Hơn 4 tháng giãn cách xã hội đã khiến nhiều gia đình bám trụ ở TP.HCM chịu những tổn thất chưa từng thấy tưởng chừng như muốn kiệt quệ. Không chỉ lo cho cái ăn, cái mặc với túi tiền eo hẹp, họ còn phải xoay sở đủ cách để con đường học vấn của những đứa con không chững lại trước cánh cổng đại học. Riêng với những đứa trẻ mồ côi, chặng đường đến giảng đường mùa COVID-19 cũng gian nan hơn gấp bội.
3 năm trước, Hồ Ngọc Thương (sinh năm 2003), cựu học sinh Trường THPT Bình Tân (TP.HCM), bước vào trường phổ thông mà vắng bóng cả cha lẫn mẹ trên đường đời. Năm lớp 8, khi mẹ chưa mất vì căn bệnh ung thư, Thương ở cùng mẹ trong một căn phòng trọ chật hẹp gần vòng xoay An Lạc, mẹ đi làm thuê, con đi học. Mồ côi rồi, Thương về nương nhờ người cậu ở Bến Lức (Long An).
Từ đó mỗi ngày, Thương thức dậy từ tờ mờ sáng, xách chiếc xe đạp điện cũ đến trường khi đồng hồ vừa điểm 5h và trở về khi đèn vàng đã thắp sáng quốc lộ. Năm lớp 12, nhiều buổi phải tăng cường ôn thi đến hơn 21h, Thương lọ mọ về đến nhà cũng đã hơn 22h. Thở được vài hơi, cậu học trò lao vào ôn bài đến 2h sáng rồi chợp mắt chưa ngon giấc đã phải tranh thủ lên đường cho kịp ngày học mới.
Thương còn một người chị ruột. Những ngày chưa giãn cách, chị chở xe dừa từ dưới quê lên bán trên lề đường Hồ Ngọc Lãm cho dân lao động. Cứ hôm nào dư giả thời gian, Thương lại ra đứng bán phụ chị. Cực thì có cực, nhưng Thương cũng kiếm thêm được chút tiền sinh hoạt hằng ngày.
Với Thương, ra đời mưu sinh từ sớm không có gì đáng ngại. Ngoài bán dừa, mỗi khi hè đến, Thương lại bắt đầu mùa lao động cật lực. Chàng trai này không chối từ bất kỳ công việc gì. Có năm Thương nhận một số việc lặt vặt cho các gia đình cần chuyển nhà, có năm cậu phát tờ rơi cho những dự án bất động sản, khi lại làm nhân viên cho một công ty dọn dẹp, khi nhận dạy kèm cho mấy bé nhỏ,… Số tiền kiếm được Thương dùng trang trải một số khoản chi đầu mỗi năm học".
"Mình không tủi thân gì đâu, còn hãnh diện nữa. Trong khi các bạn còn đi chơi thì mình đi làm, vừa có tiền, vừa thêm kinh nghiệm sống", Thương chia sẻ. "Mình nghĩ cái gì qua thì nên cho qua. Mình đã không còn buồn về phận mồ côi. Mình phải học, phải làm để lo cho mình".
Hè này, một trong những mùa hè quan trọng nhất chuyển tiếp từ phổ thông lên đại học, Thương lại không thể bươn chải để "dằn túi" cho những tháng ngày sắp tới. Dịch COVID-19 đã khiến mọi thứ ngưng trệ, ngay cả chiếc xe dừa của chị cũng phải đậu ở xó nhà mấy tháng nay. Để đóng khoản tiền 5 triệu mà Trường ĐH Tài chính - Marketing tạm thu, Thương phải đi mượn dòng họ mỗi người một ít. "Hết dịch mình sẽ lên TP tìm việc làm ngay. Mong là mọi thứ sẽ sáng sủa hơn", Thương nói.
Cô Lê Thị Tâm Hoài, giáo viên chủ nhiệm của Thương khi còn học ở Trường THPT Bình Tân, chia sẻ dù nhà cách trường khá xa và phải đi làm thêm trang trải cuộc sống, Hồ Ngọc Thương luôn là học sinh gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động của nhà trường. 3 năm cấp 3, Thương luôn là học sinh giỏi. Năm học 2020-2021, Thương còn đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi toán cấp thành phố do Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức.
Chuẩn bị bước chân vào giảng đường, Vũ dọn lại tủ quần áo, tìm kiếm bộ đồ còn mới mới nhưng gần như chẳng có cái nào - Video: HỮU HẠNH - TRỌNG NHÂN - HUỲNH VY
Ngôi nhà nằm sâu trong một con hẻm hai xuyệt ở phường Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân) là nơi cư ngụ của Lương Anh Vũ (sinh năm 2003), tân sinh viên Trường ĐH Công nghiệp - Thực phẩm TP.HCM. Nhà cũ, chật chội, rộng chừng 16 m2, bên trong bức bí, hơi nóng hầm hực bốn phía. Tầng dưới dành hết không gian cho một cửa tiệm tạp hóa con con, bán những loại mì tôm, mắm muối, bánh trái,… Gác lửng là nơi cách đây không lâu có đến 4 thành viên trong gia đình thuộc 3 thế hệ - gồm ông bà nội, cha và Vũ - ngủ "xếp lớp" mỗi đêm.
Sở dĩ nói "cách đây không lâu" là vì sau những biến cố trong chưa đầy một năm qua, căn gác ấy nay đã phần nào hiu quạnh. Cuối năm 2020, ba Vũ mất sau nhiều tháng chống chọi với bệnh viêm gan. Chưa giáp năm, đến lượt ông nội rời bỏ gia đình mãi mãi vì COVID-19. Hai cú sốc lớn khiến Vũ bàng hoàng, làm tin vui trúng tuyển đại học bỗng trở nên tẻ nhạt. "Ông mất nhanh quá, còn chưa kịp thấy mình đậu đại học. Bên y tế đến nhà đưa xác ông đi, tro cốt đem về thờ ở chùa chung với ba. Chưa kịp làm hình ông, bà phải để chứng minh nhân dân của ông lên bàn thờ để nhang khói", Vũ bùi ngùi.
Sau khi ông từ trần, Vũ lại nén đau lo cho bà nội cũng dương tính với COVID-19. Chuyện cơm nước, nhà cửa, thuốc thang, một tay Vũ đảm nhận, chỉ mong sau bà sớm tai qua nạn khỏi. Những ngày nặng nề đó, Vũ thoáng nghĩ đến cảnh chỉ còn một mình em trong căn nhà thân thuộc: Chắc sẽ… trống trải lắm. Bao năm qua, Vũ lớn lên mà không có tình mẫu tử khi mẹ đã bỏ đi từ khi em mới lọt lòng. Có lúc, Vũ nghe loáng thoáng mẹ đã mất, có khi lại nghe mẹ đang sống cùng gia đình mới ở một phương xa nào đó.
Nhưng rồi, cuộc sống vẫn cho chàng trai này một tia hy vọng, nội đã âm tính. Ngay khi khỏi bệnh, bà Lê Thị Thúy Liễu (64 tuổi), bà của Vũ, lập tức nhấc điện thoại liên hệ đầu này đầu kia lo tiền cho cháu nhập học. Bà tâm sự do kinh tế khó khăn, bà mấy lần khuyên Vũ nghỉ học. Hai người đàn ông trụ cột đã mất, trong khi tiệm tạp hóa thời buổi dịch giã đóng cửa im lìm khiến kinh tế gia đình kiệt quệ. Nhưng thấy cháu mê học quá, bà không đành lòng buông xuôi.
Chuẩn bị bước chân vào giảng đường, Vũ dọn lại tủ quần áo, tìm kiếm bộ đồ còn mới mới nhưng gần như chẳng có cái nào. Mấy chiếc áo sơ mi trắng đồng phục được tận dụng mặc từ lớp 10 lên 12 nay cũng đã chật chội. "Không sao, mình dễ chịu lắm, áo còn dùng được là sẽ dùng. Mình chỉ mong vào đại học rồi có thể giữ được sức khỏe để học và đi làm thêm đỡ đần cho bà", Vũ nói.Chọn học ngành khoa học chế biến món ăn, Vũ mong rằng sau này mình có thể trở thành một đầu bếp giỏi, sau đó mở một cửa hàng cho riêng mình. Với Vũ bây giờ, bà là điểm tựa cho những nỗ lực và phấn đấu vì một ngày mai tươi sáng vẫn đang chờ Vũ ở phía trước…
Đó là câu chuyện cảm động của Huỳnh Vũ Hồng Anh (sinh năm 2003), cựu học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ (Q.6, TP.HCM). Tháng 10-2019, gia đình phát hiện Hồng Anh đang mang trong người khối u ác tính ở tuyến giáp. Sau khi xem xét, bác sĩ buộc lòng cắt bỏ tuyến giáp và cho em thuốc dùng trọn đời. Tưởng chừng đã ổn, trong lần tái khám gần nhất vào tháng 9-2021, khối u lại tiến triển bất thường gần vị trí cũ và di căn đến gần một mạch máu chính. Không thể chậm trễ, Hồng Anh buộc nhập viện để phẫu thuật khi vết sẹo trên cổ trong lần mổ trước vẫn còn rất rõ.
Đúng lúc Hồng Anh đang mê man trên bàn mổ, cha em - ông Huỳnh Thanh Tuấn (44 tuổi) - nhận được tin nhắn của người cháu báo rằng Hồng Anh đã trúng tuyển vào Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM. Niềm vui vỡ òa lan tỏa trong không gian của muôn vàn lo lắng. Ông Tuấn ước rằng con gái của ông trong phòng phẫu thuật kia cũng biết được tin này ngay tức khắc. "Lúc con tỉnh lại, tôi báo tin đậu, con mừng lắm nhưng không thể nói chuyện vì sẽ ảnh hưởng đến vết thương. Mấy ngày lưu bệnh, con cứ hối tôi nhớ lo thủ tục nhập học cho con, nó muốn đi học lắm", ông Tuấn kể.
Ít hôm sau khi em trở về từ bệnh viện Ung bướu, chúng tôi đến gặp Hồng Anh. Sắc diện đã tươi tỉnh hơn trước, da dẻ cũng dần chuyển hồng hào, nhưng cổ vẫn phải đeo băng y tế. Bác sĩ cho biết tạm thời nguy hiểm đã qua nhưng cần theo dõi thêm 5 năm nữa xem có gì bất thường hay không.Ông Tuấn khoe với chúng tôi: "Nó là ái nữ của tôi. Mẹ nó bị K, mất cũng 14 năm rồi. Tôi ở vậy nuôi con luôn, sợ bước đi bước nữa con tổn thương. Hai cha con đi đâu cũng có nhau, mấy hôm nằm viện cũng chỉ có hai cha con lủi thủi".
Ông hiện là nhân viên của một công ty sản xuất nhang ở quận 5 (TP.HCM). Làm công ăn lương nếu biết gói ghém thì cũng vừa đủ lo cho cuộc sống hằng ngày và chuyện học hành của con những năm qua. Dù vậy mỗi lần nhập viện, ông cũng phải chạy đôn chạy đáo nhờ cậy họ hàng người một ít.
Hồng Anh rất vô tư. Từ ngày phát bệnh, Hồng Anh không suy nghĩ nhiều và luôn tự trấn an bản thân rằng mình sẽ sớm khỏi. Em tâm sự mình đã tìm thấy nguồn vui ở trường lớp, nơi có bạn bè, thầy cô luôn quan tâm. Những tiết học, những giờ chơi suốt 3 năm phổ thông của bạn luôn đong đầy kỷ niệm.
Dù vậy, căn bệnh khiến cô bạn học hành mau kiệt sức hơn. Nhiều ngày, buổi học chưa qua được phân nửa, Hồng Anh đã cảm thấy như hết sạch năng lượng, đường huyết hạ thấp. Những giờ tự học, làm bài tập buổi tối của Hồng Anh vì vậy mà vất vả và kéo dài hơn so với bạn bè. Đặc biệt mỗi khi mùa thi đến, không ít lần em phải dùng đến thuốc để giữ sức khỏe và kịp nạp vào khối lượng lớn kiến thức.
Cô Tống Hồ Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THPT Phạm Phú Thứ, chia sẻ dù sức khỏe không tốt nhưng Hồng Anh luôn cố gắng đến trường đầy đủ, luôn cố gắng hoàn thành bài vở như bao bạn khác. "Một cô bé hiền, ngoan, chăm chỉ và luôn làm hết sức có thể là những hình ảnh đẹp mà Hồng Anh để lại trong các giáo viên đã từng giảng dạy em", cô Thảo nói.
Lần này chuẩn bị cho con nhập học, ông Tuấn cũng phải vay mượn nhiều nơi. Ông luôn nghĩ môi trường đại học sẽ giúp con ông có thêm nhiều cơ hội được vui vẻ, yêu đời, có nhiều cơ hội phát triển bản thân và vượt qua những thử thách về thể trạng của con.
Riêng Hồng Anh, em vẫn luôn mường tượng về bức tranh thời sinh viên sẽ đẹp đẽ và nhiều màu sắc hệt như những năm cấp 3 vừa qua. Ở đó, Hồng Anh sẽ gặp những người bạn mới thân thiện, những giảng viên tốt bụng và sẽ có thêm vô số trải nghiệm thú vị. "Sau này, mình muốn trở thành một thông dịch viên giỏi, được đi đây đi đó, được tiếp xúc với thế giới bao la. Vì vậy mình sẽ cố gắng hết sức ngay từ bây giờ", Hồng Anh nói.
Xem thêm: mth.16641545101011202-ahc-em-gnob-gnav-coh-iad-oav-gnoud/nv.ertiout