Kênh Chợ Gạo hiện là tuyến vận tải đường thủy quan trọng bậc nhất giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: THANH TÚ
Tại Hội nghị phát triển logistics vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển sáng 14-10, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định đường thủy nội địa ít đầu tư, duy tu sửa chữa ít nhưng vận tải khối lượng lớn, hiệu quả cao.
Hiện nay quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được hội đồng thẩm định quốc gia thống nhất, tiếp thu ý kiến thường trực Chính phủ, đang chờ Thủ tướng phê duyệt.
Từ thực tế hiện nay, Bộ trưởng Thể nhận định cần tăng cường sự kết hợp giữa hàng hải và đường thủy nội địa để phát triển đồng bộ.
"Bài học kinh nghiệm ở cảng Cát Lái đã dành vị trí thuận lợi cho cảng thủy nội địa nằm trong cảng biển. Quy hoạch cũng đã bổ sung cảng thủy nội địa trong cảng biển Hải Phòng để thuận tiện kết nối, bốc dỡ hàng hóa từ đường thủy nội địa sang hàng hải; đầu tư những cảng biển mới cần bố trí cảng thủy nội địa để thu gom hàng từ đường thủy thuận lợi cho hàng hải.
Thực tế cho thấy Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ phát triển đường thủy rất tốt và tiềm năng còn rất lớn. Tới 70% hàng của Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải đi nước ngoài được thu gom từ đường thủy nội địa", ông Thể cho biết.
Với 3 tuyến đường thủy quốc gia ở phía Bắc, ông Thể cho biết sông ở miền Bắc hiền hòa nhưng khai thác rất hạn chế vì tất cả sông đều có đê. Trong khi đó, vướng mắc của Luật đê điều khiến các cảng thủy khó phát triển. Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ phối hợp tháo gỡ để có giải pháp phát triển hài hòa, phù hợp với Luật đê điều.
Tại hội nghị, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết thành phố đã có đề án phát triển vận tải logistics. TP.HCM chỉ thu phí hạ tầng cảng biển, không thu phí đường thủy nội địa. Ông Lâm cho biết sở đã báo cáo thành phố nâng cao tĩnh không 219 cầu để tiếp tục phát triển lợi thế vận tải đường thủy.
Theo Bộ Giao thông vận tải, Việt Nam hiện có 9 hành lang vận tải đường thủy kết nối với nhau và kết nối trực tiếp đến các cảng biển và tuyến vận tải ven biển. Hiện cả nước có 298 cảng thủy với 192 cảng hàng hóa, 9 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng; có 235.000 phương tiện thủy nội địa với tổng trọng tải khoảng 19,6 triệu tấn, tổng sức chở là hơn 515.000 người.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, đường thủy nội địa chở 134 triệu lượt khách, giảm 19,6%; hàng hóa đạt 237 triệu tấn, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, khoảng 70% hàng hóa thông qua các cảng biển là hàng container. Tuy nhiên, tỉ lệ đảm nhận của vận tải container bằng đường thủy nội địa tại các cảng biển vẫn còn hạn chế: khu vực cảng biển Hải Phòng chiếm khoảng 1,8%, cảng biển TP.HCM khoảng 11%; chỉ khu vực cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu kết nối với đường thủy nội địa rất tốt, đạt 72%.
TTO - Ngày 27-8, Bộ Giao thông vận tải ban hành 2 quyết định về hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải đường thủy nội địa và hoạt động vận tải hàng hải trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.