Trường ĐH Sài Gòn tạm thời vẫn chưa thu học phí đối với sinh viên sư phạm - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực từ ngày 15-11-2020. Theo đó, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí.
Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của nhà trường nơi theo học và 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.
Tuy nhiên đến nay do chưa có hướng dẫn cụ thể nên các trường vẫn yêu cầu tân sinh viên phải nộp học phí. Việc này gây không ít khó khăn sinh viên nghèo, có bạn từ bỏ giấc mơ vào giảng đường đại học vì không có tiền đóng học phí.
Lo lắng
N.P.Th. (tân sinh viên K47 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: "Tôi chọn ngành sư phạm và được biết sinh viên sư phạm không phải đóng học phí mà còn được hỗ trợ chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng.
Hoàn cảnh rất khó khăn nên tôi chọn học sư phạm để giảm bớt gánh nặng tiền bạc cho gia đình. Vậy mà khi đăng nhập vào trang nhập học trực tuyến của trường thấy thông báo là tôi còn nợ học phí, dù trước đó tôi đã đóng gần 3,8 triệu đồng một số khoản phí.
Nhà trường giải thích do năm nay có quy định mới nên tạm thu học phí học kỳ 1 đối với sinh viên sư phạm. Đồng thời cho biết sẽ có chính sách kéo dài thời hạn đóng cho sinh viên. Hiện tôi đã được trường cho phép chậm nộp học phí nhưng vẫn đang rất lo lắng, nếu không được miễn học phí có lẽ tôi không theo học nổi 4 năm".
Nhiều tân sinh viên sư phạm Trường ĐH Cần Thơ cũng bất ngờ khi làm thủ tục nhập học nhà trường yêu cầu phải nộp học phí. T.T.H. (tân sinh viên ngành sư phạm ngữ văn) chia sẻ: "Theo dõi thông tin trên báo tôi được biết năm nay sinh viên sư phạm vẫn được miễn học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt hằng tháng.
Tuy nhiên, khi nhập học nhà trường yêu cầu sinh viên sư phạm cũng phải nộp học phí. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa biết thủ tục để được hỗ trợ tiền đóng học phí thế nào và nhận từ đâu. Tôi có liên hệ địa phương nhưng vẫn chưa được, họ bảo chờ".
Tại thời điểm này, do chưa biết sinh viên nào được cấp bù học phí nên nhà trường tạm thu học phí. Nếu sau này sinh viên được hỗ trợ học phí, nhà trường sẽ hoàn trả lại khoản tiền sinh viên đã nộp.
ThS Nguyễn Hứa Duy Khang
Tạm thu
TS Cao Anh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho biết theo nghị định 116, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ học phí, tuy nhiên hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách này nên khi tân sinh viên nhập học vẫn phải tạm đóng học phí.
"Khi nhập học tân sinh viên sư phạm vẫn tạm nộp học phí. Sau này khi được hỗ trợ theo nghị định 116, trường sẽ chi hỗ trợ tùy theo diện đặt hàng từ ngân sách các địa phương hoặc từ dự toán ngân sách nhà nước nếu theo nhu cầu xã hội.
Nếu sinh viên nào có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, có thể làm đơn gửi nhà trường xem xét cho nộp học phí trễ. Sinh viên các khóa trước vẫn tiếp tục được miễn học phí khi đã làm cam kết phục vụ ngành" - ông Tuấn nói.
ThS Nguyễn Hứa Duy Khang, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng cần hiểu nghị định 116 không phải là miễn học phí cho sinh viên sư phạm mà trường vẫn thu học phí.
"Theo quy định trước đây, sinh viên sư phạm được miễn học phí, không cần đóng tiền cho trường. Còn hiện nay theo nghị định 116, địa phương hoặc ngân sách từ trung ương hỗ trợ học phí cho sinh viên sư phạm. Có thể hiểu cách thức này giống như học bổng dành cho sinh viên sư phạm, gồm học phí và sinh hoạt phí. Tuy nhiên về học phí sinh viên không nhận trực tiếp mà nơi cấp học phí sẽ chuyển tiền cho nhà trường" - ông Khang nói.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, phụ trách Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: "Theo quy định mới, sinh viên sư phạm miễn học phí và được cung cấp chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng là nếu sinh viên không được địa phương đặt hàng thì sao. Trong trường hợp này, nếu trường thu học phí thì vi phạm, còn miễn học phí thì lấy kinh phí đâu mà bù vào...
Do đó, theo tôi, khi Bộ GD-ĐT duyệt chỉ tiêu đào tạo sư phạm cho trường nhưng sinh viên không được các địa phương đặt hàng thì bộ phải cấp bù kinh phí giảng dạy và cả chi phí sinh hoạt cho các em.
Trong đề án trường đã ghi là nếu Bộ GD-ĐT không cấp bù sư phạm thì các em sẽ phải đóng học phí sau. Hiện nay, trường đang đợi hướng dẫn từ Bộ GD-ĐT và tạm thời chưa thu học phí đối với sinh viên sư phạm".
PGS.TS Phạm Hoàng Quân - hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn - cho hay sinh viên sư phạm của trường năm nay vẫn còn được hưởng chế độ miễn học phí, nhà trường không thu học phí đối với toàn bộ sinh viên các ngành đào tạo giáo viên. Nhà trường hiện vẫn chưa áp dụng nghị định 116 nhưng đã làm việc với Sở Tài chính, Sở GD-ĐT TP.HCM để đưa ra HĐND TP.HCM quyết định việc này.
Đang triển khai giao nhận đặt hàng
Theo Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ GD-ĐT), kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm chi cho giáo dục, đào tạo tại các địa phương, bộ, ngành theo các quy định hiện hành. Sinh viên sư phạm có thể đăng ký đào tạo theo các hình thức: giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu theo thông báo nhu cầu của các địa phương; đào tạo theo nguyện vọng của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp (đào tạo theo nhu cầu xã hội).
Bộ GD-ĐT đã xây dựng phần mềm tuyển sinh ngành sư phạm để kết nối giữa các địa phương (đơn vị giao nhiệm vụ, đặt hàng) với các cơ sở đào tạo ngành giáo viên (đơn vị nhận nhiệm vụ, đặt hàng) để trao đổi thông tin cung và cầu, với mục tiêu đạt được kết quả tốt nhất có thể trong quá trình triển khai nghị định này. Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai các nội dung kế hoạch chi tiết triển khai giao/nhận nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu sử dụng.
TTO - 'COVID-19 là nguyên nhân đẩy điểm chuẩn sư phạm tăng vọt. COVID-19 kéo dài đã khiến kinh tế nhiều gia đình rơi vào cảnh rất khó khăn, có thể không kham nổi học phí những trường khác'.