Chung cư với những căn hộ nhỏ dành cho người có thu nhập thấp ở phường An Lạc, quận Bình Tân (TP.HCM) được nhiều công nhân chọn lựa làm nơi an cư - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhưng làm thế nào để có đột phá trước thực tế 5 năm gần đây số nhà ở xã hội ở thành phố chưa đạt được mục tiêu 20.000? Làm sao nhanh hơn?
Chậm chạp chuyển mình
Tôi vẫn kẹt lại ở miền Trung dù công ty liên tục gọi vào TP.HCM làm việc, do tiêm vắc xin mũi đầu tiên mới một tuần. Trong những ngày này, người nhập cư càng thấm thía nỗi niềm "an cư" của người mưu sinh xa quê.
Nếu có được một nơi ở thuộc "quyền sở hữu" của riêng mình, chúng tôi sẽ không phải tất tả hồi hương từ tháng 7 năm nay để tránh dịch. Trước dịch, lương một nhân viên văn phòng như tôi được 10 triệu đồng. Trừ tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt, hằng tháng tôi vẫn dành dụm được chút đỉnh gửi về quê phụ ba mẹ nuôi em ăn học. Giữa vòng xoáy dịch bệnh và ngưng việc, giảm lương, tôi cũng rơi vào một nỗi lo không tránh khỏi: tiền phòng trọ.
Phần đông người rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai mấy tháng qua vì không đủ sức chi trả tiền thuê nhà dù hiểu rất rõ đây là mảnh đất chúng tôi kiếm sống. Bữa ăn thì có gì dùng nấy, lon gạo bó rau hàng xóm chia nhau cũng qua ngày. Chủ nhà miễn hoặc giảm tiền thuê cũng chỉ phần nào, bởi nhiều người trong số họ vẫn chưa trả hết khoản vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng để xây phòng trọ. Không ai muốn mang cái khó của mình đặt lên vai người khác.
Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là vấn đề được báo chí nêu lên từ lâu, nhưng sự chuyển mình còn khá chậm. Nhiều đồng nghiệp lương cao hơn tôi vẫn chưa mua được căn hộ trả góp. Tôi hiểu giải quyết việc này không hề đơn giản bởi liên quan đến quỹ đất, kinh phí đầu tư, giá thành... song cứ mạnh dạn giao tư nhân làm sẽ rất khả thi, chỉ cần tạo điều kiện về pháp lý.
Hàng triệu lao động tại thành phố này, nhiều người có thu nhập trung bình nhưng rất ổn định, đủ điều kiện mua nhà trả góp. Nếu được vay với lãi suất ưu đãi đủ đóng trước vài chục phần trăm, số còn lại trả dần trong 15 năm hoặc ngắn hơn, họ sẽ có thêm cơ hội có nhà. Chúng tôi đều có việc làm, hợp đồng lao động và chứng minh được thu nhập, công ty cũng sẵn sàng bảo lãnh để tôi mua nhà. Tính ra số tiền trả góp hằng tháng chỉ nhỉnh hơn tiền thuê phòng trọ một chút.
Vợ chồng anh công nhân cùng quê tôi tổng lương tháng được trên 16 triệu đồng, họ nhẩm tính nếu mua được nhà trả góp, mỗi tháng "chuyển khoản" 4 - 5 triệu đồng cho nhà đầu tư xây nhà, hơn 10 năm sau sẽ chính thức là chủ sở hữu. Có nhà riêng sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí khác.
Nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp đã cố gắng xây dựng các khu lưu trú. Tuy nhiên, số lượng chỉ như "muối bỏ biển". Đa số người lao động vẫn phải tự tìm nơi thuê nhà. Quỹ đất của TP.HCM dĩ nhiên không bằng Bình Dương, Đồng Nai song hoàn toàn có thể tìm được hướng đi nếu tiếp tục kêu gọi xã hội hóa. Mong một ngày không xa chúng tôi có địa chỉ trên tấm CCCD đúng với số nhà riêng của mình tại thành phố đang làm việc.
HƯNG ĐỊNH
Xin đừng để chúng tôi chờ lâu hơn nữa!
Cuộc di tản của những người công nhân và gia đình họ ra khỏi TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đang đặt ra nhiều câu hỏi cấp thiết. Vì sao nhiều gia đình công nhân đã sinh sống nhiều năm trên đất này vẫn sống tạm bợ trong những dãy nhà trọ?
Theo thống kê, nhà ở cho người lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua. Hầu hết các khu công nghiệp tập trung trên cả nước đều thiếu hoặc không có nhà ở cho người lao động. Nhiều địa phương đã tích cực triển khai các dự án nhà ở xã hội nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không mặn mà đầu tư nhà ở xã hội do vướng mắc thủ tục, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến nhà ở xã hội...
Đã đến lúc cần có những chính sách đặc biệt như thuế, lãi suất, quy hoạch để điều tiết thị trường bất động sản - nhà ở cho người lao động. Cần phải dành ra một quỹ đất đủ lớn, quy hoạch bài bản về hạ tầng, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, sau đó công khai mời nhà đầu tư và đấu giá. Để thu hút và giữ chân họ nhằm duy trì sản xuất sau đại dịch không có gì tốt hơn là phải đồng hành cùng nhu cầu an cư vững bền của họ.
Có thể phát triển mạnh dạn căn hộ giá rẻ song song căn hộ cho thuê dài hạn gắn liền với các khu công nghiệp, khu chế xuất với trường học, nhà trẻ. Điều này nếu tư nhân không mặn mà hoặc chưa đủ lực để làm thì Nhà nước cần tạo thuận lợi hơn cho họ.
Chúng tôi tin và mong chờ sau lần này, mọi việc sẽ được xúc tiến nhanh nhất, không tính bằng 5 năm hay vài năm mà phải có thông tin thay đổi tích cực hàng quý. Chẳng hạn như có một vài dự án triển khai ngay sau tết (đầu năm 2022) để thắp lên hy vọng công nhân sẽ sớm có nhà. Xin đừng để chúng tôi chờ lâu thêm nữa!
THẢO NGHI
TTO - Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trung bình mỗi năm TP xây 3.000 căn nhà xã hội, đáp ứng nhà ở cho khoảng 12.000 hộ gia đình. TP dự kiến đến năm 2025 sẽ xây 1 triệu căn nhà giá rẻ, hiện thực hóa mục tiêu tổ chức lại đời sống của người lao động.
Xem thêm: mth.76123441251011202-uc-na-om-cou-aoht-oig-oab-er-aig-o-ahn-nac-ueirt-1-hcaoh-ek/nv.ertiout