Nhóm Choice đã kiểm tra các sản phẩm được bày bán trong các cửa hàng thực phẩm, từ xốt trái bơ xay guacamole đến bánh trái cây, và phát hiện ra rằng các mặt hàng chay chế biến có giá cao gấp đôi các nguyên liệu đồ ăn chay.
Nhóm Choice đã khảo sát 1.000 người Úc, 1/10 số người được hỏi cho biết sẽ cân nhắc việc ăn chay trong vòng 5 năm tới - Ảnh: REX/Shutterstock |
Trường hợp “gây sốc” nhất là một loại mayonnaise dán nhãn “ăn chay” có giá cao hơn gần 40% so với sản phẩm “thông thường” được bán trên thị trường, mặc dù cả hai đều chỉ chứa các thành phần có nguồn gốc thực vật.
"Rõ ràng có thể có một số lý do về sản xuất, chẳng hạn như chi phí sản xuất đồ chay cao hơn", nhà báo chuyên viết về thực phẩm của Choice, Rachel Clemons nói. Theo cô, “một số thành phần có thể đắt hơn một chút, hoặc có thể có các phương pháp chế biến hoặc chi phí phân phối khác với thực phẩm thông thường”.
“Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, đôi khi có một khoản chênh lệch giá được cộng thêm vào khi nhà sản xuất tuyên bố món ăn này là đồ chay”, Clemons chia sẻ.
Clemons nói rằng cơ hội của các thương hiệu là một yếu tố dễ thấy, đặc biệt là khi việc ăn chay ngày càng trở nên phổ biến.
Nhóm Choice cũng đã khảo sát hơn 1.000 người Úc về thái độ và nhận thức của họ đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Cứ 10 người Úc thì có 1 người cho biết sẽ cân nhắc chuyển sang ăn chay trong vòng 5 năm tới. Một nghiên cứu của Đại học Adelaide (Úc) cho thấy 1/5 người Úc đang “nỗ lực giảm tiêu thụ thịt một cách có ý thức”.
Nhà báo Clemons so sánh mức giá cao hơn, được gọi là “thuế đồ chay”, với sự bùng nổ thực phẩm không chứa gluten - gluten là loại protein chính có trong lúa mì và nhiều loại ngũ cốc khác nhau - vào đầu thập niên 2010. Các nhà sản xuất đã thu được nhiều lợi nhuận từ một “mốt ăn uống” phổ biến. Cô giải thích, “với các sản phẩm thậm chí vốn không chứa gluten, khi đặc tính “không chứa gluten” được ghi trên nhãn, nó dường như cũng bảo chứng cho việc đẩy giá lên”.
Sophia Lekkas cho biết: “Các sản phẩm ăn chay và không ăn chay xếp cạnh nhau trên kệ hàng khiến người mua rối trí, vì sản phẩm không ăn chay rẻ hơn rất nhiều” - Ảnh: d3sign/Getty Images |
Sophia Lekkas, một người đã ăn chay 6 năm trước khi chuyển hẳn sang ăn chay trường vào đầu năm nay, đã có những trải nghiệm về chi phí ăn uống khi ăn chay và không ăn chay.
“Có những sản phẩm ăn chay và không ăn chay xếp cạnh nhau trên kệ hàng khiến người mua rối trí, vì sản phẩm không ăn chay rẻ hơn rất nhiều”, cô gái 25 tuổi nói, "Rõ ràng, bạn đang thấy ngay trước mắt rằng ăn chay trường đắt hơn (ăn mặn)”.
“Đôi khi tôi tránh những điều này vì tôi không muốn chi 8 đô la để mua một thanh sô cô la mà tôi sẽ ăn hết trong một ngày”, Lekkas nói.
Tuy nhiên, Lekkas nhận thấy việc ăn chay ngày càng trở nên phổ biến khiến các nhà sản xuất đồ chay dễ tiếp cận khách hàng hơn. Nhiều người ăn chay sẵn sàng chi tiền mua đồ chay, bất chấp giá cả ra sao. Cô nói, hiện nay tại khu vực bán bánh Coles trong siêu thị, thậm chí còn có bánh sừng bò chay.
Đối với Raveena Grover, một phụ nữ đã ăn chay trường suốt 6 năm nay, cho rằng, người ăn chay có thể cân nhắc về tính tiện lợi và chi phí khi mua đồ chay.
Cả Grover và Lekkas đều rất vui để giới thiệu pho mát ăn chay. Đây là một trong những ví dụ điển hình về việc người Úc đã biết tiếp nhận các phương pháp chế biến đồ chay để làm tăng sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Grover nói: “Khi những người ăn chay nhìn thấy pho mát thuần chay, cũng giống như cánh cửa thiên đường đang mở ra. Sau nhiều năm không thể ăn pho mát hay chỉ được ăn sản phẩm của một nhãn hiệu độc nhất, thì việc tìm thấy ngày càng nhiều sản phẩm sữa thuần chay là một điều thực sự thú vị”.
Cô cũng khuyên người ăn chay nên tránh mua đồ chay cao cấp đối với các sản phẩm thông thường: "Đến cửa hàng thực phẩm châu Á, bạn sẽ mua được rất nhiều thực phẩm chay, những hộp thịt nấu đậu ngon như những gì bạn có thể mua ở chuỗi cửa hàng Coles hoặc Woolworths”,
Việt Hưng (theo The Guardian)