Tàu trinh sát tình báo Dupuy de Lôme (A759) của Hải quân Pháp mới đây đã thực hiện một chuyến quá cảnh hiếm hoi qua eo biển Đài Loan.
Thông tin trên do Bộ trưởng Quốc phòng Pháp - bà Florency Parly – đưa ra trong một phiên điều trần tại Thượng viện Pháp mới đây, trang tin Naval News ngày 13-10 đưa tin.
Tàu trinh sát tình báo Dupuy de Lôme của Hải quân Pháp. Ảnh: TWITTER
“Chúng ta đang làm gì sao? Chúng ta thể hiện sự gắn bó của mình với luật pháp quốc tế và quyền tự do đi lại, kể cả với các phương tiện của Hải quân Pháp. Điều này được phản ánh qua sự hiện diện của các tàu hải quân như tàu Dupuy de Lôme ở eo biển Đài Loan” – bà Parly cho hay.
Bà Parly đưa ra phát ngôn trên nhằm trả lời câu hỏi của Thượng nghị sĩ Olivier Cadic về việc “liệu Pháp sẽ gửi tín hiệu đến phía Đài Loan về sự đóng góp vào việc bảo vệ khu vực (eo biển Đài Loan) như đối với một khu vực của lẽ phải không”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Parly không cho biết thời điểm tàu Dupuy de Lôme đi qua eo biển Đài Loan.
Theo Naval News, Dupuy de Lôme – tàu thu thập thông tin tình báo dưới dạng tín hiệu (SIGINT) của Pháp – được triển khai đến khu vực Thái Bình Dương vào tháng 5, ghé thăm đảo Guam hồi tháng 8 và được phát hiện rời Nhật vào ngày 1-10.
Thông báo của bà Parly được đưa ra trong bối cảnh một phái đoàn các thượng nghị sĩ Pháp mới đây có chuyến thăm kéo dài năm ngày tới Đài Loan.
Tàu trinh sát tình báo Dupuy de Lôme của Hải quân Pháp. Ảnh: TWITTER
Thông điệp của Pháp
Liên quan thông báo trên của bà Parly, Naval News dẫn lời nhà nghiên cứu Pháp Antoine Bondaz - làm việc tại Quỹ Nghiên cứu chiến lược (Pháp) – nhận định: “Thông báo này rõ ràng là có ý nghĩa vì ít nhất hai lý do".
"Đầu tiên là trong bối cảnh của quan hệ an ninh ba bên AUKUS, điều này thể hiện tính nhất quán và chặt chẽ trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Pháp, và đặc biệt hơn là của các lực lượng vũ trang” - ông Bondaz cho hay.
"Thứ hai là bất chấp những đe dọa và uy hiếp của Trung Quốc ở eo biển cũng như đối với các nghị sĩ của chúng ta, Pháp kiên định trong việc bảo vệ các lợi ích của mình và đặc biệt là quyền tự do hàng hải ở khu vực này” – ông Bondaz nói thêm.
“Ngoài ra, tôi không nghĩ rằng mục tiêu của Bộ Quốc phòng là thông báo rộng rãi về việc di chuyển của con tàu này. Nhưng việc đề cập công khai động thái này vào cuối phiên điều trần vẫn là một thông điệp rõ ràng và quan trọng” – nhà nghiên cứu này lưu ý.
Tàu trinh sát tình báo Dupuy de Lôme của Hải quân Pháp. Ảnh: TWITTER
Theo Naval News, các hoạt động đi qua eo biển Đài Loan của Hải quân Pháp trước đây hầu như do các khinh hạm hạng nhẹ lớp Floreal thực hiện, trong khi đó động thái lần này do tàu trinh sát tình báo Dupuy de Lôme tiến hành.
Ông Bondaz nhận định rằng việc một tàu trinh sát tình báo đi qua eo biển không thay đổi mọi thứ.
“Cũng chính con tàu này đã ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc vào đầu tháng 6. Điều quan trọng là điều này thể hiện ý chí của Hải quân Pháp trong việc tăng cường hợp tác và tương tác với các đối tác khu vực, chẳng hạn Nhật, và chủ động hơn khi đối mặt với những rủi ro gia tăng từ cả Nga và Trung Quốc trong khu vực” – ông Bondaz cho hay.
“Pháp, bên cạnh đó, có ý định chứng tỏ rằng Paris là một bên đóng vai trò quan trọng về mặt an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không giống các nước châu Âu khác, và đó là những lý do rõ ràng” – ông Bondaz nhấn mạnh.
Tàu trinh sát tình báo Dupuy de Lôme – với chiều dài 101,75 mét, lượng choán nước lên đến 3.600 tấn cùng số lượng thủy thủ đoàn khoảng 70 người – được đóng tại Hà Lan, hạ thủy vào cuối tháng 3-2004 và được đưa vào biên chế hoạt động của Hải quân Pháp hồi tháng 7-2006.
Với thiết kế và sự tối ưu hóa để đáp ứng các nhiệm vụ SIGINT trên biển, tàu Dupuy de Lôme được Cục Tình báo Quân sự Pháp (DRM) - tương đương Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) - sử dụng.
Tàu Dupuy de Lôme có nhiệm vụ đánh chặn, phân tích tín hiệu radar, liên lạc vô tuyến và vệ tinh.