Ngày 13-10, đại diện của Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (Hội) cho biết: Hội vừa công nhận 02 cây tra (cây Nho biển - Coccoloba uvifera L.), trong khuôn viên Viện Pasteur Nha Trang và
cây tếch (giá tỵ - Tectona grandis L.f.) tại
Chùa Linh Sơn Pháp Ấn, thôn Khánh Thành, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm là Cây Di sản Việt Nam tại cuộc họp trực tuyến.
Bằng công nhận cây tếch (cây giá tỵ) và cây nho biển (cây tra) là Cây di sản Việt Nam.
Cây nho biển được trồng trong khuôn viên của Viện Pasteur Nha Trang khá nhiều, nhưng trong đó có 2 cây đường kính gốc trên 1 mét. Nơi đây là Cụm di tích lịch sử lưu niệm về Nhà bác học A. Yersin bao gồm: mộ, ngôi chùa người dân lập để thờ ông tại Suối Cát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) và bảo tàng A.Yersin đặt tại
Viện Pastuer Nha Trang được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1990...
Nhân kỷ niệm 130 năm ngày BS. A. Yersin đặt chân đến Nha Trang (1891-2021), cây nho biển được công nhận Cây Di sản Việt Nam góp phần làm tăng thêm ý nghĩa đối với sự kiện này. Những cây này đều có độ tuổi hơn 100 năm, được các nhà khoa học người Pháp và chính Alexandre Yersin di thực vào Việt Nam trồng từ cuối thế kỷ 19.
1 trong 2 cây tra trong khuôn viên Viện Pasteur Nha Trang
Cây tra (nho biển) được trồng rộng rãi ở các nước nhiệt đới. Tại Việt Nam cây được trồng nhiều dọc bờ biển Nam Trung Bộ và ở đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Là loài cây mọc chậm, trong hai năm đầu hầu như cây không phát triển, đến năm thứ 3 mới bắt đầu sinh trưởng bình thường nhưng vẫn rất chậm, cây trồng sau 10 năm mới đạt được chiều cao 3–4 m.
Tuy nhiên, do loài cây này chịu được gió mặn, đất cát, nắng nóng, khô hạn, bão tố, hiện tượng cát bay cát nhảy...nên nho biển là loài cây rất phù hợp cho các vùng đất ven biển, có thể trồng chắn gió, cát rất hữu hiệu, trồng cây xanh bóng mát cho các tuyến đường, các khu du lịch, sinh thái ven biển, thân lá cây đẹp, quả đỏ khi chín và ăn được...
Dịp này, Hội cũng công nhận cây giá tỵ ở chùa Linh Sơn Pháp Ấn là Cây di sản. Loài cây này dạng cây gỗ lớn, có chu vi thân gần 3 mét. Theo ghi chép của BS. Alexandre Yersin, trước đây, ngôi chùa này vốn là nhà làm việc và nghỉ mát của ông cách trại chăn nuôi Suối Dầu khoảng 2km. Từ năm 1897-1915, ông đã di thực nhiều loài cây, trong đó có cây cao su, cây giá tỵ (teck) đem về trồng tại đây. Năm 1943 BS. Yersin mất và để lại ngôi nhà này cho người cộng sự thân tín.
Cây tếch tại chùa Linh Sơn Pháp Ấn tùng được công nhận là cây Bách Niên Cổ Mộc.