Gần như huyện, thành phố nào ở Ninh Thuận, nhóm "Nhà giáo và những người bạn" cũng có mặt. Chỉ tính riêng huyện Ninh Phước, "Bếp 0 đồng" của nhóm đã hỗ trợ trên 6.000 suất ăn, trên 30 triệu tiền mặt, hàng tấn thực phẩm cùng vài chục tấn rau xanh.
Để có được những con số trên, nhiều lượt các cô thầy giáo, cán bộ công chức ngành giáo dục có mặt từ sáng đến tối. Không ai đếm được những giọt mồ hôi họ đổ xuống. Khi mọi địa phương trên cả nước bước vào cuộc chiến đấu mới với kẻ thù giấu mặt, thay vì mặc áo dài đứng trên bục giảng, thay vì mặc chỉn chu, đi giày đen bóng, ngày 2 buổi với công việc chuyên môn, thứ bảy chủ nhật ở nhà vui vầy gia đình... thì họ đến đây xắn tay, tất tả với bếp núc...
Các nhân viên bếp toàn là cán bộ quản lý của các trường học trên địa bàn, đang nhặt rau là cô Hiệu trưởng, cô văn thư và cô chủ tịch công đoàn đang phát cơm, cô giáo Hiệu phó mới đắc cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, cô chủ tịch công đoàn đang làm cá… hoặc nhà tu hành bỏ kinh kệ lấy việc đời làm việc đạo, cả ngày đi vận động thực phẩm, rau xanh cho bếp...
Để thực đơn 1 ngày của bếp được ghi: “Gạo 150 kg, thịt heo 110 kg, 70 kg mực/ bữa, 100 kg rau xanh nấu canh, 200 kg củ quả xào hoặc luộc…”, các thầy cô giáo phải sơ chế và chế biến ngần ấy lượng lương thực, thực phẩm trong ngày.
Vừa là người phục vụ không công, họ đồng thời còn là người làm dâu trăm họ. Hộp cơm giao đi, họ vuốt mồ hôi chờ nghe phản hồi từ người ăn. Gạo hôm nay đổ chừng đó nước cơm khô, gạo ngày mai đổ cũng chừng đó nước cơm lại nhão, bởi khác loại gạo... Người nói cơm nhão ăn ngon, người kêu cơm khô quá nuốt không nổi... chín người mười ý, đâu phải ai cũng thấu hiểu và thông cảm cho những "thợ nấu" không chuyên.
Nói đến Bếp 0 đồng sẽ là thiếu sót nếu không nói đến "ông chủ bếp" – Thầy giáo Ngô Sỹ Long, người dám "cả gan" lập bếp khi chỉ có vài triệu đồng trong tay. Là người dám nghĩ, dám làm bởi luôn tin vào chân lý như anh chia sẻ: "bếp này là bếp của nhân dân" và "đã có nhân dân ủng hộ thì khó mấy cũng sẽ qua".
Mà thật vậy, sự lan tỏa của Bếp 0 đồng đã được lãnh đạo tỉnh và người dân ấm lòng ủng hộ. Việc huy động xã hội hóa và sử dụng các bếp sẵn có tại các trường mầm non, đã lan tỏa tới 1 số địa phương ngoài tỉnh, như tại Nghệ An đã áp dụng, để nấu cơm phục vụ công tác chống dịch có hiệu quả.
Khi bếp thứ 11 tại TP Phan Rang – Tháp Chàm sắp tắt lửa, bếp thứ 12 tại huyện Ninh Hải đã ra cơm. Sẽ có những thày cô khác tiếp "phận làm dâu" nối dài "sự nghiệp" phục vụ “người dưng”...
Từ đầu tháng 10, khi các tỉnh phía Nam bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ấy là lúc dòng người bỏ về quê ngày càng đông, 4 tháng trời trong tâm dịch đã vắt kiệt cả tài sản và tinh thần của nhiều người lao động. Thấu hiểu hoàn cảnh ấy, nhóm "Nhà giáo và những người bạn" lại rủ nhau vận động ra đường để tiếp sức cho đồng bào hồi hương.
Với chương trình “Người Ninh Thuận nghĩa tình”, bất kể ai đi về quê bằng xe máy, xe con nếu ghé lại đều nhận được những hộp cơm, cái bánh, hộp sữa, chai nước, cái áo mưa, tấm võng… ngoài ra người về quê còn được hỗ trợ 100 ngàn tiền đổ xăng. Từ Cà Đú, tới ngã ba Chung Mỹ, cầu sông Quao trên tuyến Quốc lộ 1, dù nắng cháy hay mưa dầm cũng không làm họ ngừng công việc.
Việc làm tình nghĩa này đã lan tỏa đến nhiều người, tại điểm nhóm tổ chức hỗ trợ người về quê, nhiều tổ chức tôn giáo, nhóm thiện nguyện, cá nhân tự nguyện chở đồ tới góp: có em học sinh thấy thầy cô như thế gửi 100 ngàn, có người giấu tên gửi nhóm vài chục triệu gọi là chung tay.
Tại điểm hỗ trợ, ngày nào cũng có những nhóm, cá nhân tự nguyện góp đồ ăn, vật dụng cần thiết để nhóm trao cho người về quê... Mỗi ngày có vài trăm lượt xe máy về quê được nhóm hỗ trợ. Nỗi buồn của họ là khi đồ cứu trợ hết, mà dòng người vẫn còn dừng ghé lại. Rủ nhau vét những đồng tiền cuối cùng hỗ trợ người về quê, là niềm an ủi và tạo động lực để họ tiếp tục công việc cho ngày hôm sau.
Khi được hỏi: “Nếu người dân không về quê nữa thì nhóm làm gì?” gần như các thành viên đều có chung một câu trả lời: “Hiện còn một bếp đang nấu cơm cho gần 400 suất ăn mỗi bữa, vẫn còn những khu cách ly tập trung, những chốt phong tỏa, vẫn còn những em học sinh khó khăn… chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách vận động hỗ trợ. Chỉ mong sao hết dịch để cuộc sống người dân được trở lại bình thường, khi ấy chúng tôi sẽ quay về với nghề của mình”.
Để nhìn nhận những gì họ đã làm, động viên mọi người tiếp tục hỗ trợ địa phương chống dịch, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã tặng Bằng khen cho nhóm "Nhà giáo và những người bạn". Cá nhân thầy giáo Ngô Sỹ Long được Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước tặng giấy khen.
Rồi sẽ đến lúc Bếp 0 đồng tắt lửa, họ sẽ không còn đổ mồ hôi trong bếp hay dãi nắng dầm mưa bên lề đường hỗ trợ người về quê, nhưng những việc đã và đang làm của họ vẫn rực cháy giữa đời thường. Tấm lòng thiện nguyện, ấm áp đầy tình người của các nhà giáo và những người bạn sẽ là tấm gương để các em học sinh noi theo, có lẽ nó sẽ có ý nghĩa hơn cả trăm bài giảng luân lý trên sách vở nhà trường. Họ đã góp phần để người địa phương khác gọi họ chung bằng cái tên trìu mến “Người Ninh Thuận nghĩa tình”.
Dưới đây là hình ảnh hoạt động Bếp 0 đồng và chương trình Người Ninh Thuận nghĩa tình của nhóm "Nhà giáo và những người bạn":