Theo hãng tin Reuters, tỷ lệ trẻ em tự tử tại Nhật Bản đã lên cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua vì ảnh hưởng của đại dịch mà cụ thể ở đây là do trường học đóng cửa quá lâu, qua đó ảnh hưởng đến cuộc sống của các em học sinh.
Số liệu của Bộ giáo dục Nhật Bản cho thấy đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều trường học đóng cửa hoặc bị ảnh hưởng trong năm vừa qua, khiến cuộc sống của các em nhỏ bị tác động. Báo cáo cho thấy khoảng 415 trẻ em từ tiểu học đến cấp 3 ở Nhật Bản đã được ghi nhận có hành vi tự sát.
Tờ Asahi nhận định con số này là mức cao kỷ lục kể từ năm 1974 đến nay.
Trên thực tế, tự tử vốn là điều không còn xa lạ tại Nhật Bản do ảnh hưởng từ văn hóa samurai khi các chiến binh tự kết liều mạng sống nhằm tránh bị tổn thương danh dự. Hiện Nhật Bản có tỷ lệ tự tử thuộc hàng cao nhất trong số các nước phát triển của nhóm G7.
Nguyên nhân của tình trạng này đến từ nhiều yếu tố, trong đó có việc nền kinh tế Nhật Bản gặp khủng hoảng cuối thập niên 1980, đầu 1990 dẫn đến tăng trưởng giảm tốc kéo dài cho đến tận ngày nay. Nền kinh tế không bùng nổ, cơ hội việc làm thấp, giá cả tăng cao đã khiến nhiều người Nhật bị ảnh hưởng về tâm lý.
Dẫu vậy, Nhật Bản đã cố cải thiện tình hình khi giảm 40% tỷ lệ tự sát trong 15 năm qua. Trong khoảng 2009-2019, tỷ lệ tự sát tại Nhật Bản đã giảm liên tiếp 10 năm.
Thật không may, đại dịch Covid-19 lại khiến tỷ lệ này tăng trở lại vào năm 2020 với số lượng lớn nạn nhân là phụ nữ. Nguyên nhân chính là do áp lực kinh tế cũng như tác động về tinh thần trong mùa dịch khiến nhiều người trầm cảm hoặc stress.
Báo cáo của Bộ giáo dục Nhật Bản cho biết có khoảng 196.127 trẻ em đã không được đến trường trong tối thiểu 30 ngày qua vì đại dịch, con số kỷ lục trong lịch sử. Chính điều này đã tác động lớn đến cuộc sống và tâm sinh lý của các em nhỏ.
*Nguồn: Reuters
Băng Tâm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị