Mùa xuân năm 2020, vụ scandal liên quan đến một sếp lớn của gã khổng lồ Trung Quốc Alibaba đã khiến cư dân mạng đứng ngồi không yên. Vợ của Tưởng Phàm - lúc đó là một trong những lãnh đạo trẻ nhất của tập đoàn - đã đăng đàn cảnh cáo công khai trên mạng xã hội một hotgirl đình đám của Trung Quốc, cấm "qua lại" với chồng mình.
Bài đăng ấy là khởi nguồn của chuỗi drama tình ái chấn động Trung Quốc năm ấy, giữa Tưởng Phàm, Hoa Hoa (vợ anh) và Trương Đại Dịch - cô hotgirl bị gắn với danh "tiểu tam" . Nhiều đồn đoán xuất hiện xung quanh việc liệu Tưởng có thực sự ngoại tình, và điều đó có gây ảnh hưởng đến quyết định kinh doanh của Alibaba hay không.
Câu chuyện chuyển biến thành một vấn đề phải xử lý về truyền thông đối với công ty. Và rồi đột nhiên, các lưu lượng truy cập cũng như tìm kiếm trên internet liên quan đến Tưởng - nhân viên thân tín nhất của Jack Ma - bắt đầu biến mất.
Mạng xã hội Weibo xóa bỏ, tắt bình luận ở nhiều bài đăng, bỏ trending tìm kiếm đối với chủ đề này - theo như thống kê của trang People's Daily. Nhưng điều này vô tình khiến công chúng đặt dấu hỏi về mối quan hệ giữa Alibaba - cổ đông chính của Weibo, và khiến họ cảm thấy hứng thú đào sâu hơn.
Không rõ điều gì đã khiến Weibo làm như vậy, cũng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Tưởng hoặc Alibaba đứng sau động thái ấy, dù đã xuất hiện nhiều đồn đoán trên mạng. Cơ quan giám sát internet tại Trung Quốc thậm chí đã phạt Weibo vì đã ngăn cản lan truyền quan điểm liên quan đến một người "họ Tưởng" mà không có thêm bước xác định nào sau đó.
Vấn đề là, tốc độ và quy mô gỡ bỏ tin tức liên quan đến vụ việc này là quá nhanh.
Nó nhanh đến mức đánh động cả vào những quan chức chính phủ, cho rằng điều này đã đi quá giới hạn. Trang Bloomberg dẫn lời của một nguồn tin giấu tên, rằng sự việc đã khiến không chỉ Weibo bị chú ý, mà còn là tầm ảnh hưởng tuyệt đối của Jack Ma và những công ty của ông với truyền thông Trung Quốc.
"Các bài đăng bị xóa đi với tốc độ nhanh đến đáng sợ," - Song Qinghui, một nhà bình luận chính trị nhận xét. "Cần phải chú ý và xử lý vấn đề này."
Quyền lực quá lớn
Jack Ma từng là một nhân vật được tôn sùng ở Trung Quốc, vì đã thành công xây dựng được Alibaba và công ty tài chính công nghệ Ant Group Co. - những gã khổng lồ mang đến các tiện ích thâm nhập vào mọi khía cạnh cuộc sống của người dân Trung Hoa. Từ mua sắm, giao hàng cho đến mua nhà, tất cả đều có thể thực hiện thông qua nền tảng của họ.
Nhưng điều ít ai biết là tầm ảnh hưởng của Jack Ma và các công ty của ông thông qua việc nắm giữ cổ phần của các công ty truyền thông Trung Quốc trong suốt nhiều năm qua, chỉ bị lộ ra sau bê bối của Tưởng Phàm. Danh mục đầu tư vào truyền thông của họ rất rộng, từ báo chí, trang tin, mạng xã hội và kênh truyền hình, đủ để tạo thành một hệ sinh thái cung cấp tin tức và phương tiện giải trí cho hàng tỉ khách hàng.
Jack Ma
"Việc này có thể là sự khởi đầu của một đến chế làm lu mờ cơ quan truyền thông của chính phủ," - Richard McGregor, thành viên cấp cao của Viện Lowy cho biết. "Việc Jack Ma vừa là ông trùm truyền thông, vừa nắm giữ mảng tài chính đã khiến quyền lực của ông ta ngày càng lớn và trở nên nhạy cảm hơn."
Đế chế của Jack Ma đã lung lay sau lần ông lớn tiếng chỉ trích hệ thống pháp lý gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tại Trung Quốc hồi tháng 10/2020. Chính phủ Trung Quốc tìm cách "kìm cương con ngựa Mã Vân", bắt đầu bằng thương vụ lên sàn IPO của tập đoàn Ant có giá trị kỷ lục 35 tỉ USD bị hủy bỏ, rồi cuộc điều tra chống độc quyền nhắm đến Alibaba.
Thống trị thông tin
Trong số các công ty truyền thông mà Jack Ma cùng Alibaba và Ant nhắm vào, Weibo là nổi bật nhất với hơn 500 triệu người dùng mỗi tháng. Với việc nắm 30% cổ phần vào tháng 4/2020, Alibaba đã trở thành cổ đông lớn nhất của Weibo, chỉ đứng sau công ty mẹ là Sina Corp mà thôi.
Năm 2015, tờ South China Morning Post (SCMP) - trang báo điện tử có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng được Alibaba mua lại, đồng thời thâu tóm 30% cổ phần của tập đoàn truyền thông Yicai ở đại lục. Tập đoàn Ant cũng theo sau với một khoản đầu tư không tiết lộ con số vào tạp chí doanh nhân có ảnh hưởng lớn nhất Trung Quốc là Caixin Media Co.
Jack Ma và các công ty của ông đầu tư vào rất nhiều các công ty truyền thông
Alibaba cũng sở hữu phân nửa của Alibaba Pictures - hãng phim đứng sau nhiều bộ phim bom tấn đình đám của Hollywood như Mission: Impossible - Fallout hay Star Trek Beyond. Và ngoài ra còn những khoản đầu tư nhỏ lẻ vào vô số các tổ chức truyền thông khác nữa.
Theo Fang Kecheng, giáo sư ĐH Trung Văn Hương Cảng cho biết Việc nắm giữ được Caixin và Yicai là rất có giá trị, bởi phải có được giấy phép đặc biệt mới được sản xuất các nội dung mới trên truyền thông. Trong khi đó, nền tảng mạng xã hội như Weibo thì là nơi tổng hợp tất cả mọi thứ.
"Alibaba sẽ không can dự vào công việc hàng ngày và các quyết định biên tập của họ," - trích phát ngôn viên của tập đoàn, đồng thời khẳng định rằng họ cũng chỉ là một nhà đầu tư nhỏ tại hầu hết các công ty này.
Trên thực tế, Jack Ma không phải là "ông trùm" duy nhất nhúng tay vào ngành truyền thông. Tập đoàn giải trí Tencent có WeChat và xem đây như một kênh truyền thông riêng; ByteDance - công ty chủ quản của TikTok thì kiểm soát Jinri Toutiao, một trong những nền tảng tin tức và nội dung nổi tiếng nhất Trung Quốc; Baidu Inc, công ty điều hành nền tảng công cụ tìm kiếm thì có cổ phần sở hữu website hỏi đáp Zhihu.
Vì sự thâu tóm này mà các nhà vận hành phải thuê hàng ngàn người chuyên để rà soát và xử lý thông tin trên nền tảng của họ, và điều này đã khiến nhà chức trách cảm thấy vượt quá giới hạn.
Đi quá giới hạn và sự trừng phạt dành cho Weibo
Tưởng Phàm đã lên tiếng xin lỗi về những tổn hại do gia đình mình gây ra, đồng thời thúc giục Alibaba thực hiện một cuộc điều tra, kết thúc bằng việc Tưởng bị cách chức và loại khỏi nhóm 38 người ảnh hưởng trong ban lãnh đạo của công ty. Tuy nhiên, bản điều tra xác nhận không có bất kỳ dấu hiệu nào của việc lợi dụng chức vụ chuyển giao lợi ích giữa Tưởng và nhân tình Trương Đại Dịch.
Nhưng Weibo vẫn không thoát khỏi cảnh bị chú ý. Tháng 6/2020, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã ra lệnh yêu cầu Weibo chấn chỉnh việc ngăn cản lan truyền các quan điểm liên quan đến Tưởng. Cơ quan này không nói cụ thể vi phạm là gì, nhưng đã phạt Weibo phải ngưng danh sách các chủ đề nóng trong ít nhất 1 tuần. Và rắc rối ấy cũng chỉ là khởi đầu.
Trong vòng vài tháng sau đó, kế hoạch "kìm cương con ngựa" được triển khai, tước dần quyền lực của tỷ phú Jack Ma tại các mảng thương mại, dữ liệu và tài chính. Ant và Alibaba là tâm điểm của cuộc kìm hãm này.
Huxiu, trang tin được chống lưng bởi Ant hồi tháng 12/2020 đã cho biết phải tạm ngưng các dịch vụ trong vòng 1 tháng sau bài viết chỉ ra những rủi ro của cuộc chiến chống độc quyền nhắm vào Alibaba. Bài viết này đã bị xóa, trong khi Huxiu có thể xem là bị đình bản.
Cuối năm 2020, nhà chức trách yêu cầu phương tiện truyền thông Trung Quốc không đăng tải các bài phân tích, quan điểm về Jack Ma và cuộc chiến chống độc quyền, yêu cầu phải có trích dẫn từ cơ quan báo chí chính thống. Nhìn chung, mọi thứ thật sự khác xa với thời Jack Ma và Alibaba là tâm điểm chú ý của truyền thông.
"Alibaba và Jack Ma đã luôn là tâm điểm chú ý của công chúng và truyền thông," - giáo sư Fang cho biết. "Sẽ rất khó để chúng ta thấy một điều tương tự trong tương lai, khi một công ty tư nhân có thể đầu tư vào rất nhiều tập đoàn truyền thông trong nước."
Nguồn: Bloomberg
JD
Pháp luật và bạn đọc