gandhi của hãng tư vấn CRISIL nhấn mạnh.
Tập đoàn than quốc doanh Coal India, vốn chiếm 80% sản lượng than toàn quốc mặc dù đã tuyên bố sẽ tăng sản lượng nhưng tình hình hiện vẫn chưa có gì chuyển biến.
Nạn nhân thứ 2 tại Châu Á
Hãng tin CNBC cho biết nhiều yếu tố đã khiến Ấn Độ đối mặt cuộc khủng hoảng điện năng hiện nay.
Đầu tiên, Ấn Độ bất ngờ chứng kiến nhu cầu điện năng tặng mạnh trong khoảng tháng 4-8/2021 sau khi đợt bùng dịch lần 2 tại nước này đã chấm dứt. Đà tăng trưởng nhanh chóng trở lại đã khiến các nhà máy đòi hỏi nhu cầu điện lớn hơn so với dự kiến.
Điều trớ trêu là những nhà máy nhiệt điện lại chẳng dự đoán được đà tăng này và không có sự chuẩn bị tích trữ, hệ quả là họ đối mặt khả năng thiếu than. Trong khi đó những nguồn điện sạch khác như thủy điện thì bị ảnh hưởng bởi mùa khô do thiếu nước.
Tiếp đó, việc nhập khẩu than bị gián đoạn cũng đóng góp cho cuộc khủng hoảng trên. Hiện Ấn Độ là nước nhập khẩu than lớn thứ 3 thế giới bất chấp họ có trữ lượng than đá khá lớn.
Thế nhưng giá than nhập khẩu tăng quá cao so với than nội địa đã khiến các công ty giảm mua hàng từ nước ngoài. Trong khi nguồn cung đi xuống thì cầu lại tăng, gây nên tình trạng thiếu than dự trữ ở trên.
Số liệu cho thấy nhập khẩu than của Ấn Độ đã giảm 45% trong tháng 7-8/2021 so với cùng kỳ năm trước.
Xin được nhắc là những ngành chủ chốt của nền kinh tế Ấn Độ như luyện kim, sản xuất xi măng hay giấy đều cần đốt lượng lớn than đá để tạo nhiệt độ cao.
Kể cả khi Ấn Độ muốn nhập khẩu lại than cũng khó khăn bởi đứt gãy chuỗi cung ứng sau đại dịch khiến việc vận chuyển vô cùng khó khăn. Ví dụ giá thành chở than trên biển đã tăng mạnh do thiếu tàu hàng, trong khi các cảng biển thì tắc nghẽn vì quá tải.
Theo giám đốc Gandhi, than nội địa của Ấn Độ thường cho mức nhiệt thấp hơn hàng nhập khẩu, điều này đồng nghĩa các nhà máy sẽ cần nhiều than hơn so với bình thường và tạo thêm áp lực cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Bộ trưởng năng lượng Ấn Độ Raj Kumar Singh cho biết tình hình thiếu điện có thể kéo dài đến 6 tháng do nhiều yếu tố.
Tồi tệ hơn, mùa lễ hội tại Ấn Độ sắp đến và đây thường là thời điểm nhu cầu dùng điện lên đỉnh, qua đó tạo nên cuộc khủng hoảng điện năng trên cả nước.
*Nguồn: CNBC
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.12434235121011202-neid-ueiht-gnaoh-gnuhk-oav-ior-od-na-iot-couq-gnurt-uas/nv.zibefac